Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng: Thêm niềm tin, thêm tự hào

03/12/2019 | 07:56 GMT+7

Những cái ôm thật chặt, những câu hỏi thân tình khi gặp lại thầy cô, bạn bè cũ, đã có những nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc rơi sau bao nhiêu năm gặp lại... là những cung bậc cảm xúc đan xen trong ngày họp mặt truyền thống thầy cô giáo của Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng (giai đoạn 1964-1977) lần thứ V, năm 2019.

Ban Liên lạc Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng đã trao 60 suất học bổng cho học sinh Trường THPT Tây Đô (Hậu Giang) và Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (thành phố Cần Thơ).

Đong đầy cảm xúc

Ánh mắt đầy tự hào khi nhìn từng lớp học sinh tựu về ngày họp mặt, khi bắt tay, khi lại rạng rỡ nụ cười thầy Ngô Chi Lăng, cựu giáo viên Trường Tây Đô (giai đoạn năm 1962-1966), chia sẻ: “76 tuổi rồi, mỗi lần được họp mặt cùng các đồng nghiệp, cùng các em học sinh của mình là ngày tôi thấy vui nhất. Dù đã 5 lần được gặp gỡ, họp mặt nhưng tôi vẫn cứ thấy đong đầy cảm xúc của ngày nào. Tôi thấy mọi người còn khỏe mạnh tôi mừng”. Rồi cái cảm xúc ngày xưa lại đến, sau mỗi trận càn quét của địch, thầy trò kiểm tra lại sĩ số, thấy đủ mặt là thầy trò chỉ biết ôm nhau thật chặt rồi khóc. Thời đó, ranh giới giữa sống và sẵn sàng hy sinh luôn cận kề. Ấy vậy mà các em học sinh rất ngoan, chịu học và học rất tốt. Đó chính là sức mạnh của niềm tin vào ngày mai độc lập.

Và những kỷ niệm ngày xưa như ùa về trong tâm khảm, đôi mắt thầy Lăng chợt sáng hơn, thầy bộc bạch: “Dạy các em được 2 năm, đến năm 1967 tôi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tham gia vào đội thanh niên xung phong. Rời xa mái trường để thực hiện nhiệm vụ của người trai. Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử nhưng những kỷ niệm ngày xưa vẫn mãi theo tôi đến tận hôm nay. Trong thời kỳ gian khó ấy, thầy trò chúng tôi được giảng dạy, được học tập, được cống hiến, tất cả đều dựa vào thế trận lòng dân đã cưu mang, đùm bọc”.

Vui mừng, hạnh phúc khi được ôm thật chặt lại cô giáo đã dạy mình cách nay 44 năm, bà Nguyễn Việt Hồng, cựu học sinh Trường Nguyễn Việt Hồng niên khóa 1976-1977, thổ lộ: “Tôi thấy mình rất may mắn khi được học tại trường. Cũng nhờ sự giảng dạy nghiêm túc, có chất lượng của thầy cô đã rèn cho tôi tác phong làm việc trách nhiệm, nhiệt tình hết lòng vì nhiệm vụ. Hiện nay, tuy đã về hưu (bà công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ) nhưng với những kinh nghiệm của mình tôi luôn hỗ trợ các đồng nghiệp khi cần”.

Ngày họp mặt luôn là ngày ý nghĩa và nhiều cảm xúc với tất cả thầy cô và học viên Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng. Khi nhìn những cái cúi chào kính cẩn của ông Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, trước thầy cô giáo của mình. Rồi những cái ôm, cái nắm tay siết chặt của ông Bùi Văn Dũng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, với thầy cô giáo, các bạn bè cùng trường thời ấy làm ai cũng thấy ấm lòng. Tình cảm thầy trò vẫn đong đầy dù thời gian, năm tháng có nhiều biến đổi...

Tự hào về chất lượng

Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng được thành lập vào năm 1964, với tên gọi đầu tiên là Trường Phổ thông nội trú cấp II Tây Đô (thường gọi là Trường Tây Đô). Khai giảng khóa đầu tiên do đồng chí Lư Văn Luận làm hiệu trưởng. Khi đó, không có hiệu phó, mọi công việc chuẩn bị tổ chức khai giảng của trường do thầy Ngô Chi Lăng cùng với một vài thầy cô chung tay thực hiện. Mục tiêu của Tỉnh ủy Cần Thơ lúc bấy giờ đặt ra là: “Đào tạo đội ngũ thanh thiếu niên có trình độ học vấn, có đạo đức phẩm chất cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân để trở thành những cán bộ chiến sĩ ưu tú của Đảng. Trường nội trú đặc thù, mang tính cơ động, tự lực tổ chức học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu bảo đảm an toàn trong mọi tình huống”.

Khóa đầu tiên trường có 2 lớp 5 (lớp đầu cấp II hệ 10 năm), với 72 học sinh tại ấp 6, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Hậu Giang). Giai đoạn này, trường có 3 phân hiệu ở huyện Long Mỹ, ở huyện Ô Môn và huyện Châu Thành - Phụng Hiệp. Học sinh của Trường Tây Đô ra trường đều tham gia công tác và phần lớn tham gia lực lượng vũ trang: Tiểu đoàn Tây Đô của tỉnh Cần Thơ; Quân khu 9, Trung ương cục miền Nam và cung cấp nguồn cán bộ chiến sĩ chuẩn bị Tổng tấn công và nổi dậy Mùa xuân Mậu Thân năm 1968.

Đến năm 1969, Trường Tây Đô tạm ngưng hoạt động do nhiều giáo viên trường đã được tổ chức điều động làm công tác như: binh vận, địch vận, công tác nội thành, đi bộ đội, thanh niên xung phong… Năm 1972, theo đề nghị của Tiểu ban Giáo dục và được Tỉnh ủy Cần Thơ quyết định thành lập lại trường nội trú Tây Đô, đặt lại tên trường là Trường Thanh niên, Thiếu niên Công Nông Nguyễn Việt Hồng (thường gọi là Trường Nguyễn Việt Hồng). Năm 1976, Trường Nguyễn Việt Hồng sáp nhập vào Trường Bổ túc Văn hóa Thanh Thiếu niên công nông Vị Thanh. Với vai trò đào tạo nguồn cán bộ trẻ, phục vụ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cho cách mạng. Đến năm 1985 trường giải thể.

Trong quá trình đào tạo, trường đã bồi dưỡng cho hơn 2.000 học sinh. Một số cán bộ mà hiện nay đã và đang giữ nhiều chức vụ chủ chốt ở các cơ quan Trung ương và địa phương. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến nay thầy trò Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng đã được các cấp tặng thưởng trên 300 huân, huy chương các loại. Trong đó, có 123 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, 71 Huân chương Chiến công, 41 Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều huy chương, bằng khen khác. Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng được xem là tiền thân của Trường THPT Tây Đô (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) và Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ). Em Huỳnh Nguyễn Như Ngọc, học sinh lớp 10TN1, Trường THPT Tây Đô, chia sẻ: “Em rất tự hào khi là học sinh của trường. Được tham dự buổi họp mặt cùng các thầy cô thời kháng chiến càng tạo thêm động lực để em phấn đấu học thật giỏi. Học giỏi để là lời tri ân với thầy cô cũng là cách để em xây dựng tương lai sáng cho mình bằng con đường học vấn”.

Với nền tảng dạy tốt, học tốt, Trường THPT Tây Đô (Hậu Giang) đang nỗ lực đổi mới phương pháp dạy giảng nâng cao chất lượng đào tạo từng ngày. Ông Phạm Tấn Lợi, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Năm 2015, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đây là bước đệm quan trọng để nhà trường nâng cao chất lượng dạy tốt, học tốt. Trường đang tập trung vào đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh nhà trường. Bên cạnh đó, chăm bồi cho đội ngũ học sinh giỏi, phát triển phong trào giáo dục mũi nhọn… để khẳng định thương hiệu giáo dục chất lượng cao”.

Buổi họp mặt đã trở nên ý nghĩa, thân tình hơn khi truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vẫn mãi được duy trì và cháy sáng trong tim từng thế hệ học trò. Qua mỗi lần họp mặt càng tạo động lực để từng thế hệ học sinh tiếp nối truyền thống cha, anh “Dạy tốt, học tốt”, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tinh thần của Nghị quyết 29 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>