Tăng cường kết nối với các sàn thương mại điện tử

11/11/2022 | 09:17 GMT+7

Qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trực tuyến lẫn trực tiếp, các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp có dịp tiếp cận với đại diện các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Qua đó nhìn nhận rõ thế mạnh và hạn chế của mình để tiếp tục khai thác thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ngày một tốt hơn.

Một hoạt động hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua sàn TMĐT trực tiếp và trực tuyến tại Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh.

Đa dạng kênh tiếp cận thị trường

Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương. Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong tỉnh được người tiêu dùng trong nước biết đến như một thương hiệu đặc sản vùng miền. Bài toán khó hiện nay, ngoài cải tiến khâu sản xuất, còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh thương mại ngày càng cao, đòi hòi người nông dân và các doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm giải pháp nhằm kết nối cung cầu, cơ cấu lại và duy trì ổn định chuỗi sản xuất.

Ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, thông tin: Thời gian qua Sở Công thương đã tổ chức, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá cho các nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Hậu Giang bằng nhiều hình thức đa dạng. Các hình thức trực tiếp truyền thống như các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, song song đó là các hình thức trực tuyến kết nối cung - cầu, giao thương giữa các tỉnh, thành.

 Đặc biệt, tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp tạo tài khoản, đăng ký bán hàng trên các trang TMĐT như: Shopee, Lazada, Voso, Postmart để doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hiệu quả. Vừa qua, đã hỗ trợ đưa hàng trăm sản phẩm lên các sàn TMĐT như Voso, Postmart, giá trị các đơn hàng trên 1,9 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Quang Thuật, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Sendo có dịp tham gia hội nghị hỗ trợ quảng bá sản phẩm thông qua sàn TMĐT ở Hậu Giang, cho biết hiện nay công ty triển khai thử nghiệm mô hình mới mà tập trung vào ngành thủy hải sản, rau củ, thịt cá, hướng tới cung ứng sản phẩm phục vụ hàng triệu bữa ăn cho các gia đình ở các thành phố lớn. Khi tới Hậu Giang, công ty được cung cấp thông tin về các đặc sản như cá thát lát, khóm Cầu Đúc và nhiều sản phẩm thế mạnh khác giàu tiềm năng. Mong rằng thời gian tới sẽ có tiếp tục đồng hành cùng các nhà sản xuất với các giải pháp chuyển đổi số từ vận chuyển, logistics tới TMĐT.

Doanh nghiệp chủ động

Tại các buổi kết nối, hội nghị trực tuyến lẫn trực tiếp, các doanh nghiệp đều dành sự tập trung, chủ động để đặt các câu hỏi liên quan đến các tiêu chuẩn, giải pháp đưa sản phẩm lên sàn TMĐT và mang đến tay người tiêu dùng hiệu quả. Bởi nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực đều là nông, thủy sản tươi hoặc đông lạnh.

Bà Lý Hồng Tiên, Giám đốc HTX Hậu Giang Xanh, ở thành phố Vị Thanh, chia sẻ: Với lợi thế là có đa dạng sản phẩm chế biến, nhưng hiện nay khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT thì cần biết các giải pháp quảng bá, giới thiệu hiệu quả để người tiêu dùng khi tìm kiếm trực tuyến sẽ dễ dàng thấy và tiếp cận ngay. Chủ thể tham gia sàn TMĐT cần có chiến lược, kế hoạch phát triển sản phẩm theo lợi thế riêng và đảm bảo chất lượng đồng đều để giữ chân khách hàng và nâng uy tín của gian hàng đã đăng ký.

Một trong những vấn đề mà các hợp tác xã, cơ sở quan tâm nhất là vận chuyển nông sản đông lạnh, tươi sống khi giao dịch qua các sàn còn hạn chế về thời gian. Cụ thể, theo một HTX trên địa bàn tỉnh thông tin là khi có đơn hàng ở các tỉnh phía Bắc, có thể mất 4-5 ngày mới tới tay khách hàng. Hơn nữa, ở các sản phẩm đông lạnh khi khách mua số lượng ít với 1-2 sản phẩm/đơn hàng vẫn yêu cầu đảm bảo độ lạnh để bảo quản và vận chuyển tới tay khách hàng mà không ảnh hưởng chất lượng. Hiện tại, đối với các cơ sở vừa và nhỏ, chưa có hệ thống phân phối khép kín cần phải liên kết với các doanh nghiệp về vận tải, cung ứng hàng hóa chuyên nghiệp, có các xe chuyên dụng cho từng ngành hàng.

Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX Trái cây sinh học OCOP, ở huyện Châu Thành, mạnh dạn đưa ra đề xuất với đại diện các sàn TMĐT để góp phần giải bài toán vận chuyển, cung ứng các loại nông sản từ các đơn hàng trên sàn. Hiện nay, HTX sắp hoàn thành kho hàng nông sản quy mô lớn, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe để hàng hóa bảo quản trong điều kiện tốt nhất có thể xuất khẩu. Kho nằm ở Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, vị trí thuận lợi tại trung tâm nguyên liệu của vùng nên hoàn toàn có thể liên kết cùng các doanh nghiệp để giải quyết bài toán vận chuyển tới các khu vực lân cận.

Từ trải nghiệm thực tế qua các hoạt động kết nối, quá trình quản lý, bán hàng qua các sàn TMĐT và các nền tảng trực tuyến khác, các cơ sở, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh nhìn nhận rõ thách thức và từng bước định hướng mở rộng thị trường đa kênh. Đó là quá trình đổi mới toàn diện không chỉ có đầu ra mà còn ở cấp độ sản xuất, củng cố và kế thừa điểm mạnh của các kênh tiêu thụ truyền thống đã có, đồng thời gắn kết với ứng dụng tiến bộ từ nền TMĐT hiện đại.

Bài, ảnh: T.TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>