Anh Thạch Thành vượt nghèo, xây mái ấm hạnh phúc

13/07/2020 | 08:45 GMT+7

Là gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương nhiều năm nay, với anh Thạch Thành, ở ấp 6, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, đó là thành quả của sự cố gắng không mệt mỏi từ những thành viên trong gia đình, để giữ gìn mái ấm, xây dựng cuộc sống hạnh phúc.

Anh Thạch Thành là một trong 8 cá nhân nhận Bằng khen của UBND tỉnh Hậu Giang với thành tích xây dựng và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, gương người tốt - việc tốt tiêu biểu.

Giữ nếp nhà

Hẹn gặp anh vào buổi chiều, hôm nay anh không đi làm thuê, mà ở nhà dọn dẹp, để vợ về bên nhà ngoại chơi. Anh bộc bạch: “Làm lụng quen rồi, ở không chịu hổng nổi, nên dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Mới cất xong căn nhà bằng công sức làm thuê, làm mướn của cả gia đình. Nhiều khi nghĩ không biết làm sao mà mình để dành được nhiêu đó tiền nữa, chắc do vợ quản lý giỏi”.

Trước đây, gia đình anh thuộc hộ nghèo, làm thuê, làm mướn quanh năm cũng chỉ đủ tiền xoay xở trong gia đình… Bàn tay chai sần của anh đã minh chứng cho quá trình mấy chục năm lao động cật lực. Sinh ra trong một gia đình người Khmer nghèo ở huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng), nhà đông anh em, lại mồ côi mẹ từ nhỏ, nên cuộc sống đã khổ lại càng cơ cực hơn. Lớn lên chút là anh đi làm mướn phụ giúp gia đình. Anh đi đến tận huyện Vị Thủy để làm thuê và ở nhờ nhà chị Lý Thị Chẹo - vợ anh bây giờ. Cha mẹ chị Chẹo thấy anh hiền lành, chăm chỉ làm ăn, nên gả luôn con gái, cho ra riêng với 1 công ruộng vào năm 1992. Vậy là từ đó anh gắn bó nơi này, gầy dựng gia đình nhỏ.

Các con lần lượt ra đời, cũng là lúc cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ thêm khó, tốn kém nhiều. Sinh hoạt hàng ngày chỉ dựa vào tiền làm thuê, làm mướn của hai vợ chồng. Vậy mà trong ngôi nhà ấy luôn đầy ắp tiếng cười. Anh nói, cuộc đời anh đã khổ rồi, khi lập gia đình, anh muốn xây dựng mái ấm thật hạnh phúc, vì đó chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn của những đứa con mình, tiếp thêm sức mạnh để anh bước tiếp.

Khi được hỏi: “Anh chị có bao giờ cãi lộn hay giận hờn nhau?”, anh cười: “Cũng có những lúc nói không vừa ý, nhưng tôi nhịn hết. Lúc bình tĩnh, ngồi lại với nhau nói cho nhau nghe. Ai sai thì sửa”.

Câu chuyện anh chắp nhặt niềm vui trong quá trình gầy dựng cuộc sống, xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc làm nhiều người nể phục. Ba người con của anh từ nhỏ đến trưởng thành luôn ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, làm lụng tiếp cha mẹ. Anh bày tỏ: “Tôi cũng chỉ dạy con sống sao cho bà con ở đây thương. Mình nghèo rồi, còn quậy phá cho người ta ghét thì sống sao được. Căn nhà này cất được là do tụi nó đi làm công nhân, dành dụm rồi gởi về giúp cha mẹ, chứ hai vợ chồng tôi làm mướn, muốn cất nhà vài trăm triệu đồng khó lắm”…

Nhiệt tình với phong trào địa phương

Không chỉ chăm chút cho mái ấm của mình, anh còn làm nhiều việc tốt, giúp bà con dân tộc tại địa phương cùng nhau xây dựng và chăm chút cuộc sống. Khi xã vận động xây dựng gia đình văn hóa, trồng cây, hoa kiểng làm cảnh quan môi trường, anh luôn tiên phong. Anh chia sẻ: “Bà con dân tộc mình có thói quen sinh hoạt ở chùa, nên tranh thủ những dịp này, tôi hay rủ rê mọi người cùng thực hiện với mình, như khi con lộ hư, tôi cùng mọi người góp công, góp sức để sửa”. Làm được việc có ích, anh lại mong muốn tiếp tục góp công, góp sức để cùng xây dựng quê hương ngày một tươi sáng hơn.

Những việc làm của anh kể rất nhẹ nhàng, nhưng ẩn sâu là tấm lòng của một người luôn hết lòng vì mọi người. Trải qua đủ gian khổ nên anh không ngại khó, luôn muốn cống hiến, để xây dựng và giữ gìn gia đình văn hóa, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, vận động giúp đỡ những gia đình còn nghèo khó để cùng vươn lên…

Anh còn là người tham gia nhiệt tình phong trào văn nghệ ở địa phương. Hỏi về chuyện đi hát phong trào, anh sôi nổi hẳn lên, kể những lần tham gia lên sân khấu hát nhạc của dân tộc mình, được gặp gỡ, giao lưu với các nơi khác.

Anh biết nhiều bài hát Khmer, nên muốn qua tiếng hát, sẽ gởi đến những tâm tư, tình cảm, nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình cho mọi người. Anh còn muốn tìm hiểu để có thể hát được nhiều loại hình nhạc dân tộc mình như aday, dù kê… Anh hồ hởi: “Tham gia phong trào, tôi thấy mình trẻ ra, quên hết mệt nhọc sau một ngày lao động. Niềm đam mê này được gia đình ủng hộ, nên tôi thỏa sức tham gia, vừa giải trí, vừa mang nét đẹp của âm nhạc dân tộc mình giới thiệu với mọi người”…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>