Ươm mầm, gầy dựng phong trào múa

30/03/2020 | 08:42 GMT+7

Múa ở Hậu Giang phát triển chưa mạnh, từng thành viên trong Phân hội Múa phải gánh vác trách nhiệm gầy dựng phong trào, tìm kiếm và chăm bồi những nhân tố mới, đáp ứng cho phong trào văn nghệ không chuyên trong tỉnh.

Các tiết mục múa không thể thiếu trong các chương trình nghệ thuật.

Gầy dựng phong trào

Phân hội Múa hiện có 14 hội viên, đa phần là viên chức ở Đoàn ca múa nhạc dân tộc và trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Một số ít là lực lượng ngoài ngành văn hóa, tham gia phong trào văn nghệ ở địa phương. Phân hội chính là mái nhà chung, là nơi để các hội viên được tạo điều kiện để giao lưu, gắn kết, chia sẻ nghề nghiệp, tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục với niềm đam mê của mình. Những cái tên biên đạo múa quen thuộc trong các hội thi, hội diễn trong tỉnh những năm qua: Nguyên Luân (Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh), Trần Hạnh (Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thành phố Ngã Bảy), Thanh Đẳng (Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Vị Thủy)…

Mỗi một nghệ sĩ múa luôn phấn đấu vì mục tiêu vừa nâng cao tay nghề cho chính bản thân, vừa gây dựng và tìm kiếm chăm bồi những hạt nhân có năng khiếu múa, để xây dựng những tiết mục nghệ thuật phục vụ cho phong trào văn hóa, văn nghệ địa phương. Họ chính là nòng cốt, gầy dựng phong trào múa, mang vẻ đẹp hình thể, phản ánh cuộc sống, đến gần với khán giả qua những tác phẩm múa độc lập, minh họa làm tăng thêm sự sinh động, hoành tráng, sức hấp dẫn của tác phẩm âm nhạc, nâng cao hiệu quả tuyên truyền sâu rộng, nâng tầm cao nghệ thuật cho tác phẩm… Từ đó, các tiết mục múa độc lập hay minh họa xuất hiện trên sân khấu dần đi vào chiều sâu, chất lượng, thể hiện qua các chương trình nghệ thuật, hội thi, hội diễn hàng năm của tỉnh… Biên đạo múa Thanh Đẳng chia sẻ: “Tôi luôn ý thức việc tìm kiếm và gầy dựng phong trào ở địa phương là trách nhiệm của mình. Từ đó, phát hiện và nuôi dưỡng lực lượng này để có được một lực lượng đủ để xây dựng những chương trình văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương”.

Nâng tầm nghệ thuật

Ở Hậu Giang, môn nghệ thuật này đang được coi là hoạt động phong trào, khi chưa có điều kiện, cơ hội phát triển. Ngoài Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh, mỗi năm trong chương trình nghệ thuật năm đều xây dựng vào tiết mục múa độc lập, đa phần những người đam mê và theo nghiệp múa chỉ có thể tìm kiếm cơ hội thể hiện ở các hội thi, hội diễn không chuyên trong tỉnh. Từ đó, múa đa phần là minh họa, làm sinh động, phong phú cho một tác phẩm âm nhạc. Ông Lê Hoàng Chung, Trưởng Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh, chia sẻ: “Dù đoàn có các diễn viên múa trụ cột, nhiều kinh nghiệm và cũng tham gia dàn dựng cho các đơn vị, ban ngành trong tỉnh khi có nhu cầu, nhưng khi cần dàn dựng, chúng tôi vẫn phải mời những biên đạo tên tuổi. Đó cũng là một cách để diễn viên tiếp thu cái mới, học thêm kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, tạo cho những tác phẩm múa ngày một chất lượng”.

Nâng tầm nghệ thuật cho tác phẩm múa, để múa không chỉ là minh họa cho một tác phẩm âm nhạc, đang được từng hội viên trăn trở. Các tiết mục múa, nhất là múa độc lập, muốn được đón nhận phải bắt kịp xu thế phát triển mới của nghệ thuật múa đương đại, đòi hỏi mỗi nghệ sĩ múa phải tiếp tục nỗ lực và nâng cao trình độ cảm thụ của mình để tạo ra những tiết mục múa chất lượng. Ông Lê Văn Hồng, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, cho biết, trong thời gian tới, hội sẽ tạo thêm điều kiện để từng hội viên nâng cao tay nghề, kỹ năng, chỉ đạo Phân hội Múa tìm kiếm, chăm bồi những nhân tố mới để phát triển hội viên đều khắp các huyện, thành phố trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển phong trào văn nghệ ở địa phương và nâng tầm nghệ thuật cho các tác phẩm múa.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>