Người làm xe kéo gỗ ở Myanmar

21/10/2020 | 17:40 GMT+7

Ông U Than Win, 63 tuổi, là thợ làm xe kéo gỗ, loại xe thô sơ đã gắn liền với nền nông nghiệp ở Myanmar. Ông cũng là một trong những người hiếm hoi vẫn còn giữ bánh xe gỗ lăn trong thế giới của những chiếc xe động cơ dần chiếm lĩnh thị trường.

Bánh xe kéo gồm 12 nan gỗ được ghép thủ công. Nguồn: NATIONAL GEOGRAPHIC

Tại xưởng nhà ông U Than Win, mỗi chiếc xe kéo bằng gỗ mất 1 tháng hoàn thành. bao gồm 140 bộ phận ghép lại. Đa số đều làm bằng gỗ, rất ít chi tiết bằng kim loại, nhưng các bộ phận đều ghép rất khít nhau. Ông cũng tự làm bánh xe bằng gỗ, loại bánh xe người ta chỉ thấy ở những chiếc xe ngựa, xe bò kéo kiểu truyền thống và thô sơ trước đây. Những bánh xe có 12 nan bằng gỗ tếch bóng loáng và vành được lồng sắt rèn thủ công. Ngoài ra còn nhiều bộ phận khác được lựa chọn và đục đẽo cẩn thận. Ông là một trong những người cuối cùng ở ngôi làng Shwe Pan Kone còn làm loại bánh xe này. Vùng đất Shwe Pan Kone vốn là nơi nổi tiếng với nghề trồng lúa nằm cạnh bờ sông Irrawaddy, miền Bắc Myanmar.

Nói về nguồn gốc của những chiếc xe kéo thô sơ, ông Win cho biết: “Xe kéo xuất hiện từ khi người dân biết làm nông và kéo dài cho đến hôm nay. Không có chiếc xe nào có bản vẽ thiết kế, hay bản tài liệu ghi chép, chúng tôi chỉ lắp ráp xe hoàn toàn bằng trí nhớ”. Xưởng nhà ông Win lúc nào cũng vang tiếng búa rèn nhịp nhàng, tiếng cưa gỗ và âm thanh đục đẽo. Gia đình và vài người nhân công ở lại làm tại xưởng thường cùng ăn uống và cầu nguyện trước khi làm việc. Mỗi chiếc xe kéo mất cả tháng mới hoàn thành. Tùy theo công dụng và kích cỡ, có loại xe kéo chở hàng cỡ lớn, xe chuyên dùng cho nông trại cỡ trung, giá mỗi chiếc có thể vào khoảng 690 USD (hơn 16 triệu đồng)

Những chiếc xe kéo giá rẻ, có động cơ đang thay thế dần các loại xe gỗ thủ công sử dụng sức kéo động vật không chỉ ở Myanmar mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Con trai của ông Win, Kyaw Myo Hlaing đang học nghề để kế thừa việc kinh doanh của cha cũng sẽ tiếp nối công việc làm xe kéo gỗ trong tương lai. Nhưng rất có thể nhiều sản phẩm sau này do Hlaing làm ra sẽ không còn sử dụng rộng rãi theo đúng chức năng của nó mà chỉ còn là hiện thân của một phần lịch sử, sử dụng trong các buổi biểu diễn hay trong bảo tàng để người ta còn biết đến những vật dụng truyền thống mà ông cha đã từng sử dụng.

THIÊN NGỌC (theo National Geographic)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>