Chuyển đổi số thúc đẩy nông nghiệp phát triển

28/05/2024 | 06:01 GMT+7

Làm tăng năng suất lao động, tạo ra giá trị, động lực tăng trưởng mới, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân,... chuyển đổi số đã, đang thúc đẩy nông nghiệp phát triển và tiếp tục mở ra nhiều kỳ vọng mới về nền sản xuất hiện đại cho người dân.

Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp.

Sự vào cuộc quyết liệt của địa phương

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và những yêu cầu đặt ra từ thị trường đã tạo nên những thách thức không nhỏ đối với ngành nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Vì vậy, để giải quyết những khó khăn, thách thức của ngành thì cần thiết phải có sự đổi mới và chuyển đổi số chính là một trong những “chìa khóa” hữu hiệu. Trên thực tế trong thời gian gần đây, việc thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp được ngành chức năng và người dân tại vùng ĐBSCL triển khai là ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; qua đây làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. Quá trình chuyển đổi này không chỉ là ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà còn giúp nhiều hộ nông dân vùng ĐBSCL tiếp cận, cập nhật kiến thức mới, mở ra cách nghĩ, cách làm mới để thay đổi, hòa nhịp xu thế phát triển mới.

Nhiều vụ lúa qua, Hợp tác xã Tân Long (đơn vị có thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy), ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, thành công với mô hình ứng dụng công nghệ ngập khô xen kẽ trong canh tác lúa. 

Tại Hậu Giang, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc chuyển đổi số cho lĩnh vực nông nghiệp, ngay từ năm 2020, lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện chuyển đổi số, đồng thời ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch để xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý, đồng thời xây dựng bộ dữ liệu và lắp đặt các thiết bị nông nghiệp thông minh như: trạm quan trắc sâu rầy thông minh, trạm đo mặn tự động,… nhằm phục vụ cho sản xuất, cảnh báo, quản lý điều hành được nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả hơn. Song song đó, Sở NN&PTNT tỉnh ngoài áp dụng phần mềm quản lý văn bản, theo dõi công việc thì sở đang xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu cho các lĩnh vực về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, nước sạch, quản lý chất lượng nông lâm sản,… nhằm giúp các đơn vị có liên quan thực hiện cập nhật thông tin quản lý điều hành hàng ngày và tổng hợp báo cáo được kịp thời.

Cùng chia sẻ về thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho hay: Thực hiện đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, hiện toàn ngành và người dân trong tỉnh đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số để số hóa dữ liệu quản lý; số hóa quy trình xử lý - báo cáo - lưu trữ dữ liệu thông qua phát triển hệ thống phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh (thiết bị di động, máy tính…) từ cấp xã lên huyện, rồi từ huyện lên tỉnh. Bên cạnh đó là thực hiện trực quan hóa dữ liệu báo cáo của tất cả các lĩnh vực dưới dạng biểu đồ, bản đồ, hình ảnh; đồng thời hỗ trợ quản lý dữ liệu sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc thuộc phân hệ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; cũng như ứng dụng công nghệ số vào quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong việc thiết lập, giám sát.

Những tín hiệu khởi sắc

Tại hội thảo “Chuyển đổi số thúc đẩy nông nghiệp bền vững” vừa được Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang phối hợp với Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong delta 2024 được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang từ ngày 22 đến 24-5-2024), nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số cho rằng, chuyển đổi số ngành nông nghiệp đã và đang mang lại nhiều tín hiệu khởi sắc, góp phần giúp ngành nông nghiệp bắt nhịp với xu thế hiện đại và ngày càng phát triển.

Cụ thể, việc ứng dụng công nghệ số trong thời gian qua đã giúp người sản xuất dễ dàng tiếp cận thông tin về cảnh báo dịch hại, thời tiết, thị trường, thành tựu khoa học, công nghệ mới, tự động hóa và quản trị quy trình sản xuất hiệu quả hơn, đưa nông sản tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất, tiết giảm chi phí trung gian, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin sản xuất như: vùng nguyên liệu, sản lượng thu hoạch, mùa vụ, cơ cấu giống, tổ chức đại diện nông dân gắn với vùng sản xuất,… từ đó doanh nghiệp hoạch định được chiến lược sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Ông Phạm Hoài Trung, Trưởng Ban Vận động NET TO ZERO 2025 về ứng phó biến đổi khí hậu, thông tin: Thời gian qua, việc nhiều địa phương và người dân ứng dụng chuyển đổi số về công nghệ sinh học đã giúp phân tích dữ liệu về môi trường, loại đất, đặc điểm cây trồng, vật nuôi và các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của đối tượng nuôi, trồng; từ đó người sản xuất sẽ đưa ra những quyết định phù hợp về thời điểm bón phân, tưới nước, phun thuốc, thu hoạch… Nhờ vậy, đã giảm được chi phí, giảm ô nhiễm nguồn nước và đất đai, bảo vệ được sự đa dạng sinh học.

Mặt khác, thông qua hoạt động kết nối trực tiếp trên môi trường mạng đã hình thành mối liên kết 4 nhà, gồm: cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người sản xuất; đồng thời còn kết nối giữa người sản xuất với nhau để góp phần tạo sự đồng thuận gắn kết phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, cho rằng: Ngoài những tín hiệu khởi sắc trên thì chuyển đổi số ngành nông nghiệp còn hiện thực hóa mục tiêu tiếp tục thay đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp thích ứng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái, góp phần tạo ra giá trị mới trong sản xuất. Ngoài ra, qua chuyển đổi số còn phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng “làng thông minh”… Từ đây, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập người dân khu vực nông thôn tiệm cận với thu nhập bình quân chung của cấp tỉnh.

Nhiều kỳ vọng mới

Phát huy kết quả đạt được, nhiều nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp đã đưa ra những giải pháp được cho là sẽ mang lại nhiều kỳ vọng mới trong việc thực hiện chuyển đổi số nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển. Theo đó, một trong những giải pháp được ngành chức năng và người dân vùng ĐBSCL quan tâm hiện nay là việc ứng dụng phần mềm “Mạng nhà nông”, một ứng dụng do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng một đơn vị doanh nghiệp thực hiện.

Ông Ngô Văn Bính, Giám đốc phát triển mạng nhà nông, thông tin: Vào tháng 10-2023, đơn vị đã tổ chức ra mắt ứng dụng “Mạng nhà nông” tại thành phố Cần Thơ cho ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL và bước đầu đang đón nhận sự tin cậy. Bởi khi ứng dụng phần mềm “Mạng nhà nông”, người dùng sẽ có nhiều tiện ích như: hỗ trợ kết nối đầu ra sản phẩm; kết nối các tổ chức tín dụng, bảo hiểm; lập kế hoạch sản xuất mùa vụ; diễn đàn trao đổi thông tin, nắm bắt thị trường; hỗ trợ giải đáp thắc mắc trực tuyến; cập nhật những chính sách mới của Đảng, Nhà nước; truy xuất nguồn gốc… Tất cả những tiện ích trên của ứng dụng đang đáp ứng tốt nhu cầu về chuyển đổi số hiện nay để giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Cùng với ứng dụng “Mạng nhà nông” thì nhiều ứng dụng thông minh khác cũng được xem là sẽ mở ra nhiều kỳ vọng mới trong chuyển đổi số nông nghiệp như: ứng dụng VNPT Agri giúp liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, vùng trồng và doanh nghiệp để thực hiện tốt chuỗi cung ứng và giá trị nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng của thị trường đầu ra sản phẩm cho người dân. Bên cạnh đó là ứng dụng hệ thống quan trắc thời tiết và giám sát côn trùng thông minh, hay ứng dụng công nghệ radar giám sát sự thay đổi mực nước trên đồng ruộng theo quy trình canh tác ngập khô xen kẽ. Ngoài ra, còn có nhiều phần mềm ứng dụng để quản lý và hỗ trợ các nghiệp vụ quản lý, điều hành ngành nông nghiệp, từ đó giúp cho việc ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, làm tăng hiệu lực quản lý và hiệu quả điều hành.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: Hiện nay, toàn ngành nông nghiệp đang triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Với những nội dung của đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì rất cần các giải pháp công nghệ chuyển đổi số để hỗ trợ thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Do đó, với sự gợi mở được nhiều giải pháp công nghệ chuyển đổi số hữu hiệu như trên sẽ giúp các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung kết nối, ứng dụng đạt kết quả. Qua đây, giúp lĩnh vực nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển và khởi sắc hơn trong thời gian tới.   

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>