Trần Thủ An: Truyền cảm hứng văn hóa miền sông nước qua từng khung ảnh

25/01/2020 | 05:15 GMT+7

Hẹn chàng nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thủ An vào một buổi sáng se lạnh. Đó là chuyến hiếm hoi Trần Thủ An về thăm quê ở Kiên Giang và dừng chân tại Hậu Giang để thăm bà con, gặp gỡ những người có cùng đam mê; thăm lại ngôi trường cũ (Trường THPT Chuyên Vị Thanh). Để rồi sau đó, anh trở về với con đường học tập mà anh đang vạch ra và dành toàn bộ sức lực để thực hiện...

Trần Thủ An bên tác phẩm đạt HCV “Mặt trời của mẹ”.

Sự hiền lành, chân thật và có chút rụt rè là cảm giác của tôi khi lần đầu tiên tiếp xúc với anh. Nhưng càng nói chuyện, anh càng tạo sự cuốn hút rất riêng bằng sự thông minh, vui tính và câu chuyện về cái duyên với nhiếp ảnh đến niềm đam mê chẳng thể tách rời.

Tác phẩm gây xúc động từ người có tâm

Chưa thể hình dung niềm xúc động và tự hào khi chàng trai trẻ Trần Thủ An được xướng tên ở vị trí cao nhất Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 34, năm 2019 do Hậu Giang đăng cai tổ chức trong năm vừa qua. Trần Thủ An nói, từng vòng thi, đã không dám thở khi Hội đồng nghệ thuật chấm tới tác phẩm của mình. Còn NSNA Đồng Đức Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, thành viên Hội đồng Giám khảo Liên hoan, thì hồ hởi: “Tác phẩm quá xuất sắc. Điểm tuyệt đối từ vòng ngoài và đi đến tận cùng này hoàn toàn xứng đáng cho một tay máy trẻ đầy nhiệt huyết, tràn đam mê, dám lăn xả, chọn những đề tài khó để trải nghiệm. Khoảnh khắc mà tác giả mang đến gây xúc động mãnh liệt cho những người làm nghệ thuật như chúng tôi”.

Tác phẩm “Mặt trời của mẹ”.

Tác phẩm “Mặt trời của mẹ”, chụp lại khoảnh khắc thiêng liêng của người mẹ trong giây phút đặc biệt đón thiên thần bé nhỏ của mình vào lòng sau hơn 9 tháng đợi mong. Tác phẩm gây xúc động bởi nó mang đậm tính nhân văn. Trần Thủ An chia sẻ: “Nhân vật trong ảnh chính là chị gái và cháu ruột của tôi. Tôi may mắn trình bày ý tưởng, được ê kíp bác sĩ đồng ý cho thực hiện tác phẩm này. Đây là một may mắn hiếm có nên tôi trân trọng, dồn hết sức mình để có một tác phẩm ưng ý”. Công sức của Trần Thủ An đã được đền đáp một cách xứng đáng, đưa anh lên ngôi vị cao nhất, vượt lên hơn 300 tay máy khu vực ĐBSCL với gần 2.000 tác phẩm.

Tôi còn nhớ, sự ngưỡng mộ của các nghệ sĩ nhiếp ảnh của vùng sông nước Cửu Long dồn về tác phẩm này và cố tìm cho ra người thể hiện với góc nhìn đắc, khoảnh khắc thật tuyệt vời không phải họ muốn là chụp được. Mọi người ngỡ ngàng khi biết đây là chàng sinh viên vừa tốt nghiệp ngành y, chưa chọn cho mình một nơi để thể hiện chuyên môn, mà muốn được học thêm để thu lượm cho mình những kiến thức mới.

Hậu Giang trước nay vẫn rất hiếm có tác phẩm được chọn triển lãm, vậy mà lần này, các nghệ sĩ nhiếp ảnh của quê hương Hậu Giang đã có sự bứt phá, khẳng định sự trưởng thành bằng những nỗ lực không ngừng, trong đó, có sự góp công rất lớn của chàng bác sĩ trẻ Trần Thủ An.

Ông Nguyễn Hữu Tình (bìa phải), Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trao giải cho các tác giả tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL.

Người kể chuyện văn hóa miền sông nước…

Từ những năm cấp II, Trần Thủ An bắt đầu thích chụp ảnh. Khi được một người cô tặng cho chiếc máy ảnh nhỏ, anh bắt đầu mày mò và chụp những cảnh đẹp của Vị Thanh, nơi anh đang theo học. Dần dần, chiếc máy trở thành người bạn, gắn bó với anh suốt những năm tháng cấp 3, rồi lên đại học. Cơ may khi Trần Thủ An được gặp NSNA Lý Hồng Vân (Hội Nhiếp ảnh thành phố Cần Thơ), đã chắp thêm cho anh tình yêu nhiếp ảnh cùng những góc nhìn để thể hiện hết vẻ đẹp của cuộc sống.

Bộ ảnh “Văn hóa họp chợ” được triển lãm tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 2018.

Những lúc rảnh, anh lại vác ba lô lên vai, khi thì một mình, lúc thì cùng vài người cùng sở thích, để tìm và nắm bắt những khoảnh khắc đẹp. Rồi mang về nhờ góp ý, chỉnh sửa sao cho hoàn thiện, thể hiện được chất nghệ thuật. Nhờ sự tìm hòi, say mê khám phá, Trần Thủ An dần tạo cho mình một nền kiến thức về nhiếp ảnh vững chắc, để có thể tự mình xây dựng đề tài và tự thể hiện…

Không cần những ý tưởng lớn lao, đề tài rộng, mà chọn những đề tài nhẹ nhàng, gần gũi với cuộc sống, mang đậm nét văn hóa của miền sông nước Cửu Long. Những tác phẩm của anh trong những năm qua được chọn triển lãm cấp khu vực, toàn quốc cũng là đề tài về văn hóa. Đó là nét đẹp mộc mạc của người phụ nữ Nam bộ gìn giữ nghề đổ bánh xèo truyền thống, là nét đẹp yên bình, đặc trưng và độc đáo của chợ nổi, là những vụ khóm bội thu của người dân Hậu Giang, là những trận đua bò khốc liệt, nét văn hóa rất riêng của vùng Bảy Núi, An Giang; hay lễ hội Ok Om Bok của người Khmer Nam bộ… 

Trần Thủ An có rất nhiều dự định cho con đường rong ruổi sắp tới. Những đề tài mà anh hướng tới vẫn tiếp tục là những lễ hội độc đáo của miền sông nước, những trò chơi dân gian gắn liền với tuổi thơ của bao người; đó là cảnh đẹp của vùng sông nước hữu tình, của những vụ mùa bội thu... “Tôi muốn góp chút sức để cùng phát huy nét văn hóa độc đáo đó”. Câu nói ngắn gọn nhưng đầy tâm quyết của một người trẻ, đang căng tràn nhiệt huyết và đam mê, muốn xông vào cuộc sống để khám phá, để trải nghiệm; muốn được nâng niu vẻ đẹp vốn có của vùng đất Chín Rồng.

Bắt đầu một hành trình mới

Dù trẻ tuổi, nhưng thành tích của Trần Thủ An rất đáng “gờm”. Năm 2019 là năm thành công đột phá, khi đầu năm, anh được kết nạp vào Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, gần cuối năm lại đạt HCV cấp khu vực và HCB tại cuộc thi ZURICH GRAND SALON 2018 tại Thụy Sĩ.

Tác phẩm “Thu hoạch khóm” được triển lãm tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam năm 2017.

Trần Thủ An bắt đầu một hành trình mới. Anh suy nghĩ hết những khó khăn để có thể vượt qua được cảm xúc hiện tại, vượt qua thành công trước mắt để thoải mái tìm kiếm và ghi lại những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Anh chia sẻ: “Tôi sẽ tìm những đề tài về văn hóa miệt vườn sông nước để thể hiện, không chỉ ở những tấm ảnh đơn, mà viết thành câu chuyện qua bộ ảnh. Đó là cách tôi thể hiện tình yêu với quê hương mình. Là cách làm sống lại hồn dân tộc, để mọi người cùng trân trọng, giữ gìn”. Với anh, nghề nghiệp và đam mê nhiếp ảnh sẽ chẳng thể tách rời. Anh đang và sẽ tiếp tục làm hết sức mình để có thể thực hiện và thành công ở cả hai…

Vẫn giữ nguyên cảm xúc hạnh phúc khi được gọi tên giải vàng Liên hoan Ảnh khu vực, Trần Thủ An đã kể cho tôi nghe quá trình chuẩn bị cho tác phẩm với tất cả sự hăm hở như vừa mới bắt đầu. Đó chắc chắn là dấu ấn, là kỷ niệm khó quên trong suốt cuộc đời của anh. Rồi đây, trên con đường rong ruổi để thực hiện niềm đam mê của mình, chắc rằng anh sẽ còn có nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, để làm nên tác phẩm xuất sắc.

THẢO HƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích