Không để tăng giá vật liệu trong thời gian thực hiện dự án

15/03/2023 | 07:31 GMT+7

(HG) - Chiều tối ngày 14-3, tại Tỉnh ủy Hậu Giang, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm việc với 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long về nguồn cung ứng vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trong vùng. Về phía lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, có ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cùng tham dự.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm (đứng) nêu nhu cầu sử dụng cát của các dự án giao thông trọng điểm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: NGỌC ANH

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 các dự án cao tốc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ triển khai đồng loạt. Vì vậy, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn và chủ yếu tập trung năm 2023, 2024. Tại buổi làm việc với UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Sóc Trăng, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo về nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của các dự án đường cao tốc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long khởi công trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 47,81 triệu m3.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, với các dự án đầu tư, nâng cấp quốc lộ và các dự án cao tốc do địa phương làm cơ quan chủ quản, đến nay cơ bản đảm bảo nhu cầu nguồn cát để triển khai. Riêng 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, tổng nhu cầu cát đắp khoảng 18,5 triệu m3 hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung. Việc các tỉnh có nguồn cát đảm bảo chất lượng thực hiện rà soát để mở mới đồng thời với việc nâng công suất các mỏ đang khai thác cấp cho dự án là hết sức cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết khó khăn hiện nay là các dự án đều thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền do các địa phương đã dành phần lớn các mỏ để phục vụ cho nhu cầu đầu tư các dự án của địa phương; và hiện mới chỉ cân đối để cung cấp được khoảng 3,0/18,5 triệu m3, tuy nhiên khối lượng này cũng chưa thể khai thác được ngay mà cần phải triển khai các thủ tục, mất nhiều thời gian.

Để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ thi công, hoàn thành các dự án cao tốc, đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 cả nước sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long rà soát, khẩn trương thực hiện các thủ tục nâng công suất các mỏ cát đang khai thác. UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long: ưu tiên bố trí đủ nguồn vật liệu cát đáp ứng tiến độ triển khai các dự án. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm việc với các địa phương trong khu vực ĐBSCL để xác định trữ lượng cát đắp của từng tỉnh cung cấp cho dự án.

Tại Tỉnh ủy Hậu Giang, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm việc với 13 tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long về nguồn cung ứng vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trong vùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Giao thông Vận tải lập biểu đồ các tuyến cao tốc, nêu rõ nhu cầu về nguồn cung cát, đất và đá phục vụ san lấp cho từng dự án, trên cơ sở đó xác định cụ thể công việc cần phải làm từ đây đến năm 2024 cho các dự án. Bộ Giao thông Vận tải cùng các địa phương, nhà thầu xác định giá cát, không để tăng giá vật liệu trong thời gian thực hiện dự án. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các tỉnh phải sớm công bố giá và có phương án bình ổn giá cát. Phân bổ, điều tiết sát với yêu cầu thi công; điều tiết phân bổ các mỏ vật liệu xây dựng hợp lý theo từng mốc thời gian, từng giai đoạn thi công. Bộ Tài nguyên và Môi trường điều tiết nguồn vật liệu cát sát với yêu cầu thi công; phân bổ các mỏ vật liệu xây dựng hợp lý theo từng mốc thời gian, từng giai đoạn thi công. 

Theo Bộ Giao thông Vận tải, khu vực đồng bằng sông Cửu Long được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km, đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô phân kỳ giai đoạn 1 (4 làn xe) với tổng chiều dài 171km; 8 dự án đang được đầu tư bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, đưa vào khai thác toàn bộ các dự án trong năm 2026 với tổng chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỉ đồng. Như vậy, đến năm 2026, khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 554km đường cao tốc (các tuyến còn lại sẽ đầu tư trong giai đoạn 2026-2030).

NGỌC ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>