Hậu Giang và khát vọng phát triển tuổi 20

28/10/2023 | 08:11 GMT+7

Bài 2: Những bước đi đúng hướng

Từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả, biến tiềm lực thành nguồn lực, thành của cải vật chất, không để tiềm lực ngủ quên, đưa Hậu Giang ngày càng phát triển”, Hậu Giang đã có bước đi đúng, với những bứt phá được xem là chưa có tiền lệ.

Biến khát vọng thành hành động

Hậu Giang đang là điểm đến hấp dẫn dành cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này bắt nguồn từ sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, của các cấp, các ngành, môi trường đầu tư thông thoáng, hạ tầng giao thông thuận lợi.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Đến thời điểm này, tỉnh có hơn 3.500 doanh nghiệp kê khai thuế, đây là biểu hiện sự lớn mạnh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp họ đến tìm hiểu rồi triển khai các dự án của mình, có cả các nhà đầu tư lớn trong nước. Khi tỉnh có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ thì chúng ta cùng hỗ trợ nhau phát triển”.

Một điểm cộng khác cho Hậu Giang chính là chỉ số PCI năm 2022 tăng cao, như một lời khẳng định, một sự phản hồi tích cực cho những quyết sách đúng đắn mà cả hệ thống chính trị dày công thực hiện thời gian qua. Tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục nâng chất, các chỉ số được đánh giá tốt, đưa Hậu Giang vào tốp 10 của cả nước. Xếp 12/63 tỉnh, thành, tăng 26 bậc so với cùng kỳ năm 2021.

Sự tăng hạng của tỉnh trong bảng chỉ số PCI năm 2022 đã chứng minh những nỗ lực cũng như sự quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư vào tỉnh. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả bước đầu, về lâu dài, tỉnh cần có những bước đi căn cơ, vững chắc hơn. Ông Nguyễn Đăng Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, đề nghị cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành và địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Kịp thời chấn chỉnh và ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của các bộ phận thực thi công vụ. Giải quyết dứt điểm các vướng mắc về thủ tục đất đai, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Các sở, ngành và địa phương căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ của mình, tập trung giải quyết các vấn đề thuộc về khả năng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư như: về hạ tầng cơ bản, hạ tầng kỹ thuật, môi trường sống và làm việc. Đây là một trong các yếu tố tác động trực tiếp đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp ngoài các yếu tố về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bộ phận “một cửa”. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tạo sự tiện lợi cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, hạn chế tối đa các chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư. Tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Hỗ trợ doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn.

Trong chiến lược phát triển Hậu Giang đến năm 2025, tỉnh sẽ nỗ lực cải thiện vị trí xếp hạng về quy mô kinh tế; cải thiện thu ngân sách. Phấn đấu mỗi năm thu ngân sách nội địa tăng 1.000 tỉ đồng. Đến năm 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 8-10% và thu ngân sách khoảng 13.000-15.000 tỉ đồng/năm. Đồng thời trở thành một trong 3 địa phương có môi trường cạnh tranh tốt nhất tại ĐBSCL.

Đánh giá tình hình sản xuất của doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, cho biết: Hiện doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã phục hồi, tình hình cắt giảm lao động ổn định, không xảy ra biến động lớn. Một khi các doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định sẽ nâng tốc độ tăng trưởng của tỉnh.

Theo các chuyên gia, Hậu Giang là mảnh đất giàu tiềm năng, có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng mà các địa phương khác không có được. Bên cạnh đó, tỉnh còn có những quyết sách mang tính đột phá riêng. Rõ ràng, đây là điều kiện cần để các tỉnh tham gia vào “cuộc chơi” thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, để trở thành một “vận động viên” giỏi thì ngoài năng lực nội tại, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, những “hiến kế” cải thiện môi trường kinh doanh của cả chính các cán bộ trực tiếp làm việc với doanh nghiệp. Không chỉ dừng lại ở mức được đánh giá tốt của doanh nghiệp, mà phải là hơn cả mong đợi của họ. Chỉ khi làm được điều này thì chỉ số PCI của tỉnh trong những năm sắp tới sẽ được nâng cao cả về lượng và về chất, làm tiền đề quan trọng hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh.

Những bứt phá chưa có tiền lệ

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, phân tích: Kế thừa tất cả những thành tựu đạt được của nhiệm kỳ XIII Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong đó có nhiều bài học quý giá về “đoàn kết”, “đồng thuận”, “đột phá”… xây dựng quê hương nên ngay sau khi Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV thành công, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bắt tay ngay vào xây dựng các Chương trình, Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch cụ thể hóa 3 nhiệm vụ đột phá và 18 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ với quyết tâm chính trị cao, khát vọng lớn, hành động tích cực, mong muốn Hậu Giang sớm “thoát khỏi vòng xoáy đi xuống”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn Hậu Giang cần nỗ lực để không bị “lỡ nhịp”, đón các làn sóng đầu tư.

Trong nhiệm kỳ này, Hậu Giang cũng tiếp tục huy động được trí tuệ của toàn Đảng bộ, Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học trong đóng góp vào các dự thảo nên Chương trình, Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch ban hành có tính khả thi rất cao.

Cụ thể, tháng 8-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình số 50-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Đại hội XIII của Đảng (Chương trình 50); đến tháng 12-2021, ban hành Kết luận số 159-KL/TU về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chương trình số 50 với các nội dung lớn, quan trọng, đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết khoa học, bài bản, đầy đủ hơn, chất lượng cao nhất về các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Tỉnh ủy đề ra. Chương trình 50 có tính bao trùm, hành động tổng thể, đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, sau nửa nhiệm kỳ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, hiệu quả tạo ra là những bước ngoặt phát triển đáng kể.

Tỉnh ủy Hậu Giang cũng xác định mục tiêu phát triển tỉnh Hậu Giang trở thành tỉnh khá, cải thiện vị trí xếp hạng quy mô kinh tế, thu ngân sách so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Xây dựng thành công các nền tảng bền vững cho tăng trưởng các giai đoạn tiếp theo. Định hướng xây dựng quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030 theo các trục: 1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Một tâm đó là xây dựng huyện Châu Thành là trung tâm và động lực trong phát triển trụ cột đô thị và công nghiệp. Đây có thể nói là bệ phóng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

Hai tuyến, đó là tuyến giao thông giữa tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối với tuyến giao thông sắp hình thành đó là tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Trần Đề. Trên cơ sở 2 tuyến đó thì xây dựng các trung tâm đô thị, các khu công nghiệp phát triển dọc theo 2 tuyến.

Ba thành là nâng tầm và phát triển thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ.

Bốn trụ cột là Công nghiệp hiện đại, Nông nghiệp sinh thái, Đô thị thông minh, Du lịch chất lượng.

Năm nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng các lĩnh vực; cải cách mạnh mẽ hành chính, kết nối với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng, tập trung vào các hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm phát triển kinh tế; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Song song đó, là các nghị quyết, đề án về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao, đủ đức, đủ tài tiếp tục cống hiến trí lực, tài lực phục vụ sự phát triển tỉnh nhà với nhiều khát vọng vươn tầm, vươn lên thành tỉnh khá trong khu vực vào năm 2025.

Cùng với ban hành chủ trương, chính sách phù hợp là công tác tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến đến các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân. Việc triển khai các văn bản, nghị quyết đều do cán bộ chủ chốt của Trung ương, Tỉnh ủy phụ trách, đã chuyển tải đầy đủ các chủ trương của Đảng tạo nhận thức chính trị của đảng viên và nhân dân được nâng lên, củng cố quan điểm, lập trường cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhất là những vấn đề mới, đột phá, tạo sự đồng thuận và động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

Đường lối, chủ trương của Đảng, của địa phương còn được các cấp, các ngành tỉnh Hậu Giang tổ chức tuyên truyền đậm nét trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, sinh hoạt chi bộ, tổ nhóm đoàn thể. Đặc biệt, với việc tổ chức Hội thi tìm hiểu Chương trình 50 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 bằng hình thức viết bài, sân khấu hóa - là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, đã giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân Hậu Giang nắm nhiều nội dung quan trọng của tỉnh, tạo động lực, vật lực giúp quê hương sớm có nhiều đổi mới.

Công tác chính trị, tư tưởng thời gian này còn đánh dấu ở hoạt động của lãnh đạo Tỉnh ủy trực tiếp triển khai đến cán bộ, đảng viên các huyện, thị, thành bài viết vô cùng quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, trong triển khai có liên hệ trực tiếp tình hình thực tế địa phương để cả hệ thống chính trị nhận thức sâu sắc hơn nghĩa vụ, trách nhiệm của mình chung sức, chung lòng cùng hướng về lý tưởng cách mạng, xây dựng quê hương, đất nước phát triển phồn vinh…

HOÀI THANH - MỘNG TOÀN

-------------------

Bài 3: Chủ động đổi mới, sáng tạo, vươn lên tỉnh khá

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>