Quan tâm nâng cao công tác kiểm sát

21/03/2023 | 08:38 GMT+7

(HG) - Chiều ngày 20-3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Các đại biểu tham gia phiên chất vấn bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hậu Giang.

Dự phiên chất vấn còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Dự phiên chất vấn bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hậu Giang, có ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng (thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang); bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh...

Báo cáo tại phiên chất vấn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao Lê Minh Trí cho biết, kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự của ngành kiểm sát thời gian qua, có những chuyển biến tích cực, năm sau tốt hơn năm trước, hàng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội. Trong đó, tỷ lệ oan, sai cũng giảm dần theo từng năm, từng nhiệm kỳ Quốc hội và chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng bị can, bị cáo đã truy tố, xét xử.

Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao, thời gian qua, ngành chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của ngành nên hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm. Các vụ án về kinh tế, chức vụ đều được ngành kiểm sát xử lý có căn cứ, đúng pháp luật, kịp thời, nghiêm minh, thấu tình, đạt lý, đáp ứng các yêu cầu chính trị của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, lãnh đạo Viện KSND tối cao cũng thẳng thắn nêu ra hạn chế, như còn xảy ra một số trường hợp tòa án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; bị can phải đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, có trường hợp viện kiểm sát phải rút quyết định truy tố…

Tham gia chất vấn tại phiên họp, các đại biểu đề nghị Viện trưởng Viện KSND tối cao làm rõ trách nhiệm của kiểm sát viên khi để xảy ra tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung khi cơ quan điều tra chuyển hồ sơ đề nghị truy tố. Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung là chế định tố tụng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Bản thân chế định này không có yếu tố tích cực hay hạn chế mà là biện pháp đảm bảo không để oan sai và bỏ lọt tội phạm. Bởi trong các giai đoạn tố tụng, cơ quan chức năng thu thập chứng cứ, xác minh điều tra thấy rằng có yếu tố làm lọt tội phạm hoặc oan sai thì trả hồ sơ để làm rõ. Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết, thời gian qua ngành kiểm sát đưa ra tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan là không quá 5%, giao cho đơn vị theo dõi định kỳ.

Về chất lượng, hình thức công tố của kiểm sát viên, đại biểu cho rằng chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên ở một số phiên tòa, nhất là cấp huyện có mặt còn hạn chế. Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao, thời gian qua, việc nâng cao chất lượng tranh tụng trong ngành kiểm sát được chú trọng, việc rút kinh nghiệm từ các phiên tòa diễn ra tích cực. Tuy nhiên, với số lượng vụ án hình sự, dân sự, hành chính rất lớn, trong khi lượng nhân sự, chất lượng nhân sự, nhất là ở cấp cơ sở, địa phương còn hạn chế. Do đó, cần tổ chức đào tạo trực tuyến toàn ngành, để tất cả các kiểm sát viên đều có khả năng tiếp cận với các chuyên đề cần thiết, góp phần nâng cao năng lực, chất lượng công tác của nhân sự trong ngành kiểm sát.

Kết thúc phiên chất vấn, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã tiếp thu và giải trình gần 30 ý kiến của các đại biểu, với các ý kiến chưa thể giải trình trực tiếp, Viện trưởng Viện KSND tối cao nghiêm túc ghi nhận và sẽ giải trình bằng văn bản gửi đến các đại biểu…

Phát biểu kết luận tại phiên chất vấn, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, cho biết, ngành tòa án và ngành kiểm sát có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Trong một ngày, với phiên chất vấn lãnh đạo hai cơ quan, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các đại biểu và lãnh đạo TAND tối cao và Viện KSND tối cao đã tham gia chất vấn, trả lời tập trung vào các vấn đề rất trọng tâm. Qua đó, kịp thời làm rõ một số nội dung, đề ra một số giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử và công tác kiểm sát.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng, qua phiên chất vấn sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi trong giai đoạn mới. Nhất là phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành cơ bản mục tiêu “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân” như Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định.          

B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>