Họp thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh

29/11/2023 | 05:39 GMT+7

(HG) - Sáng ngày 28-11, HĐND tỉnh tổ chức họp thẩm tra báo cáo, dự thảo Nghị quyết lĩnh vực kinh tế - ngân sách trình tại kỳ họp cuối năm 2023 HĐND tỉnh. Tham dự cuộc họp có ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Mã Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và các sở, ngành liên quan.

Quang cảnh buổi thẩm tra.

Tại cuộc họp, các cơ quan chuyên môn đã thẩm định, cho ý kiến đối với các dự thảo nghị quyết về lĩnh vực kinh tế - ngân sách. Theo đó, các đại biểu đã nghe và đóng góp vào 7 dự thảo nghị quyết. Cụ thể gồm: Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu tái định cư Mái Dầm; Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Sông Hậu, giai đoạn 1 (phần diện tích còn lại khoảng 46ha); Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 24/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh Hậu Giang về Bảng giá đất định kỳ 5 năm (2020-2024) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (lần 3); Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2024; Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (thay thế Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2019 và Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 9 năm 2020 của HĐND tỉnh); Nghị quyết quy định về định mức lập dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Nghị quyết Danh mục công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cần thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2024.

Ông Trần Văn Huyến (giữa), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự và phát biểu tại buổi thẩm tra.

Phát biểu tại buổi thẩm tra, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cùng các sở, ban, ngành rà soát, xây dựng dự thảo nghị quyết căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh Hậu Giang, bám sát định hướng của tỉnh là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào những công trình, dự án đầu tư cần thiết và cấp thiết. Nghị quyết phải đảm bảo tính pháp lý, rõ nội dung, rõ người thụ hưởng và sát với điều kiện thực tế của tỉnh. Công tác tuyên truyền về nghị quyết cần phải thường xuyên và mang tính liên tục, đa dạng hình thức để đảm bảo người thụ hưởng tiếp cận sớm và đầy đủ chính sách được ban hành. Ngoài ra, các sở, ban, ngành chuyên môn nên tích hợp văn bản để áp dụng ngay khi nghị quyết được ban hành.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp, đề xuất của các sở, ban, ngành, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát lại các nội dung cần điều chỉnh, qua đó bổ sung, hoàn thiện nội dung tờ trình, dự thảo nghị quyết, đảm bảo phục vụ tốt cho kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới. 

- Cùng ngày, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tổ chức họp thẩm tra các dự thảo báo cáo, tờ trình thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, chuẩn bị trình tại Kỳ họp thứ 18 (Kỳ họp cuối năm 2023) HĐND tỉnh. Tham dự có bà Mã Thị Tươi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Tại cuộc họp, UBND tỉnh đã báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 38 ngày 9-12-2022 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong 18 chỉ tiêu chủ yếu, ước cả năm có 14 chỉ tiêu vượt kế hoạch và có 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Tại kỳ họp sắp tới, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua dự thảo “Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024”, với 18 chỉ tiêu chủ yếu. Đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo “Nghị quyết quy định mức hỗ trợ học phí năm học 2023-2024 cho trẻ em mầm non, học sinh giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Hậu Giang” và dự thảo “Nghị quyết đặt tên đường và điều chỉnh chiều dài một số tuyến đường trên địa bàn các phường, thị trấn thuộc huyện Phụng Hiệp, các phường thuộc thành phố Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh”, đề nghị đơn vị tham mưu sử dụng từ ngữ phù hợp hơn; chú ý cơ sở pháp lý và lựa chọn nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa, Mẹ Việt Nam anh hùng phù hợp để đặt tên đường.

Với dự thảo “Nghị quyết Ban hành Quy định chính sách hỗ trợ mức quà tặng cho một số đối tượng người có công với cách mạng và một số đối tượng khác nhân dịp các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”, các đại biểu đề nghị điều chỉnh tăng mức quà tặng cho Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh Hậu Giang và các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dưỡng trong và ngoài tỉnh có tiếp nhận, chăm sóc đối tượng được bảo trợ xã hội của tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán; tăng mức quà thăm nạn nhân bị tai nạn lao động đột xuất nhân Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động.

Cuộc họp còn thông qua báo cáo của UBND tỉnh về các nội dung đã chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, trình HĐND tỉnh xem xét thống nhất số kinh phí chi tiền ăn, phụ cấp phòng, chống dịch cho 1 ca trực 8 giờ/ngày bằng mức chi tiền ăn, phụ cấp cho ngày trực 24/24 giờ, với số tiền hơn 4,7 tỉ đồng; thống nhất kinh phí các địa phương đã chi cho các đối tượng trực chốt giao thông liên huyện, chốt tại các chợ theo quy định tại Nghị quyết số 16 ngày 8-2-2021 của Chính phủ, với tổng số tiền trên 662 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, thống nhất nội dung 6 dự thảo báo cáo, tờ trình thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội đã được thẩm tra tại cuộc họp. Đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp điều chỉnh, tham mưu, hoàn thiện các báo cáo, dự thảo nghị quyết để chuẩn bị trình tại kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh sẽ diễn ra trong thời gian tới.

- Cùng ngày, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức họp thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 18 (kỳ họp cuối năm), HĐND tỉnh khóa X. Dự họp có bà Võ Thị Mỹ Trang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành tỉnh thông qua nội dung báo cáo của các cơ quan tư pháp và 3 tờ trình, dự thảo nghị quyết chuẩn bị trình tại Kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm. Cụ thể, Sở Nội vụ tỉnh thông qua tờ trình và dự thảo nghị quyết về việc thông qua đề nghị thành lập thị trấn Tân Long, thuộc huyện Phụng Hiệp và thị trấn Đông Phú, thuộc huyện Châu Thành; tờ trình và dự thảo nghị quyết về việc giao biên chế công chức, biên chế sự nghiệp, số lượng người làm việc theo hợp đồng lao động và số lượng người làm việc trong các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Theo đó, biên chế công chức toàn tỉnh năm 2024 là 1.433 (giảm 20 biên chế so năm 2023), trong đó các sở, ban, ngành tỉnh là 820 biên chế, UBND các huyện, thị xã, thành phố là 613. Biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 13.371, hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên là 1.114; số lượng làm việc trong các hội đặc thù là 98 người…

Tờ trình và dự thảo nghị quyết về hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện tinh giản biên chế giai đoạn 2024-2026 trên địa bàn tỉnh. Theo dự thảo, đối với cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện tinh giản biên chế được giải quyết thôi việc theo quy định tại Nghị định 46/2010 và Nghị định 115/2020, ngoài chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại 2 nghị định này, còn được hưởng thêm chế độ, chính sách hỗ trợ tài chính của tỉnh, với mức hỗ trợ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng.

Trên cơ sở nội dung tờ trình và báo cáo thẩm tra, các thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh cơ bản thống nhất thông qua nội dung các tờ trình, dự thảo nghị quyết chuẩn bị trình tại Kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị các cơ quan tham mưu cần điều chỉnh một số phần bố cục, bổ sung căn cứ pháp lý và giải trình một số vấn đề liên quan.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp, đề xuất của các sở, ban, ngành, lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện nội dung các tờ trình, dự thảo nghị quyết theo ý kiến đóng góp của đại biểu, đảm bảo phục vụ tốt cho Kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm.

Nhóm PV

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>