Tập trung thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án

23/03/2023 | 07:59 GMT+7

(HG) -  Sáng ngày 22-3, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, có buổi làm việc với Tổ công tác số 10 chỉ đạo thực hiện các dự án năm 2023, qua đây rà soát tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân kế hoạch vốn được phân bổ.

Qua rà soát của Tổ công tác số 10 đến ngày 15-3, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công là trên 2.560 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các chủ đầu tư đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Trong đó, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là hơn 18 tỉ đồng thuộc 1 dự án do Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hậu Giang quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương. Hiện nay, tỉnh đã tổng hợp danh mục dự án kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân năm 2022 sang năm 2023 trình Trung ương cho phép nên chưa có giá trị giải ngân. Đối với kế hoạch vốn năm 2023 được phân bổ hơn 2.540 tỉ đồng, giải ngân đạt 9,3%.

Theo các chủ đầu tư, công tác trình phê duyệt phương án bồi hoàn (hoặc bổ sung phương án bồi hoàn) của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và cấp huyện còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ thi công và nguồn vốn đã bố trí của các dự án trong năm 2023, đặc biệt là các dự án: Đường ô tô về Trung tâm xã Vĩnh Viễn A, Đường tỉnh 931 (đoạn từ thị trấn Vĩnh Viễn đến cầu Xẻo Vẹt), Cải tạo, mở rộng Đường tỉnh 925B (đoạn từ xã Vị Thủy đến Vĩnh Thuận Tây); Đường tỉnh 929 (đoạn từ Đường tỉnh 931B đến Quốc lộ 61); Đường tỉnh 926B, tỉnh Hậu Giang kết nối với tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, tỉnh Sóc Trăng. Đối với các dự án khởi công mới, việc triển khai các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt dự án mất nhiều thời gian.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng tổng kế hoạch vốn đầu tư công hơn 2.560 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng gần 50% trong kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh. Tuy nhiên, giải ngân vốn còn rất chậm so với số vốn và các mốc thời gian quy định; gần 3 tháng mới giải ngân 9,6%. Trong đó, khâu lập thủ tục đầu tư, thu hồi đất, thực hiện giải quyết tồn đọng đối với các công trình chuyển tiếp còn chậm; công tác phối hợp chưa chặt chẽ… Do vậy, thời gian tới đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, tập trung chỉ đạo trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án; trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo ngay về UBND tỉnh tổng hợp giải quyết.

Các chủ đầu tư phải làm tốt công tác chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án được giao kế hoạch năm 2023. Tăng cường đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến hành nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Đối với các dự án chuyển tiếp, chủ đầu tư phối hợp từng địa phương rà soát, giải quyết ngay vướng mắc theo thẩm quyền. Có kế hoạch quản lý chặt chẽ tiến độ hợp đồng với nhà thầu và tiến độ giải ngân vốn trên từng công trình, dự án. UBND cấp huyện rà soát đảm bảo nguồn nhân lực của Trung tâm Phát triển quỹ đất để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án đang triển khai trên địa bàn. 

NGỌC ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>