“Ngôi đền huyền thoại”: Quyển sách nhiều tư liệu quý

28/08/2019 | 08:01 GMT+7

Để quyển sách kịp ra mắt vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Đền thờ Bác Hồ (xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ), là một cố gắng của những người thực hiện, thể hiện tâm huyết, sự trân trọng và truyền tải nhiều nội dung quý giá về ngôi đền đặc biệt của Hậu Giang cũng như đồng bằng sông Cửu Long...

Ngôi đền trong lòng dân

“Ngôi đền huyền thoại”, quyển sách do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang thực hiện, vừa ra mắt, có thể xem là sự nỗ lực của nhóm tác giả, những người con của miền đất Hậu Giang.

Từ khi thành lập tỉnh đến nay, Đền thờ Bác Hồ đã trở thành nơi sinh hoạt, học tập chính trị, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên. Nhiều sự kiện nổi bật của tỉnh được tổ chức tại đây. Từ đó, cùng với nếp sinh hoạt thường niên của người dân địa phương là thăm, viếng Bác, nơi đây càng trở nên nhộn nhịp hơn. Những dịp lễ, tết luôn gắn liền với hội, nhất là dịp 2-9, thu hút hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đến dâng hương viếng Bác và tham gia nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra tại đây.

Từ sự tôn nghiêm của một ngôi đền được làm nên vì tình yêu bao la với vị Cha già dân tộc. Khi hay tin Bác mất, Đảng ủy xã Lương Tâm đã quyết định thành lập Đền thờ Bác ngay tại văn phòng Đảng ủy xã, tổ chức lễ truy điệu Người. Sau một ngày đêm cật lực chuẩn bị, lễ truy điệu đã được tổ chức long trọng, có sự góp mặt của lãnh đạo xã, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cùng đông đảo Nhân dân. “Mọi người đều đeo băng tang, nước mắt ràn rụa tuôn chảy như mưa rơi. Trong giây phút thành kính trước anh linh của Bác, mọi người đều hứa tiếp tục “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” (trang 59).

Cũng từ đây, lãnh đạo xã và Nhân dân đã đi đến thống nhất kế hoạch xây dựng Đền thờ Bác ngay sau quốc tang. Ngôi đền được xây dựng tại ấp 3, ngã tư Lộ Xe, nơi hai con kênh Long Mỹ 2 và Năm Căn giao nhau. Đây được xem là vị trí thuận lợi để Nhân dân trong và ngoài xã đến viếng Bác bằng cả đường thủy lẫn bộ. Tuy nhiên, thời gian này chiến tranh ác liệt, nên chưa thể xây dựng đền thờ khang trang mà nơi thờ Bác vẫn đặt tại trụ sở. Rồi khi trụ sở bị tàn phá bởi chiến tranh, phải di dời, phải làm lại nơi thờ mới. Nhân dân nơi đây còn tự lập bàn thờ Bác tại nhà và dâng hương viếng Bác vào ngày sinh, ngày mất của Người và Tết Nguyên đán. Việc thờ phụng này vẫn giữ cho đến ngày đất nước thống nhất. Năm 1990, tỉnh Cần Thơ đã lên kế hoạch triển khai xây dựng Đền thờ Bác tại ngã ba Lộ Xe, địa chỉ ban đầu đã chọn và khánh thành dịp 19-5. Với quy mô nhỏ, nhưng sức hút của người dân từ các nơi về viếng Bác ngày càng lớn, nên những năm sau đó đến nay, đền thờ luôn được mở rộng, nâng cấp, sửa chữa để trở thành nơi sinh hoạt chính trị, là một địa chỉ đỏ để mọi người tìm về, tìm hiểu về Bác, về truyền thống lịch sử của địa phương, của Hậu Giang… Đền thờ cũng đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2000.

Tư liệu lịch sử quý

Quyển sách được chia thành 3 phần với các tên gọi: “Sáng mãi tên Người”, “Lòng dân Hậu Giang với Bác Hồ” và “Đền thờ Bác Hồ - Ý Đảng, lòng Dân”. Mỗi phần gồm rất nhiều tiểu mục. Không chỉ cung cấp về quá trình 50 năm hình thành một ngôi đền đã trở thành huyền thoại, quyển sách còn cung cấp nhiều tư liệu về Bác, về tình cảm của Bác với miền Nam máu thịt, về tấm lòng của người dân miền Nam nói chung, Hậu Giang nói riêng với Bác, giúp người đọc hiểu hơn về cuộc đời của Bác, về tấm lòng của người dân Hậu Giang luôn hướng về Người với tất cả lòng thành kính. Đặc biệt, phần cuối của quyển sách dành cho các tác phẩm thơ, nhạc viết về địa chỉ đỏ này.

Khi chia tách tỉnh đến nay, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến thực tế sáng tác tại đây, hình thành nên một loạt tác phẩm về Bác. Là tác giả có bài thơ được chọn trong quyển sách, nhà thơ Huỳnh Thị Nguyệt chia sẻ: “Hương tràm nhớ Bác” được tôi viết trong chuyến về thăm Đền thờ Bác cách nay cũng khá lâu, đây là bài thơ được tôi chắt chiu từng chữ. Viết về Người dù có nhiều cảm xúc, nhưng rất khó. Thành công của bài thơ là được một nhạc sĩ phổ nhạc làm cho tôi thấy vui, tự hào”.

Là người tham gia biên tập quyển sách, cũng là người phụ trách mảng nghệ thuật, ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Đây là một công trình văn hóa mang đậm tính lịch sử với nhiều tư liệu hay. Trước mắt, chúng tôi sẽ chỉ đạo hệ thống thư viện trong tỉnh giới thiệu quyển sách này tại Đền thờ Bác vào dịp lễ tới đây. Cùng với đó, sẽ giới thiệu trên website của Thư viện tỉnh và tiếp tục giới thiệu ở những đợt triển lãm, giới thiệu sách trong thời gian tới”. Đây được xem là cách tuyên truyền nhanh chóng, sâu rộng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp thêm nguồn tư liệu về Bác, về ngôi đền được xây dựng từ tấm lòng của người dân Hậu Giang nói chung, xã Lương Tâm nói riêng, với Bác.

Thời gian thực hiện quyển sách không nhiều, nhưng đủ để những người tâm huyết dồn sức thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, dân và quân Hậu Giang với Bác kính yêu. Ông Nguyễn Hữu Tình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nhấn mạnh: “Quyển sách mang nhiều tầng ý nghĩa. Đó là những điều đọng lại sau một khoảng thời gian đủ dài và trải nghiệm để có cách nhìn khách quan về sự tồn tại của một địa chỉ đỏ đã đi vào lòng người. Với những cứ liệu lịch sử được chắt lọc, quyển sách sẽ giúp độc giả hiểu về huyền thoại của một ngôi đền ẩn giấu ngay giữa lòng địch. Những người làm quyển sách này hy vọng sẽ góp thêm một tư liệu hay, tư liệu quý để những ai muốn tìm hiểu về Đền thờ Bác, ngôi đền đã có lịch sử 50 năm này. Đây còn là nguồn tư liệu quý để cung cấp thông tin, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên…”.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>