Cách hay trong tuyên truyền an toàn giao thông

13/09/2024 | 05:17 GMT+7

Với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, Cuộc thi Tuyên truyền lưu động về An toàn giao thông tỉnh Hậu Giang năm 2024 để lại nhiều dấu ấn đẹp thông qua các phần thi, đặc biệt là với hình thức sân khấu hóa đầy sáng tạo.

Các chương trình được đầu tư, với thông điệp rõ ràng, dễ hiểu thông qua hình thức sân khấu hóa.

Chất lượng các loại hình dự thi được nâng lên rõ nét

Bà Trần Thị Xuân Trang, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, cho biết, rút kinh nghiệm từ cuộc thi năm trước, năm nay chúng tôi thống nhất các loại hình dự thi và ban hành, quy chế, kế hoạch từ quý I, để các đơn vị chủ động thời gian, lên kế hoạch chuẩn bị chỉn chu. Các đơn vị tham gia được sự quan tâm của địa phương, nên hình thức, chất lượng các loại hình dự thi được nâng lên rõ nét, mang tính cạnh tranh cao. 100% huyện, thị, thành phố dự thi đầy đủ”.

Có nhiều thời gian nên các đơn vị nghiên cứu kỹ, lựa chọn những thông tin để tuyên truyền, chọn chủ đề tổng thể và chủ đề từng nội dung rõ ràng, chính xác, có sức thuyết phục và chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa.

 Các xe thông tin được tập kết nơi rộng rãi, thoáng đãng, không gian đẹp và diễu hành qua các tuyến đường chính trong nội ô thành phố Vị Thanh theo yêu cầu, âm lượng các bài phóng thanh cũng quy định phù hợp, đảm bảo những thông tin truyền tải đến người nghe đầy đủ, tạo nên hiệu quả tuyên truyền.

Sân khấu cho các đội thể hiện được trang bị tốt, chất lượng âm thanh, ánh sáng đảm bảo, đáp ứng yêu cầu cần thiết, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, màn hình led để hỗ trợ cho các phần thi sinh động, hiệu quả hơn, đạt chất lượng nghệ thuật cao nhất có thể. 

Kịch bản tuyên truyền lưu động có chiều sâu, nâng tầm nghệ thuật

Các đơn vị đã bám sát chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” để xây dựng nội dung 3 phần thi một cách hợp lý, đảm bảo đủ thông tin về tình hình giao thông ở địa phương, tỉnh và cả nước, về các giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao ý thức của người dân.

Theo đánh giá của Ban Giám khảo, vì có sự chuẩn bị chu đáo, nên các phần dự thi của các đơn vị gọn gàng, cô đọng và ấn tượng với những khẩu hiệu rõ ràng, súc tích; bám sát và khai thác chủ đề Ban Tổ chức đưa ra một cách triệt để, với nhiều hình thức đa dạng, từ việc thể hiện qua bài ca, múa, minh họa, kịch bản tuyên truyền, trang trí xe với những khẩu hiệu gần gũi, quen thuộc, phóng thanh cổ động ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Những khẩu hiệu “Một ý thức giao thông, triệu nụ cười hạnh phúc”, “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, “Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc”... đã lồng ghép vào trong các kịch bản tuyên truyền, bài phóng thanh và trong các bài tuyên truyền một cách nhẹ nhàng, phù hợp.

Trong các phần thi, phần được chú ý, đầu tư dài hơi là thi các đội tuyên truyền lưu động. Phần này với hai nội dung, tự giới thiệu và kịch bản tuyên truyền lưu động. Các đơn vị đã thể hiện sự đổi mới, sáng tạo trong dàn dựng tổng thể một chương trình nghệ thuật tuyên truyền, sự phối hợp nhuần nhuyễn, tương tác tốt giữa diễn viên, tuyến kịch và kỹ thuật tuyên truyền trực quan đã nâng cao chất lượng, thu hút người xem, nổi bật là chất lượng các tác phẩm sân khấu hóa.

Các đơn vị đã khai thác thế mạnh của các tuyên truyền viên, diễn viên để sáng tác kịch bản mang lại hiệu quả tuyên truyền cao nhất. Điển hình, như chặp cải lương “Chuyện quê tôi” của đơn vị huyện Vị Thủy và “Gia đình văn hóa giao thông” của Châu Thành A, hay kịch bản “Điệp khúc vỉa hè” của thành phố Vị Thanh, “Dọn liền” của huyện Long Mỹ... Các diễn viên, tuyên truyền viên đều có chất giọng hay, diễn xuất tốt. Câu chuyện có cao trào và được xử lý phù hợp, có những điểm thắt và gỡ nút đầy bất ngờ. Từ đó các chương trình dự thi, thông điệp về xây dựng ý thức chấp hành đúng quy định, khi tham gia giao thông, để an toàn, bình yên, hạnh phúc.

Từng kịch bản đều nêu lên được những thực trạng nhức nhối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi người dân chưa ý thức đầy đủ, các cấp ngành chưa vào cuộc quyết liệt. Những hệ lụy để lại là các vụ tai nạn thương tâm, làm cho gia đình tan nát, ly tán... Lồng ghép trong các câu chuyện là cung cấp những thông tin cần thiết về hành vi vi phạm, mức xử phạt một cách rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ.

Những câu chuyện này sẽ tiếp tục được tuyên truyền ở các địa phương sau khi cuộc thi kết thúc, để cùng lan tỏa những thông điệp ý nghĩa “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc, hạn chế thấp nhất những cảnh chia ly đau lòng vì tai nạn giao thông!

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>