Điểm tin sáng 02 – 3: Lần đầu tiên Yên Bái phát hiện đồ trang sức người cổ

02/03/2024 | 05:39 GMT+7

Cùng các tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: Phu nhân các Ngài Đại sứ 5 nước duyên dáng trong tà áo dài Việt Nam; Đề xuất nâng mức doanh thu chịu thuế lên 180-200 triệu đồng/năm; Hơn một nửa người dân châu Phi không có mạng Internet; EU yêu cầu người dân giảm mức tiêu thụ khí đốt.     

Lần đầu tiên Yên Bái phát hiện đồ trang sức người cổ

Bảo tàng tỉnh Yên Bái vừa tổ chức chuyến điều tra khảo cổ học tại xã Tân Hợp (huyện Văn Yên), và tình cờ tại nhà ông bà Đặng Thị Yến, người xã Đông Cuông, đoàn khảo cổ được đưa cho xem một lọ trong đó chứa những hạt dẹt mầu trắng ngà, tròn, nhỏ giống như cúc áo.

Theo lời kể của ông bà Yến, trung tuần tháng 11.2023, hai vợ chồng bà Yến đi thả lưới đánh bắt cá sông tại đoạn bờ lở hữu ngạn xã Mậu Đông đã thu được những hiện vật trên.

Qua xem xét, cán bộ Bảo tàng tỉnh Yên Bái nhận thấy các hạt dẹt có nhiều kích cỡ to nhỏ, hình tròn và bước đầu xác định đây là đồ trang sức làm từ chất liệu vỏ ốc và xương sống con cá khá đặc biệt. Gọi theo từ chuyên môn, đây là hạt chuỗi vỏ nhuyễn thể, và là loại đồ trang sức lần đầu tiên phát hiện tại Yên Bái. Các hạt chuỗi vỏ nhuyễn thể được mài tỉ mỉ hình tròn giống như chiếc cúc áo, đường kính từ 3-13 mm, ở giữa có khoan lỗ để xỏ dây đeo.

Sơ bộ cho thấy những hạt nhuyễn thể này có từ thời đại Đá, niên đại vào khoảng 3500 đến 5000 năm cách ngày nay. Việc phát hiện đồ trang sức người cổ tại Yên Bái là thông tin rất quan trọng, mở ra hướng nghiên cứu mới cho, cung cấp tư liệu về một góc nhìn rõ hơn cuộc sống của người cổ ở Yên Bái. Người cổ Yên Bái lấy săn bắt cá ở sông suối làm nguồn sống, và người cổ cũng lấy nguyên liệu từ sông suối là vỏ nhuyễn thể để làm đồ trang sức, làm đẹp cho mình.

Phu nhân các Ngài Đại sứ 5 nước duyên dáng trong tà áo dài Việt Nam

Chương trình nghệ thuật "Hương sắc áo dài Việt" đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại nhà hát Hồ Gươm, trong khuôn khổ lễ phát động Tuần lễ áo dài năm 2024.

Tuần lễ áo dài tổ chức hằng năm với nhiều hoạt động tôn vinh áo dài Việt Nam được triển khai sôi nổi, đa dạng, rộng khắp trên phạm vi cả nước như: các cuộc thi ảnh đẹp áo dài, thi tìm hiểu giá trị áo dài, các cuộc đồng diễn, diễu hành với quy mô lớn xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam...

Đặc biệt, màn trình diễn áo dài của năm phu nhân đại sứ các nước Mỹ, Armenia, Morocco, Cộng hòa Czech và Indonesia đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả. Tuy không phải là những người mẫu chuyên nghiệp, các phu nhân đã thể hiện hết thần thái của tà áo dài Việt Nam.

Đề xuất nâng mức doanh thu chịu thuế lên 180-200 triệu đồng/năm

Phản hồi đề nghị của Bộ Tài chính về góp ý xây dựng dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng; đồng thời, trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ doanh nghiệp và các chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo đã nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm.

Quy định này sẽ giúp nhiều cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ không phải thực hiện việc kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp.

So sánh giữa cá nhân kinh doanh và cá nhân làm công ăn lương sẽ thấy sự bất hợp lý. Hiện nay, cá nhân làm công ăn lương có mức giảm trừ gia cảnh đối với trường hợp không có người phụ thuộc là 132 triệu đồng/năm, nếu có một người phụ thuộc là 184,8 triệu đồng/năm. Nếu có hai người phụ thuộc là 237,6 triệu đồng/năm.

Giả định, trung bình mỗi người lao động có một người phụ thuộc thì ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với người làm công ăn lương hiện cao hơn ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh. Đó là chưa kể, để có thể có doanh thu, cá nhân kinh doanh sẽ phải mất các chi phí đầu vào trong khi thu nhập cá nhân thì không có các chi phí này.

Hơn một nửa người dân châu Phi không có mạng Internet

Một báo cáo của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) cho thấy chưa đến 40% người dân sống ở châu Phi có quyền truy cập mạng Internet.

Theo nghiên cứu mang tên Sự kiện và Số liệu năm 2023 của ITU, trong khi khả năng kết nối ngày càng tăng trên toàn cầu, với khoảng 5,4 tỷ người hay 67% dân số thế giới hiện đang trực tuyến, chỉ có 37% dân số ở châu Phi sử dụng Internet.

Điều này thể hiện sự sụt giảm số lượng người dùng Internet so với năm 2022, khi con số này là khoảng 40%. Châu lục này hiện có tỷ lệ sử dụng Internet thấp nhất trên thế giới.

Trong khi đó, khoảng 90% dân số ở châu Âu, Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, Bắc và Nam Mỹ sử dụng Internet, dữ liệu cho thấy.

Các tác giả của báo cáo lưu ý: "Tiến bộ ổn định nhưng không đồng đều trong kết nối Internet toàn cầu làm nổi bật sự chênh lệch về khoảng cách kỹ thuật số và thực trạng này đang khiến người dân ở các nước thu nhập thấp bị tụt lại phía sau".

Các nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng mất điện kéo dài và thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở châu Phi là những lý do chính dẫn đến kết nối Internet kém ở lục địa đen.

Nghiên cứu của ITU cũng tiết lộ rằng ở các nước thu nhập thấp, không chỉ có ít người truy cập Internet hơn mà những người được kết nối cũng sử dụng ít dữ liệu hơn.

EU yêu cầu người dân giảm mức tiêu thụ khí đốt

Yêu cầu trên được đưa ra theo một dự thảo đề xuất từ Hội đồng châu Âu được công bố hôm 27/2.

Đề xuất nêu rõ rằng mức sử dụng thấp hơn nhu cầu trung bình ít nhất 15% (được đo từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2022) nên được duy trì trên cơ sở tự nguyện thêm một năm nữa. Điều này bất chấp tuyên bố rằng mức cắt giảm được thực hiện cho đến nay - hoặc tỷ lệ giảm tiêu thụ khí đốt thậm chí còn ở mức cao hơn là 18% - đã thành công, hiệu quả với nhiều mục tiêu của đề xuất ban đầu.

Mặc dù nguồn cung khí đốt đa dạng, giá thấp hơn, ổn định hơn và dự trữ dự trữ cao hơn "có lợi cho khả năng cạnh tranh của nền kinh tế EU", Hội đồng châu Âu tuyên bố việc cắt giảm phải tiếp tục được thực hiện trong 1 năm nữa. Đề xuất này cũng lưu ý rằng việc hạn chế tiêu thụ khí đốt như vậy cũng sẽ thúc đẩy EU hướng tới mức phát thải carbon bằng 0.

Brussels gần đây đã xác nhận rằng thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua đường ống đi qua Ukraine kéo dài 5 năm qua với tập đoàn Gazprom của Nga sẽ không được gia hạn khi thỏa thuận này hết hạn vào cuối tháng 3 năm nay.

Mặc dù đã thông qua 13 gói trừng phạt Nga kể từ năm 2022 vì hoạt động chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine, EU vẫn mua gần 30 tỷ Euro dầu, sản phẩm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Moscow vào năm 2023.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>