“Màn ảo thuật” trong Chiến tranh thế giới thứ hai

20/05/2019 | 13:46 GMT+7

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các thành phố phía Tây nước Nga đều bị tàn phá nặng nề. Nhưng Điện Kremlin-cơ quan đầu não của chính quyền Xô Viết-một trong số các mục tiêu quan trọng mà không quân phát xít Đức được lệnh phải “biến thành tro tàn”, đã đứng vững mà không bị thiệt hại đáng kể.

Năm 1939, ngay khi chiến tranh bùng nổ, Nikolai Spiridonov, chỉ huy lực lượng an ninh Điện Kremlin đã lo ngại rằng trụ sở của chính quyền Liên Xô chắc chắn sẽ nằm trong tầm ngắm của không quân Đức. Không những thế, đây còn là biểu tượng tinh thần của Liên Xô. Nikolai Spiridonov đề xuất với Lavrentiy Beria, người đứng đầu Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD), về một kế hoạch táo bạo nhằm “giấu” Điện Kremlin khỏi sự nhòm ngó của phát xít Đức. Nhiệm vụ gian nan này được giao cho Boris Iofan, kiến trúc sư tài năng nhất Liên Xô thời đó.

Điện Kremlin là một quần thể rộng tới 28ha, với tường bao màu đỏ đặc trưng cùng nhiều tòa tháp cao và quảng trường rộng lớn, do đó “màn ảo thuật” này cần tới hàng trăm nghìn binh sĩ và người dân Moscow thực hiện. Đầu tiên, người ta sơn lại các bức tường bao quanh Điện Kremlin với nhiều màu khác nhau, sau đó vẽ các ô cửa sổ để trông giống những khu nhà tập thể. Mọi mái nhà bên trong điện được sơn màu nâu gỉ sắt, màu thường thấy trên các mái nhà ở Moscow khi đó.

Đối với các tòa tháp, Boris Iofan đã bố trí màu sơn và sử dụng mái lợp bằng gỗ để trông chúng thấp hơn khi nhìn từ trên cao. Vải bạt sơn hình mái nhà được dùng để che kín các khu vườn và quảng trường, có thêm những nét vẽ giống như nhà cửa. Mặt đường rải đá trong khuôn viên điện được phủ cát, trông giống những con phố thông thường. Nhìn từ trên cao, Điện Kremlin lúc này hoàn toàn hòa lẫn vào các khu nhà san sát ở nội thành Moscow.

Khi quân Đức tiến sát Moscow và huy động hàng nghìn lượt máy bay ném bom đánh phá thành phố, kế hoạch của Nikolai Spiridonov đã thành công ngoài mong đợi. Trong suốt cuộc chiến, 8 đợt không kích lớn nhằm vào Điện Kremlin đều thất bại. Chỉ có 15 quả bom nổ, 150 quả bom cháy và… một thùng dầu phụ rơi vào khu vực này. Các công trình quan trọng đều được bảo toàn nguyên vẹn.

Không chỉ có Điện Kremlin, nhiều công trình quan trọng khác đều “biến mất” và không bị thiệt hại đáng kể. Thế nên, đây được đánh giá là một trong những chiến dịch nghi binh thành công nhất thế kỷ 20.

Theo MINH TRÍ/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>