Nhạc sĩ “Về Hậu Giang nhé em” đã về với đất mẹ

19/05/2020 | 08:12 GMT+7

Mái chèo nghiêng nghiêng trên dòng Xà No đã xuôi lại và trái tim của người nhạc sĩ hiền lành, dung dị, người con của quê hương Phụng Hiệp - nhạc sĩ Phạm Sơn Hà, đã ngừng đập, nhưng những câu hát về Hậu Giang, về Xà No, Phụng Hiệp, chợ nổi... sẽ mãi vang vọng.

Dù ra đi, nhưng những sáng tác của nhạc sĩ sẽ sống với thời gian...

40 năm nhả tơ cho đời…

Tôi biết anh từ thời là cô nhóc 15 tuổi, được thầy giáo tập cho bài hát về tình yêu nhẹ nhàng, trong veo của tuổi học trò: “Ngẩn ngơ áo trắng”. Tôi ngưỡng mộ anh từ đó, dù chưa hề biết mặt hay gặp gỡ.

Sau này, khi đã có khoảng thời gian được làm việc cùng anh, hỏi anh về bài hát này, anh cũng ngạc nhiên và lục lọi trong ký ức để nhớ lại, bởi bài hát viết quá lâu rồi… Rồi khi nghe nhiều ca khúc của anh: “Nhớ Cần Thơ”, “Bảy dòng sông nhớ”, “Đêm trăng trên bến Ninh Kiều” đến “Về Hậu Giang nhé em”, “Ngẫu hứng đêm Xà No”, “Điệu huê tình trên sông nước”, “Khúc tự tình sông Hậu”… lại thấy xao xuyến lạ.

Trong tác phẩm của anh, dòng sông xuất hiện thật nhẹ nhàng, thơ mộng, đầy cảm xúc, bởi anh đã gửi gắm trọn vẹn tình yêu của mình vào đó. Dòng sông hiện lên như vòng tay mẹ chở che, tắm mát cho những tâm hồn người vẫn còn đó nhiều nỗi nhọc nhằn…

Trong cuộc đời sáng tác của mình, anh đã làm cho người nghe cảm nhận được tình yêu lớn của anh dành cho quê hương, xứ sở, dành cho con người hiền lành, mộc mạc, dành cho những mảnh đời lênh đênh trên sông nước. Anh từng chia sẻ, hình ảnh dòng sông lúc nào cũng gợi cho anh những cảm xúc khó tả và anh phải đi, phải tìm để khai thác hết nét đẹp của dòng sông quê hương. Để không giẫm đạp lên cảm xúc, anh phải cố mà đi, phải sống rất thật, để cảm nhận từ trong sâu thẳm tâm hồn mình những điều làm nên cảm xúc. Bởi vậy, mỗi bài hát là một cảm xúc hoàn toàn mới, gợi cho người nghe sự lắng lòng để cảm nhận…

Hơn 40 năm sáng tác, nhạc sĩ đã có hàng chục ca khúc đi vào lòng người. Đó là hạnh phúc lớn của người nhạc sĩ đi lên từ phong trào văn hóa cơ sở như anh. Dù có những lúc bộn bề với công việc, nhưng chưa bao giờ tình yêu anh dành cho âm nhạc vơi đi. Có những lúc, anh em văn nghệ sĩ ưa hỏi sao không thấy anh viết, nhưng đó chính là lúc anh chiêm nghiệm, nghiền ngẫm để tìm một thứ mới, khác với những bài hát trước đây.

Được tiếp xúc với anh qua công việc, qua những chuyến đi tìm cảm hứng sáng tác, tôi càng hiểu thêm vì sao anh được mọi người yêu quý. Quý về nhân cách, quý về tài năng, yêu vì tính tình hiền lành, sự chân thành, bao dung…

Đam mê nhạc, yêu vẽ, sống nhiệt thành, dung dị…

Anh luôn là đầu tàu, xây dựng mái nhà chung cho anh chị em văn - nghệ sĩ Hậu Giang từ những ngày đầu mới chia tách, đến hôm nay đã là một lực lượng khá đông, khẳng định, hòa vào dòng chảy của khu vực và cả nước bằng những tác phẩm chất lượng. Đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc, anh đã hỗ trợ, động viên các nhạc sĩ, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau tiến bộ; tạo nhiều sân chơi, nhiều chuyến đi để mỗi người tự nghiền ngẫm, rút kinh nghiệm, sáng tác ngày một hay hơn.

Nhiều người nói văn - nghệ sĩ thì cảm xúc tràn trề, tình cảm cũng khó kiểm soát. Thế nhưng, với nhạc sĩ Sơn Hà lại khác. Những cảm xúc cho âm nhạc được anh đặt để đúng nơi, đúng lúc. Vì thế, anh đã giữ lửa cho tổ ấm hạnh phúc của mình, với ba người con thành đạt. Anh nói, đời nghệ sĩ vất vả, lại nghèo, cái mình được chính là bạn bè và gia đình, nơi để mình tìm về sau những mệt nhoài ngoài cuộc sống. Vì thế, anh luôn tâm niệm phải xây dựng gia đình hạnh phúc và sống sao để làm tấm gương cho các con của mình noi theo. Với anh, gia đình tiếp cho anh sức mạnh, quê hương tiếp cho anh cảm xúc để nhả những sợi tơ lòng.

Nhạc sĩ Sơn Hà rất ít khi hát, nhưng khi gặp bạn tâm giao, anh thường ôm đàn hát những ca khúc của mình một cách say sưa, quên cả thời gian. Giọng hát sâu lắng, nồng nàn, đầy cảm xúc khiến cho người nghe càng thấy thấm thía hơn cái tình trong từng giai điệu. Tôi còn nhớ, khi sức khỏe của anh đã yếu, anh vẫn hết lòng với anh em văn - nghệ sĩ, vẫn tham gia những chuyến thực tế sáng tác. Anh còn hẹn với các họa sĩ là sẽ vẽ tác phẩm để tham gia triển lãm. Vẽ cũng là đam mê và từng là công việc khi anh vào làm ngành văn hóa từ mấy chục năm trước. Nhưng điều hẹn này đã mãi mãi không thực hiện được…

Còn nhớ, cách đây không lâu, dù bị những cơn đau giằng xé, anh vẫn gắng gượng tham dự Đại hội Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, rồi Phân hội Âm nhạc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Khác với những lần trước là sự tươi tắn, yêu đời, lần này là một nỗi buồn. Giọng anh trầm buồn nhưng đầy tự hào, bày tỏ hy vọng về một thế hệ nhạc sĩ Hậu Giang đang ngày một lớn mạnh và khẳng định bằng những sáng tác. Những lời anh gửi gắm lại cho nhạc sĩ, như ngầm báo một lời chia tay…

Ngày chia tay không ai mong muốn ấy đã đến. Xin vĩnh biệt anh, một người anh thân thương, một nhạc sĩ tài năng, hiền lành, dung dị… Mọi người vẫn sẽ mãi nhớ về anh, nhớ nhắc nhau: “Về Hậu Giang nhé em, về nơi chốn đưa nôi thuở nào…”.

Sơ lược thông tin về nhạc sĩ Sơn Hà

 

Nhạc sĩ Phạm Sơn Hà sinh năm 1955, tại xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ông hoạt động trong ngành văn hóa từ năm 1980, trải qua các chức vụ: cán bộ văn hóa xã Hiệp Hưng, cán bộ Nhà văn hóa huyện Phụng Hiệp, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Phụng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ông từng nhận Huân chương Lao động hạng 3, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa Thông tin, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật…

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>