“Kiềng ba chân” - Người dân có nghề...

18/02/2021 | 07:26 GMT+7

Việc phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn được ví như “kiềng ba chân” là làn gió mới mang lại hiệu quả tích cực cả về mặt kinh tế và xã hội. Câu chuyện không còn mới, nhưng mới ở hiệu quả mang lại !

Đào tạo nghề góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Nhờ được học nghề rồi được công ty nhận vào làm, chị Võ Thị Phấn, công nhân Công ty Cổ phần May Nhà Bè - Hậu Giang (thành phố Vị Thanh) đã có thêm phần thu nhập để phụ giúp gia đình, vì vậy, chị Phấn rất vui. Trò chuyện cùng mọi người, chị Võ Thị Phấn chia sẻ: “Chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn của Nhà nước hay lắm, đặc biệt là dạy nghề tại doanh nghiệp, học xong có việc làm liền. Mấy chị biết không, năm rồi tôi học nghề may công nghiệp tại công ty, mỗi tháng cũng được vài triệu đồng, nhờ vậy, cuộc sống gia đình đỡ lắm”. Đâu riêng chị Phấn, nhiều người tham gia đào tạo nghề tại doanh nghiệp cũng đã có việc làm, ổn định cuộc sống.

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững. Các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số về việc học nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, luôn chú trọng việc tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm dưới nhiều hình thức nhằm giúp người lao động lựa chọn được ngành nghề phù hợp.

Nói tiếp chuyện học nghề, chị Phấn cho biết, trước đây, chị chỉ quanh quẩn ở nhà, lo chuyện nội trợ, cuộc sống gia đình phụ thuộc vào mấy công ruộng, tình trạng túng thiếu là điều không tránh khỏi. Từ ngày học nghề, có việc làm thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình cũng thoải mái hơn. Theo chị Phấn, trong thời gian học nghề tại doanh nghiệp, những học viên như chị vẫn phải tuân thủ đúng giờ giấc, quy định của công ty. Nhờ vậy, sau khi được ký hợp đồng, mọi người ai nấy đều quen với tác phong công nghiệp cũng như thuần thục các thao tác của dây chuyền sản xuất.

Còn chị Nguyễn Thị Kiều Vân, công nhân Công ty TNHH Jia Zhi (thành phố Vị Thanh) cũng hết sức phấn khởi khi có việc làm ổn định nhờ được học nghề. Chị Vân cho hay: “Nhờ được học nghề tại doanh nghiệp đã giúp tôi làm quen với máy móc, trang thiết bị, do đó khi vào làm có nhiều thuận lợi, không thấy bỡ ngỡ. Từ ngày đi làm, gia đình tôi có thêm khoản thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng, cuộc sống cũng thoải mái hơn”.

Với phương châm lấy người học làm trung tâm, những năm qua tỉnh đã có nhiều giải pháp, cách làm để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn như liên kết với doanh nghiệp đào tạo theo địa chỉ, đào tạo nghề gắn với bao tiêu sản phẩm... Đặc biệt năm 2019, tỉnh thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề trong doanh nghiệp (Nhà nước hỗ trợ 40% chi phí đào tạo). Theo đánh giá của ngành chức năng và “người trong cuộc”, đây là hướng đi mới, mang lại nhiều kết quả nổi bật cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Tài, đại diện Công ty Cổ phần May Nhà Bè - Hậu Giang, trước đây, công ty phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội, các trung tâm để tuyển dụng, đào tạo nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn. Sau thời gian thực học ở trung tâm, người lao động được công ty tuyển dụng, tuy nhiên, do chưa quen tác phong công nghiệp, dây chuyền sản xuất, nên công ty phải đào tạo lại, khi đó vừa mất thời gian, tốn kém chi phí, hoặc một số lao động không đáp ứng được yêu cầu cũng như nội quy nên nghỉ việc. “Khi đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại doanh nghiệp, người lao động được thực hành trên máy móc, trang thiết bị hiện đại, được rèn tác phong công nghiệp. Khi hoàn thành khóa học, mọi người đã quen việc, thực tế dây chuyền sản xuất cũng như giờ giấc, nội quy của công ty, từ đó, yên tâm gắn bó lâu dài. Về phía công ty cũng tuyển dụng được lao động có tay nghề, đáp ứng dây chuyền sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh”, chị Tài nhấn mạnh.

Việc phối hợp giữa ba bên - Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động trong thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem như một “làn gió mới” mang lại hiệu quả tích cực cả về mặt kinh tế và xã hội như góp phần làm thay đổi nhận thức của người lao động về chuyện học nghề, tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, nâng cao chất lượng và khai thác hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Là một trong những đơn vị thường xuyên phối hợp tuyển dụng và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A, cho rằng, đào tạo nghề tại doanh nghiệp có nhiều cái lợi, nhất là giúp người lao động làm quen môi trường làm việc, tiếp cận công nghệ hiện đại của công ty. Giáo án, chương trình giảng dạy được trung tâm và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ, sát với yêu cầu thực tế công việc tại doanh nghiệp. Với những hiệu quả thiết thực, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện cách làm này, không chỉ giúp người lao động có việc làm, giúp doanh nghiệp tuyển dụng lao động có tay nghề mà còn góp phần tiết giảm chi phí của Nhà nước.

Học nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động không còn là câu chuyện mới, nhưng để duy trì hiệu quả cùng với sự tham gia của người học, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cần tích cực vào cuộc, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân cũng như có được nguồn lao động có tay nghề, đạt chất lượng.

Góp phần giảm ngân sách nhà nước đáng kể trong khâu chi cho đào tạo

Theo ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Đào tạo nghề tại doanh nghiệp là cách làm hay, góp phần mang lại “làn gió mới” cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong 2 năm 2019-2020, toàn tỉnh đã mở 37 lớp đào tạo nghề may công nghiệp tại các công ty, doanh nghiệp như Công ty TNHH Lạc Tỷ II, Công ty Cổ phần May - Nhà Bè Hậu Giang, Công ty TNHH Jia Zhi,… “Đào tạo nghề tại doanh nghiệp sẽ giúp người lao động làm quen với dây chuyền sản xuất, từ đó, yên tâm học nghề, còn doanh nghiệp tìm được lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu công việc. Đặc biệt, với cách làm này, doanh nghiệp và Nhà nước cùng hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, góp phần giảm ngân sách một cách đáng kể”, ông Bình cho biết.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>