Đạt và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa - Không dễ !

15/11/2019 | 07:54 GMT+7

Danh hiệu gia đình văn hóa đã quá quen thuộc với người dân. Từ hơn 20 năm nay, khi phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (ĐKXDĐSVH) được phát động. Nhưng, để duy trì và giữ vững, nâng chất danh hiệu tưởng rất dễ, nhưng không phải vậy!

Gia đình văn hóa tiêu biểu được khen trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư.

Nhà nhà, người người xây dựng gia đình văn hóa

Toàn tỉnh có khoảng 90% gia đình văn hóa. Con số này có thay đổi hàng năm, tuy nhiên không nhiều. Đó là kết quả của quá trình nỗ lực từ các ngành, các cấp, đặc biệt là Ban chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa các cấp và nhất là Nhân dân. Sự chung tay xây dựng, đồng thuận, đồng lòng góp sức đã làm cho chất lượng gia đình văn hóa ngày càng nâng chất. Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Bí thư Chi bộ ấp Đông Bình, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Việc bình xét danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm trong ấp được triển khai cho người dân và chúng tôi làm rất kỹ. Những trường hợp vi phạm là bị trừ điểm, được bà con đồng tình, thống nhất cao”.

Không chỉ chăm chút các tiêu chí để xây dựng, giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, người dân còn tích cực tham gia các phong trào do Ban chỉ đạo Phong trào Toàn dân ĐKXDĐSVH các cấp phát động; tham gia đóng góp công sức cho các công trình dân sinh ở địa phương. Ông Lê Văn Khởi, ở ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, hồ hởi: “Từng sống những năm tháng chiến tranh, giờ thấy quê mình đổi mới, dân mình ngày một giàu lên thì rất vui. Tôi luôn tâm nguyện không chỉ giữ gìn nếp nhà, mà còn quan tâm, chia sẻ với cộng đồng, góp chút sức để càng làm cho quê hương, xứ sở mình thêm giàu, thêm đẹp, văn minh”.

Mỗi người có một cách xây dựng và giữ gìn gia đình văn hóa, hình thành nên nếp văn hóa rất riêng, để chung tay xây dựng quê hương. Từ đó, các mô hình được địa phương xây dựng như: Mô hình có cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc… đã được phát động và người dân tham gia rất đông, tạo nên sự thay đổi diện mạo của địa phương rõ nét, góp phần nâng chất phong trào một cách thiết thực, hiệu quả, được sự đồng thuận của người dân rất cao. Cùng với đó, ngành văn hóa còn tổ chức nhiều sân chơi ý nghĩa cho các gia đình tham gia nhân kỷ niệm các Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế Hạnh phúc…; xây dựng và nâng chất các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng và nhân rộng câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…, tạo thêm nhiều sân chơi, nơi để người dân giải trí, chia sẻ và học tập kinh nghiệm trong việc xây dựng, giữ gìn mái ấm hạnh phúc.

Nhưng không phải ai cũng đạt

Nhiều người dân khi được hỏi xây dựng, giữ gìn danh hiệu gia đình văn hóa có dễ không, những người đã đạt và giữ vững danh hiệu này nhiều năm đều nói rằng dễ, nhưng mỗi thành viên trong gia đình phải quyết tâm, chung tay xây dựng. Mỗi người tự sửa những khuyết điểm, dẹp bớt cái tôi cá nhân, để hòa khí trong gia đình luôn được vững bền. Thế nhưng, toàn tỉnh vẫn còn hơn 10% gia đình chưa đạt danh hiệu này.

Ban chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh đặt ra chỉ tiêu hàng năm từ 80-85% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, mục đích không nâng lên đến 100% là để giữ vững và nâng chất. Từ đó, mỗi địa phương tự xây dựng cho mình một chỉ tiêu cụ thể, gắn với điều kiện thực tế của địa phương mình.

Nhưng có nơi, tỷ lệ gia đình đạt văn hóa khá cao, có nơi chỉ khoảng 85%, như thành phố Vị Thanh và huyện Phụng Hiệp, vì sao vậy? Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Chúng tôi chú trọng chất lượng và những hộ đạt chuẩn phải thật sự xứng đáng. Việc rà soát, đánh giá, tổ chức bình xét, lấy ý kiến người dân được thực hiện rất sát và tạo được sự đồng thuận, đồng lòng của người dân. Người dân chưa đạt danh hiệu này được cho biết nguyên nhân cụ thể vì sao không đạt để họ phấn đấu. Địa phương đặc biệt quan tâm đến những hộ này để chia sẻ, động viên họ tiếp tục xây dựng để đạt danh hiệu”.

Việc bình xét gia đình văn hóa có khung điểm cho từng tiêu chí. Tuy nhiên, vẫn có những vi phạm của những gia đình được xem là bị điểm “liệt”, như: vi phạm pháp luật, không chấp hành luật nghĩa vụ quân sự, tệ nạn xã hội… Ông Trần Thanh Phong, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực 5, phường IV, thành phố Vị Thanh, thẳng thắn bày tỏ: “Chúng tôi nghiêm khắc với những trường hợp này, như trường hợp của N.T.Q.H. phạm tội trộm cắp, L.V.T. mua bán hàng gian… Những trường hợp này đưa ra họp dân bình xét, được người dân thống nhất không xét đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Cũng giống vậy, ở khu vực 7, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, người dân đều thống nhất cao với việc không công nhận danh hiệu với những trường hợp không đạt và cùng nhau giúp đỡ để những trường hợp này tiếp tục phấn đấu. Ông Lâm Văn Dũng, Bí thư Chi bộ, Trưởng Khu vực 7, chia sẻ: “Mỗi một gia đình không được công nhận là chúng tôi suy nghĩ, bàn bạc rất kỹ và thấu đáo, trước khi đưa ra dân bình xét. Chúng tôi xác định phải giữ vững chất lượng, minh bạch, khách quan, người dân có vậy mới đồng thuận, đồng lòng và cùng mình giữ gìn, nâng chất”.

Từ những điều nói ở trên mới thấy, danh hiệu gia đình văn hóa nghe thì quen, nhưng xem chừng không phải dễ đạt tỷ lệ cao, nếu các địa phương chú trọng chất lượng khi bình xét. Cái chính là tự thân mỗi gia đình phải quyết tâm, không chỉ bản thân sống tốt, mà phải giáo dục, chăm lo cho con cái ngoan ngoãn, lễ phép, học giỏi. Đây chính là điều mà mỗi người luôn cố gắng, hoàn thiện bản thân để danh hiệu luôn là đích đến của chất lượng. Những người đạt thì quyết tâm giữ vững và nâng chất, còn những người chưa đạt phải tiếp tục phấn đấu…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>