Lối sống thích ứng với thiên tai ở Bangladesh

23/02/2021 | 04:58 GMT+7

Ở Bangladesh, người dân có lối sống lâu đời được “thiết kế” nhằm thích ứng và tồn tại hài hòa với tự nhiên, luôn trong chế độ sẵn sàng khôi phục cuộc sống sau những đợt thiên tai khó lường.

Có 230 con sông chảy qua Bangladesh và cuộc sống người dân phải thích nghi với lũ lụt. Nguồn: GETTY IMAGES

Vùng cao nguyên Sylhet, phía Đông Bắc Bangladesh nổi tiếng với những vườn chè xanh tốt. Tuy nhiên, để đến trường với lũ trẻ ở nơi đây không đơn giản chỉ cần dậy sớm là xong. Bởi địa mạo thay đổi thường xuyên, sự dịch chuyển mảng kiến tạo liên tục làm địa hình tiếp tục được nâng lên, hạ xuống. Cây cầu quen thuộc trên đường đến trường cũng có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Mạng lưới sông ngòi rộng lớn và dày đặc bậc nhất trên thế giới, cuộc sống của quốc gia nhỏ bé, đông dân cư không thể tách rời những con sông. Năm 2020, gần 40% đất nước bị ngập lụt làm 1,5 triệu người Bangladesh phải di dời khỏi nơi ở. Siêu bão Amphan hồi tháng 5-2020 gây thiệt hại khoảng 13,2 tỉ USD. Tuy nhiên, qua thời gian, người dân rất kiên cường thích ứng và ổn định cuộc sống. Khi lũ lụt họ làm cầu tạm để kết nối với đất liền, dùng những bó rơm, rạ để làm bệ đỡ lót đường đi và tự làm sàn bằng tre ngay trong nhà.

Những ngôi nhà nằm rải rác khắp Bangladesh được xây dựng từ vật liệu là gỗ và tre để có tính cơ động cao. Mỗi nhà hầu như đều đào ao ngay bên cạnh lấy đất để nâng cao nền nhà và ao dùng chứa nước cho mùa hạn hán. Trang trại nổi là hình thức được áp dụng từ lâu. Người dân sử dụng lục bình kết lại thành bè rồi thêm chất chồng lên bề mặt để canh tác nông nghiệp. Vừa tăng diện tích đất trồng vừa giúp người dân duy trì việc trồng trọt trong mùa mưa, lũ, bởi những “mảnh đất” này có thể dâng lên hạ xuống theo dòng nước.

Trong nhà lúc nào cũng chuẩn bị sẵn gạch ống, có thể nhanh chóng nâng cao sàn nhà khi lụt đến bất chợt. Bếp di động rất phổ biến vì các gia đình cần dùng khi tránh trú ở vùng cao. Các phương pháp chế biến các món từ gạo đơn giản của người dân địa phương và làm cá khô để cất trữ thực phẩm lâu dài vẫn còn duy trì. Ở vùng lũ lụt, người dân đã quen với các trường học nổi trên sông, khi cả ngôi trường được mang lên thuyền và đến đón học sinh tận cửa. Chính vì lối sống thích ứng với tự nhiên mà theo đánh giá từ Trung tâm Nghiên cứu môi trường ở Đức, dù là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhưng Bangladesh cũng là quốc có khả năng khôi phục tốt nhất sau thiên tai.

T.NGỌC (theo BBC Travel)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>