Cần ứng dụng công nghệ số vào sản xuất để đáp ứng xu thế thị trường

07/11/2022 | 05:49 GMT+7

Đánh giá về thực trạng việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản tại tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, cũng như đề ra một số định hướng trọng tâm trong thời gian tới, ông Lê Quốc Thanh (ảnh), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Hậu Giang.

Xin ông cho biết tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản hiện nay như thế nào ?

- Theo xu thế phát triển của thị trường thì bên cạnh nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản, người tiêu dùng cần có sự minh bạch hơn về quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói và vận chuyển đến bày bán sản phẩm. Đặc biệt là những sản phẩm có nguy cơ cao về ô nhiễm thực phẩm như rau quả, thịt, thủy sản,… nhằm nhận biết sản phẩm an toàn một cách đầy đủ, nghiêm túc, truy xuất được nguồn gốc tại tất cả các khâu trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm.

Người tiêu dùng dùng điện thoại thông minh quét mã QR Code để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm nông sản của Hậu Giang.

Vì vậy, khi áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mọi dữ liệu liên quan đến quá trình tạo ra thành phẩm đều được công khai minh bạch. Đồng nghĩa với việc người tiêu dùng dễ dàng tra cứu được nguồn gốc nguyên liệu, quy trình sản xuất ban đầu, sơ chế, vận chuyển đến kinh doanh… Việc này sẽ trở nên dễ dàng khi sử dụng hệ thống truy xuất điện tử. Tất cả thông tin sản phẩm được lưu trữ vào máy chủ, dễ dàng truy xuất. Cơ sở sản xuất, kinh doanh đưa thông tin lên hệ thống từ những khâu đầu của chuỗi sản xuất cho đến khâu đóng gói sản phẩm. Các thông tin này được tích hợp trong mã phản hồi nhanh (QR code) in trên bao bì sản phẩm. Người tiêu dùng có thể dùng ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh chưa đến 3 giây là biết mọi thông tin về nguồn gốc của sản phẩm họ chuẩn bị mua. Bởi vậy, việc truy xuất nguồn gốc điện tử là giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà quản lý tiếp cận đầy đủ thông tin về thực phẩm được sử dụng hàng ngày.

Mặt khác, việc các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia ứng dụng sử dụng mã QR đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trên thị trường. Ngoài ra, qua đánh giá từ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo chuỗi có tem nhãn đều bán được giá cao hơn sản phẩm sản xuất không có truy xuất nguồn gốc ít nhất 20%.

Thực trạng việc thực hiện giải pháp trên tại tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung hiện nay ra sao, thưa ông ?

- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang phối hợp với ngành khuyến nông tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL triển khai hàng loạt các đề án để ứng dụng nhanh công nghệ thông tin, đặc biệt là trong vấn đề truy xuất nguồn gốc và cấp mã số vùng trồng trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo sự minh bạch hóa sản phẩm của người nông dân làm ra với thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các nền tảng truy xuất nguồn gốc đa phần dựa trên nền tảng công nghệ blockchain để nhập đầu vào và xuất thông tin đầu ra. Sau thời gian ngắn phát động thực hiện thì việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực từ ngành chức năng đến với người dân thông qua việc triển khai nhiều mô hình hiệu quả thiết thực, trong đó Hậu Giang là một trong những tỉnh nổi bật của vùng ĐBSCL.

Cụ thể, hiện ngành khuyến nông của tỉnh Hậu Giang đã và đang thực hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gắn truy xuất nguồn gốc trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Điển hình là mô hình trồng chanh không hạt, mít, mãng cầu đạt chuẩn GlobalGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm; mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP; sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; chăn nuôi dê tận dụng nguồn phụ phẩm từ mít; chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; nuôi lươn không bùn trên bể... Đặc biệt, ngành nông nghiệp của tỉnh đã thực hiện được 99 vùng trồng có cấp mã số trên cây ăn trái, cây dược liệu và lúa. Từ kết quả khởi sắc trên sẽ làm cơ sở quan trọng để địa phương tiếp tục nhân rộng cách làm trong thời gian tới.

Theo ông thì hiện nay trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản sẽ có những khó khăn gì ?

- Tuy việc triển khai mô hình đang được các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện khá quyết liệt, nhưng việc này vẫn chưa phổ biến mà chỉ dừng lại ở mô hình và được bà con áp dụng chưa thật sự rộng rãi. Bên cạnh đó, việc triển khai truy xuất nguồn gốc chưa đúng chuẩn đã tạo kẽ hở cho gian lận thương mại; nhiều tỉnh không có hệ thống định danh chung cho sản phẩm, tác nhân và vùng sản xuất; cũng như chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc; chưa kết nối đầy đủ với quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; chưa kiểm tra chéo thông tin và kết nối thông tin giữa các tác nhân;… từ đó dẫn đến kết quả là thông tin truy xuất công bố chưa đầy đủ trong toàn chuỗi.

Từ những khó khăn đang đặt ra, ông có đề xuất giải pháp nào để tháo gỡ ?

- Việc cần phải làm là ngành chức năng các tỉnh phải biến các mô hình đơn lẻ thành mô hình sản xuất đại trà. Trong đó, hiện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang nỗ lực phối hợp cùng hệ thống khuyến nông các tỉnh, thành vùng ĐBSCL triển khai nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản thông qua các buổi diễn đàn khuyến nông, hội thảo… Đồng thời, tới đây Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tổ chức các đoàn đi tham quan thực tế tại những mô hình ứng dụng nền tảng công nghệ blockchain vào sản xuất ở một số tỉnh tiêu điểm của vùng ĐBSCL nhằm tạo điều kiện cho cơ quan chức năng và người dân cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và tổ chức nhân rộng đạt hiệu quả hơn. Bên cạnh đó là chúng ta cần phải làm đơn giản hóa các phần mềm để từ người sản xuất đến các doanh nghiệp được tiếp cận dễ dàng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người sản xuất biết được là khi người ta ứng dụng các công nghệ số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì mang lại những lợi ích gì, từ đó việc triển khai nhân rộng mới đạt hiệu quả cao như mong đợi.

Mặt khác, hiện chúng ta đang tập trung thực hiện các giải pháp hướng đến người tiêu dùng bằng việc minh bạch trong sản xuất, nhưng rồi tới đây chúng ta cũng nghĩ đến việc bảo vệ người sản xuất, thậm chí là cần hình thành những hiệp hội để bảo vệ người sản xuất minh bạch. Bởi đây là người phải bỏ ra chi phí, công suất để tạo ra được sản phẩm tốt nhất và rõ nguồn gốc trước khi tới tay người tiêu dùng bằng giải pháp đổi mới công nghệ sáng tạo. Bên cạnh đó, khi giá trị sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu thị trường, nhưng nếu chúng ta để thật giả lẫn lộn thì những sản phẩm có thương hiệu sẽ khó cạnh tranh và mất quyền lợi. Vì vậy, việc tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm minh những mặt hàng kém chất lượng chà trộn vào hàng thật được xem là cách làm hiệu quả để bảo vệ người sản xuất minh bạch. Nhìn chung, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới không chỉ về giải pháp kỹ thuật mà còn thay đổi về tư duy sản xuất của nông dân theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là phải chuyển nhanh và mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Qua đánh giá bước đầu thì tư duy người dân đang thấm dần về quyền lợi, cũng như lợi ích của việc chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để người dân áp dụng ngày càng rộng rãi thì ông có những đề xuất gì trong việc hỗ trợ cho bà con ?

- Để thực hiện việc chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công thì cần có yếu tố về cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, về mặt Nhà nước thì cần có giải pháp thực hiện tốt vấn đề này. Bên cạnh đó là việc tính đến các chính sách hỗ trợ cho nông dân đầu tư các trang thiết bị thông minh và nhiều nội dung có liên quan khác, nhất là bà con ở những vùng sâu, vùng xa nhằm tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với công nghệ số được dễ dàng. Song song đó là cần có nhiều hơn nữa những khóa đào tạo, huấn luyện giúp người nông dân ứng dụng các công nghệ mới một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả, từ đó hướng tới người nông dân mang tính chuyên nghiệp và làm chủ công nghệ phục vụ sản xuất...

Xin cảm ơn ông ! 

HỮU PHƯỚC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>