Làm cốc trà bằng đất nung ở Kolkata

17/03/2020 | 08:26 GMT+7

Dù cốc bằng nhựa hay bằng giấy xuất hiện khắp nơi nhưng ở thành phố Kolkata, Ấn Độ, người dân vẫn thích uống trà bằng loại cốc dùng một lần được làm bằng đất nung.

Người dân ở thành phố Kolkata vẫn thích uống trà trong cốc làm bằng đất nung. Nguồn: THE HINDU

Loại cốc nhỏ nằm gọn trong bàn tay này gọi là bhar. Bhar làm bằng thủ công và được người dân dùng để uống trà hoặc sữa ở các quán nước khắp Ấn Độ. Từng có lúc bhar xuất hiện mọi hàng quán ven đường và nhà ga. Hiện nay, chỉ ở thành phố Kolkata người ta mới bắt gặp nhiều quán còn sử dụng những chiếc cốc nhỏ làm bằng đất này.

Nghề làm cốc cũng có từ cách đây vài trăm năm. Người thợ lấy đất đào bên bờ sông Hằng khi thủy triều xuống và chở về bằng thuyền. Sau nhiều công đoạn nhào nặn, tạo hình trên bàn xoay, những chiếc cốc nhỏ hoàn thành được mang đi phơi nắng sau đó nung trong lò cho đến khi đất chuyển sang màu đỏ. Trong khu vực chuyên làm cốc trà ở Kolkata, có khoảng 400-500 người thợ mỗi ngày làm ra hàng ngàn cái cốc để cung cấp cho nhiều quán nước vỉa hè khắp thành phố. Shibcharan Pandit, một người thợ làm gốm cho biết ông phải làm cật lực 14 tiếng 1 ngày để cung cấp đủ số lượng các quán nước yêu cầu. Không chỉ vậy, các công đoạn khác còn do vài người đàn ông trong gia đình ông thực hiện. 

Uống trà trong cốc bằng đất nung là một truyền thống lâu đời ở miền Bắc Ấn Độ. Hiện nay, dù nhiều vật liệu khác làm cốc ra đời nhưng vẫn có người trung thành với cốc bằng đất. Lý do là vì họ tin rằng trà đựng bằng cốc này có hương vị ngon hơn là cốc bằng nhựa. Tuy sau khi dùng người ta cũng vứt đi nhưng cốc bằng đất nung vẫn thân thiện mới môi trường hơn so với các vật liệu khác. Vì thế nhiều người dùng cốc bhar vẫn hài lòng dù phải trả nhiều tiền hơn so với cốc bằng giấy hay bằng nhựa khoảng 3-4 rupees (trên dưới 1.000 đồng). 

THIÊN NGỌC (tổng hợp từ The Hindu, Great big story)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>