LLVT Quân khu 9 trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

08/02/2018 | 16:05 GMT+7

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Cần Thơ, lần đầu tiên Bộ Tư lệnh Khu 9 (nay là Quân khu 9) tập trung một lực lượng lớn, tổng hợp, đánh vào thành phố lớn nhất miền Tây Nam Bộ và bám trụ, giằng co với địch nhiều ngày ở nội ô và ven thành phố…

Chuẩn bị lực lượng

Theo chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh miền, trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, địa bàn Khu 9 có hai chiến trường trọng điểm là Cần Thơ và Vĩnh Long.

Chuẩn bị lực lượng cho tổng tiến công và nổi dậy, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 9 quyết định thành lập một lữ đoàn bộ binh gồm 5 tiểu đoàn (Tiểu đoàn 307, Tiểu đoàn 303, Tiểu đoàn 309, Tiểu đoàn Tây Đô và Tiểu đoàn Pháo binh 2311). Sau đợt 2 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy (từ 5-5 đến 16-6-1968), lực lượng có sự điều chỉnh, như: Đưa Tiểu đoàn Tây Đô về trực thuộc địa phương (Cần Thơ), thành lập thêm Tiểu đoàn 962, tổ chức lại lữ đoàn thành 2 trung đoàn, tách Tiểu đoàn Pháo binh 2311 về trực thuộc quân khu…

Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9.

Để tấn công vào thành phố Cần Thơ – cơ quan đầu não Vùng 4 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Khu 9 chọn hướng nam – tây nam Cần Thơ làm hướng chủ yếu. Vì, hướng này ta có đủ điều kiện triển khai, tập kết lực lượng, làm bàn đạp tấn công mạnh, liên tục. Điểm bất lợi lớn nhất ở hướng này là lực lượng ta phải vượt sông rộng, xuyên qua hệ thống đồn bốt dày đặc của địch trên tuyến Lộ Vòng Cung.

Tuyến Lộ Vòng Cung có tổng chiều dài gần 30km, bắt đầu từ quận Cái Răng (tiếp giáp với Quốc lộ 1, đoạn qua TP Cần Thơ), đi qua các huyện, quận Phong Điền, Bình Thủy và kết thúc tại Lộ Tẻ Ba Se (nối với Quốc lộ 91, thuộc quận Ô Môn).

Đối với địch, tuyến Lộ Vòng Cung được xem là vành đai phòng thủ, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo vệ thành phố Cần Thơ. Dọc theo tuyến lộ, địch bố trí hơn 100 đồn, bốt và sử dụng tàu chiến, pháo binh, máy bay ngày đêm đánh phá ác liệt nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các lực lượng ta.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Khu 9 và Tỉnh ủy Cần Thơ, ta tập trung khoảng 16.000 lực lượng (bộ đội chủ lực Khu 9, bộ đội địa phương, cán bộ và dân công hỏa tuyến) từ tuyến Lộ Vòng Cung đánh chiếm thành phố Cần Thơ.

Đồng loạt tiến công

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Cần Thơ được chia làm 3 đợt: Đợt một từ ngày 30-1 đến ngày 25-2; đợt hai từ ngày 5-5 đến ngày 16-6; đợt ba từ ngày 13-8 đến ngày 30-9.

Đúng 3 giờ ngày 31-1-1968 (đêm mồng 1 rạng mồng 2 Tết Mậu Thân), các cánh quân của ta từ Lộ Vòng Cung đồng loạt nổ súng tiến công vào thành phố theo các mục tiêu đã định.

Xuồng máy đuôi tôm, phương tiện giao thông phổ biến dùng để đưa đón lực lượng chiến đấu trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Ở hướng nam, sau khi pháo ta bắn áp chế mãnh liệt vào Sở chỉ huy Quân đoàn 4 Quân đội Sài Gòn và sân bay Lộ Tẻ, Tiểu đoàn Tây Đô tấn công vào Tòa Lãnh sự quán và cơ quan tình báo Mỹ; Tiểu đoàn 307 đánh chiếm khu vực Đài phát thanh, khu vực hậu cần và Trung tâm nhập ngũ Vùng 4 chiến thuật.

Ở hướng bắc, Tiểu đoàn 303 và lực lượng đặc công đánh vào Phi trường 31. Tiểu đoàn 309 do nhận lệnh trễ nên ngày 1-2-1968 mới từ nơi tập kết cấp tốc hành quân đến thành phố Cần Thơ, cùng các đơn vị bạn tham gia chiến đấu, làm chủ nhiều khu vực trong nội ô.

Ngày 1 và 2-2, địch bắt đầu phản kích quyết liệt để ngăn chặn bước tiến của ta.

Sau 4 ngày chiến đấu các liệt (từ 31-1 đến 3-2-1968), ta tạm thời rút lui và bám trụ ở Lộ Vòng Cung để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho các đợt tấn công tiếp theo.

Tiếp tục tiến công đợt 2 và đợt 3, các đơn vị thuộc Khu 9 mặc dù có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, diệt và làm tiêu hao nhiều sinh lực địch nhưng kết quả còn hạn chế.

Riêng ở Lộ Vòng Cung, từ sau Tết Mậu Thân 1968, địch tập trung đánh phá dữ dội nhằm quét sạch lực lượng cách mạng. Nơi đây, lần đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, Mỹ đã sử dụng máy bay B52 ném bom rải thảm, biến Lộ Vòng Cung trở thành “vành đai trắng”. Ta với địch quần nhau, giành giật từng tấc đất. Đây là cuộc chiến tiêu biểu nhất ở miền Tây Nam Bộ về quy mô và tính chất ác liệt. Lộ Vòng Cung là biểu tượng của sự kiên cường, dũng cảm; là hình ảnh cao đẹp của tinh thần “Tất cả cho trọng điểm, cho phía trước, cho chiến thắng” của Đảng bộ, quân và dân miền Tây Nam Bộ.

Theo HỒNG ĐĂNG (lược ghi theo lời kể của Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9)/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>