Nghề một thời vàng son ai còn nhớ ?

25/01/2020 | 05:37 GMT+7

Có một thời, họ là những người đi đến đâu người dân, nhất là con nít theo rần rần. Cứ thấy sản phẩm họ treo lên, người dân từ trí thức đến nông dân đều thấy thích. Nghề gì mà có sức hút lớn đến vậy? Đầu xuân mới, hãy gặp lại nhân vật của những nghề một thời vang bóng...

Những bức tranh cổ động vẽ tường cách đây trên dưới 20 năm.

Vẽ tranh cổ động lắm niềm vui

Dù thời chiến hay thời bình, dưới hình thức nào, trong dòng chảy của nền nghệ thuật tạo hình, tranh cổ động có vai trò to lớn, ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc đến đời sống người dân, góp phần cổ vũ, động viên, tuyên truyền, giáo dục. Tôi tìm đến nhà những người từng làm công việc vẽ tranh tuyên truyền cổ động. Dù đã qua thời hoàng kim, nhưng trong ký ức của mỗi người vẫn còn nguyên vẹn niềm vui, dù nghề rất cực nhọc làm việc ngoài trời bất chấp nắng mưa…

Ông Nguyễn Đức Vận, Phân hội Trưởng Phân hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang, bồi hồi nhớ lại: “Lâu rồi, ít ai hỏi tới cái nghề mà tôi bắt đầu làm từ tuổi đôi mươi. Hồi đó, mỗi lần đến đợt tuyên truyền, là vác màu, cọ đi. Thang để trèo lên vẽ bằng tre, mượn ở nhà dân. Vẽ có khi cả tuần mới xong, ăn ở nhà dân. Rồi những lúc xong việc, trà dư, tửu hậu, ngẫu hứng vẽ chân dung tặng chủ nhà, vậy là tình cảm càng thêm gắn bó. Đi tới đâu có tri kỷ tới đó”. Tính ra, ông đến với nghề vẽ tranh tuyên truyền cổ động ngót nghét 40 năm. Những khi nhớ lại, ánh mắt ông vẫn ánh lên niềm hạnh phúc, bởi nó gắn bó máu thịt, ăn sâu vào tiềm thức.

Những bức tranh cổ động truyền thống hiếm hoi còn sót lại.

Đó là thời kỳ đất nước còn khó khăn, phương tiện tuyên truyền lạc hậu, nhưng hình ảnh chưa bao giờ thôi sinh động, làm gì có công nghệ hỗ trợ, chỉ có màu và cọ là có thể vẽ. Để vẽ, họ phải có mẫu phác thảo rồi từ đó mới vẽ lớn lên. Nghe đơn giản, nhưng phải đo thật cẩn thận để hình đẹp, giống thật. Chỉ cần mất cân đối một li thôi là khi vẽ lên tường sẽ có độ “chinh” rất lớn. Dù là vẽ theo mẫu phác thảo, nhưng họ phải thổi hồn, cảm xúc vào trong những nét cọ. Không đơn giản vẽ theo hình, từng chi tiết, từ con người, cảnh vật đều phải được nghiên cứu rất cẩn thận từ hình ảnh thật trong cuộc sống. Ví như, khi vẽ con tôm, con cá, trái khóm, con heo, lá dừa, lá chuối… phải nghiên cứu rất kỹ để tìm được nét đặc trưng. Các họa sĩ nói vui, vẽ con tôm càng xanh mà ra con tôm bạc, vẽ heo nhà mà ra heo rừng là hỏng việc. Lúc trèo lên vẽ, người dân xúm lại xem, trầm trồ giống quá, vậy là hưng phấn lắm rồi. Nói vậy chứ một bức pano lớn có khi vẽ cả tuần. Phải ngắm nghía, sửa sang nhiều lần mới ưng ý. 

Rộn ràng những buổi chiếu phim lưu động

Nói đi chiếu phim cho sang, chứ thật ra, chỗ chiếu rất đơn giản. Nơi chiếu là bãi đất trống, nhưng thời đó, làm gì có phương tiện giải trí khác nên người dân kéo đi xem rần rần. Có khi đang xem, bị pháo kích, lại ngưng, thấy êm lại mang ra chiếu tiếp. Đó là câu chuyện mà tôi được nghe từ ông Bào Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty Chiếu bóng Cần Thơ; ông Nguyễn Văn Thành, ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, người từng xông pha những năm tháng chiến tranh đến những năm sau hòa bình. Để đi đến điểm chiếu là cả quá trình gian nan. Chở toàn đồ nặng, trên chiếc tam bản, mà toàn đồ… kỵ nước. Cực khổ vậy, nhưng đến nơi chiếu, thấy bà con xếp hàng ngay ngắn ngồi chờ, mệt nhọc tan biến… Với họ, những năm tháng được làm nhiệm vụ này để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc, cả đời khó thể quên.

Họa sĩ Nguyễn Đức Vận phác họa một bức tranh thời điểm gần 30 năm trước.

Trong ký ức của ông Nguyễn Hồng Tươi, kiểm soát vé rạp Mỹ Thanh, Vị Thanh, những năm 1980, rạp chiếu đông nghẹt, bà con xếp hàng hơn chục mét, kín cả quãng sân rộng không thua gì đi phục vụ nông thôn. Phim lúc đó là dòng phim lịch sử, chiến tranh, những câu chuyện cảm động về tình yêu thời chiến… Đến khoảng năm 1996, khi băng video gia đình ra đời, thời hoàng kim của chiếu bóng dần lùi xa. Mỗi tỉnh vẫn tiếp tục duy trì đội chiếu phim lưu động, mỗi năm ra quân vài đợt chiếu phục vụ nhiệm vụ chính trị…

Với những người làm công tác chiếu bóng, dù cực khổ trong chiến tranh, phải đi bộ hàng trăm cây số để vận chuyển phim, máy móc thiết bị về chiếu phục vụ bộ đội, phục vụ người dân. Rồi đến thời bình, những năm đầu sau giải phóng, phương tiện là những chiếc ghe có mui, rồi đến thuyền văn hóa, mỗi chuyến đi trên dưới 10 ngày, dù huyện, thị nào cũng có một đội chiếu. Vậy đó, mà đi hoài không giáp. Về xong lại đi tiếp bởi người dân vẫn đang rất “khát” coi phim. Các buổi chiếu luôn đầy ắp, người dân muốn có một chỗ ngồi phải tranh thủ cơm nước sớm, đi đến bãi chiếu.

Tất cả những hình ảnh đó đã khắc sâu vào tâm trí của những người làm nghề chiếu bóng một thời và ký ức đó mãi sống trong lòng họ…

Họa sĩ Nguyễn Đức Vận lần giở những tác phẩm ông lưu lại.

Thích nghi để tồn tại…

Hơn 10 năm nay, sự phát triển của công nghệ, đã giúp cho những họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền cổ động có sự lựa chọn mới đỡ vất vả hơn. Họ có chương trình vẽ trên máy tính hỗ trợ, công nghệ in ấn phát triển rầm rộ, nên nghề vẽ trực tiếp dần lùi về phía sau. Mỗi họa sĩ phải tự học để tiếp thu cái mới, trang bị cho mình những kiến thức về công nghệ hiện đại để có thể vẽ trên máy, không còn cầm cọ trực tiếp như xưa, khỏi phải leo trèo để vẽ, mà chỉ cần in và dán vào các khung được hàn rất đẹp.

Đều là tranh tuyên truyền cổ động, nhưng cách xưa đã dần nhường chỗ cho những cách mới hay hơn. Lúc đầu, khó chuyển tải hết cảm xúc, nhưng dần, mỗi người muốn tồn tại phải tự thích nghi với các phương tiện mới. Dù vậy, để nuôi dưỡng cảm xúc, họ vẫn dùng cọ và giấy để phác thảo ý tưởng trước khi thể hiện những bước tiếp theo có sự can thiệp của công nghệ hiện đại. Họa sĩ Hàn Thanh Long, Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang, chân thành: “May mắn là tôi có thể tự chuyển được sang cách làm hiện đại, so với vẽ trực tiếp trước đây, nên vẫn giữ và theo đuổi đam mê với nghề vẽ tranh tuyên truyền cổ động này. Phương tiện càng hiện đại, cảm xúc có vẻ như mất đi, nên mình phải biết nuôi dưỡng, biết buông bỏ, để mỗi khi thể hiện sản phẩm mới vẫn còn đong đầy ý tưởng, cảm xúc”…

Ông Nguyễn Văn Thành xem lại hồi ký về thời hào hùng của điện ảnh…

Khi phương tiện giải trí ngày càng nhiều, người dân có thể tự ở nhà xem đủ thứ chương trình giải trí. Cần xem phim điện ảnh, đã có những rạp chiếu hiện đại, sang trọng, nên việc chiếu phim lưu động dần khép lại quá khứ vàng son của mình. Những người đi chiếu phim lưu động giờ ít có cơ hội để phát huy nghề như những họa sĩ. Dù vậy, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hậu Giang vẫn duy trì những buổi chiếu để phục vụ những sự kiện chính trị trong tỉnh. Với họ, được mang những thước phim đi phục vụ là niềm vui, là động lực và đó chính là cái nghề và cũng là nghiệp mà họ đã đeo mang.

***

Những chuyện tôi góp nhặt chỉ là lát cắt nhỏ về những người đã sống trọn vẹn, hạnh phúc vì niềm đam mê, cống hiến hết sức, hết lòng cho một cái nghề đã qua thời vang bóng. Xin chúc cho họ, những người đã có một hành trình bám nghề đầy những niềm vui, hạnh phúc và cả những trăn trở, có một mùa xuân an lành, hạnh phúc!

THU THỦY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>