Bỏ vành móng ngựa tại phiên tòa hình sự

16/05/2018 | 08:46 GMT+7

Từ đầu năm 2018, với quy định mới tại Thông tư 01/2017 của Tòa án nhân dân tối cao, các phiên tòa hình sự đã không còn bố trí vành móng ngựa. Thay vào đó, bị cáo khi bị truy tố trước tòa sẽ đứng ở vị trí mới - trước bục khai báo.

Một phiên tòa hình sự tại Tòa án nhân dân tỉnh đã thay thế vành móng ngựa bằng bục khai báo.

Theo quy định này, tòa án các cấp đã tiến hành sắp xếp vị trí của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong quá trình tòa án xét xử vụ án hình sự, các vụ án dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình…

Ở phiên tòa hình sự, mặc dù đây chỉ là sự thay đổi về hình thức, nhưng ở một góc độ nhất định, thay đổi này đã giải tỏa yếu tố tâm lý cho bị cáo.

Là phóng viên thường xuyên tham dự các phiên tòa, nhiều người vẫn nhớ cảm giác nhiều lần đứng phía trước - nơi đối diện với vành móng ngựa ở phiên tòa, khi giơ máy ảnh lên là lập tức, giống như quán tính, các bị cáo - người thì cúi gằm mặt xuống đất, người thì lấy tay che mặt. Có bị cáo đứng run rẩy trước vành móng ngựa, khi hội đồng xét xử hỏi thì chỉ có thể trả lời ấp a ấp úng… Lúc này, có bị cáo đã tự đánh mất đi khả năng tranh luận hoặc bào chữa cho bản thân.

Mặt khác, khi đứng trước vành móng ngựa, hình ảnh này tạo cảm giác bị cáo đang bị ngăn cách, cách ly khỏi xã hội. Cảm giác tham dự phiên tòa hình sự với sự xuất hiện của vành móng ngựa gần như áp đặt trong suy nghĩ của hầu hết mọi người. Cứ nghe đến câu “đứng trước vành móng ngựa” là nhiều người đã liên tưởng đến việc sẽ phải gánh chịu hình phạt, tù tội.

Trong khi trên thực tế, không phải tất cả những ai ra tòa, bị xét xử hình sự là đều có tội. Bởi đã có những bị cáo được tuyên vô tội tại tòa. Hay ngay cả khi đưa ra xét xử, vẫn có trường hợp xảy ra oan sai. Vành móng ngựa trong những trường hợp này dường như đã là bản án được tuyên trước khi bản án chính thức có hiệu lực pháp luật.

Do vậy, việc bỏ vành móng ngựa thay bằng bục khai báo là cách để cụ thể hóa một cách toàn diện các nguyên tắc tiến bộ trong pháp luật hình sự và cũng phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước, hướng đến đảm bảo quyền con người ngày một nâng cao.

Bên cạnh đó, việc thay đổi này được xem là phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự, đó là suy đoán vô tội.

Theo nguyên tắc này, sẽ không ai bị coi là có tội, phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Điều này phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới, thể hiện tính nhân văn trong hoạt động xét xử.

Cùng với quy định về việc bỏ vành móng ngựa, trong phiên tòa hình sự, vị trí ngồi của các chức danh tư pháp có một số thay đổi.

Cụ thể, vị trí ngồi của luật sư sẽ được bố trí ngang hàng với đại diện viện kiểm sát, thay cho trước đây luật sư thường phải ngồi dưới vị trí đại diện viện kiểm sát một bậc.

Nhìn nhận một cách khách quan, việc bỏ vành móng ngựa hay thay đổi vị trí ngồi của người thực hành quyền công tố được xem là sự thay đổi theo xu hướng tất yếu đối với công tác xét xử trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò của vành móng ngựa trong dòng chảy lịch sử. Bởi hình ảnh của nó như một lời răn đe, cảnh tỉnh cho những kẻ phạm tội phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>