Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

29/09/2017 | 07:58 GMT+7

15 năm, thời gian chưa phải là dài so với quá trình phát triển của một ngân hàng, nhưng kết quả mà Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đạt được là không nhỏ. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Nguyễn Thanh Triều (ảnh), Giám đốc NHCSXH chi nhánh Hậu Giang, cho biết:

- Sau 15 năm hoạt động, từ 2 chương trình tín dụng ban đầu đã mở rộng thực hiện được 16 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Vốn tín dụng ưu đãi đã phủ kín tất cả các ấp, khu vực trong tỉnh, hướng tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã thuộc vùng khó khăn. Vốn đầu tư trong 15 năm qua đã giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh giảm bình quân từ 2-3%.

Hiện nay, nhu cầu vay vốn đối với hộ nghèo, hộ có công và sản xuất kinh doanh rất cao, vì vậy để đảm bảo cho bà con tiếp cận được nguồn vốn vay, ngân hàng có cách làm linh hoạt nào, thưa ông ?

- Nhìn chung, những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã được phân bổ kịp thời đến hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn cao nên nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất là rất lớn. Do vậy, để đảm bảo cho bà con tiếp cận được nguồn vốn vay, trong thời gian tới ngân hàng tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, ngoài ra chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND và các cơ quan liên quan lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trong đó chú trọng đến công tác thông tin, tuyên truyền vận động đến từng đối tượng, người dân trong việc tham gia tạo lập nguồn vốn, cũng như nâng cao hơn nữa tính chủ động, vai trò trách nhiệm của các đối tượng thụ hưởng trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi, tiết kiệm chi tiêu... Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, UBND cấp huyện xem xét, bổ sung nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH để đáp ứng nhu cầu vốn giải ngân của các chương trình tín dụng chính sách.

Thưa ông, hiện nay ngân hàng còn những khó khăn, vướng mắc nào trong thực hiện các chương trình tín dụng ?

- Bên cạnh những kết quả đạt được, chi nhánh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần tiếp tục giải quyết như: Chất lượng tín dụng tuy đã được cải thiện, nợ quá hạn, nợ khoanh đã giảm đáng kể nhưng vẫn cao hơn mức bình quân chung toàn quốc. Sự phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ ở nhiều nơi chưa được quan tâm thực hiện một cách đồng bộ nên hiệu quả sử dụng nguồn vốn chưa cao. Tình trạng người vay bỏ địa phương đi làm ăn xa vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi làm ảnh hưởng đến công tác thu lãi, thu nợ khi đến hạn. Chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn tuy đã được nâng cao nhưng chưa đều. Trong những năm gần đây, tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm trên 10% nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn vay của các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm.

Theo ông, đâu là giải pháp để các chương trình tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả ?

- Chi nhánh đang tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các ngành, đoàn thể củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức, cán bộ của NHCSXH, nâng cao hiệu quả và hiệu lực công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp và của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc lãnh chỉ đạo và phối hợp thực hiện tín dụng chính sách nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách và chất lượng dịch vụ nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội. Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ và ban quản lý tổ TK&VV để đưa hoạt động tín dụng chính sách ngày càng ổn định và bền vững, trọng tâm vào củng cố, đào tạo đội ngũ Ban quản lý tổ tâm huyết đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ được ủy nhiệm, trên cơ sở tăng quy mô dư nợ của tổ và giảm chi phí hoạt động để khuyến khích đội ngũ ban quản lý tổ...

Xin cảm ơn ông !

THÀNH XOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>