An toàn thực phẩm: Nỗi lo hiện hữu

23/05/2024 | 07:36 GMT+7

Các vụ ngộ độc thực phẩm với hàng trăm người nhập viện xảy ra thời gian qua ở nước ta đã dấy lên cảnh báo về chất lượng thực phẩm và đặt vấn đề lớn: Làm sao đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng ?

Các đoàn kiểm tra của tỉnh, huyện, cơ sở tại Hậu Giang đã kiểm tra gần 1.500 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong những tháng đầu năm nay.

Không ít vụ ngộ độc có hàng trăm người nhập viện

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm do Bộ Y tế tổ chức mới đây, khi phân tích nguyên nhân xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai những tháng đầu năm, bà Võ Thị Ngọc Lắm, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, thông tin: “Vụ ngộ độc tại tiệm bánh mì Cô Băng qua điều tra nguyên nhân có sự chủ quan của chính quyền địa phương. Trước đây, tiệm bánh mì là thức ăn đường phố sau đó phát triển thành hộ kinh doanh nhưng chưa được quản lý chặt chẽ”. Vụ ngộ độc tiệm bánh mì Cô Băng ngày 30-4-2024 có đến 547 người nhập viện.

Thông tin của Cục An toàn thực phẩm, nguyên nhân vụ ngộ độc này do vi sinh vật, Salmonella trong thịt heo đã qua chế biến, chả lụa. Tiệm bánh mì Cô Băng không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, không có xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ.

Những tháng đầu năm nay, tại tỉnh Sóc Trăng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người tại hộ kinh doanh bánh mì với trên 150 người ngộ độc thực phẩm và xác định nguyên nhân là mất ATTP từ khâu bảo quản. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, thông tin: “Vụ ngộ độc thực phẩm đầu năm tại hộ kinh doanh bánh mì, qua kiểm tra cơ sở có đăng ký cấp giấy phép và các thủ tục theo quy định. Nguyên nhân là trong quy trình sản xuất có sơ suất khâu bảo quản, nên chưa đảm bảo ATTP”.

Thực trạng cơ sở vi phạm các quy định trên không chỉ riêng tỉnh Đồng Nai, Sóc Trăng, còn tồn tại ở nhiều tỉnh, thành khác, trong đó có Hậu Giang. Trong những tháng đầu năm nay, Hậu Giang không xảy ra vụ ngộ độc nhiều người mắc, nhưng qua kiểm tra ATTP vẫn phát hiện các vi phạm tương tự ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Các đoàn kiểm tra của tỉnh, huyện, xã đã kiểm tra gần 1.500 cơ sở trong đó có 47 cơ sở vi phạm, xử phạt 4 cơ sở với số tiền 16,5 triệu đồng, còn lại nhắc nhở 43 cơ sở.

Cục ATTP đánh giá việc thực hiện các quy định về ATTP của một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ, thường xuyên. Một số cơ quan, cơ sở còn buông lỏng quản lý, đặc biệt là đối với hoạt động giám sát nguyên liệu đầu vào, trong khi, nhận thức và ý thức của một số người dân về đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm chưa tốt.

Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định: “Công tác đảm bảo ATTP gần đây xảy ra các vụ ngộ độc với số vụ có quy mô lớn. Vấn đề đảm bảo ATTP cần xem lại về thể chế có đủ chưa, tổ chức thực hiện đã đầy đủ chưa, phải tìm nguyên nhân tại sao xảy ra ngộ độc? Tại sao khi xảy ra ngộ độc các cơ quan chức năng vào kiểm tra vẫn còn cơ sở kinh doanh chưa có giấy đảm bảo ATTP hay truy xuất nguồn gốc khó khăn, không truy xuất được?”.

Trăn trở thiếu nhân lực thực hiện công tác an toàn thực phẩm

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng: “Khó khăn hiện nay trong quản lý ATTP chưa có mô hình quản lý thống nhất. Cả 3 ngành y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng quản lý. Các địa phương còn khó khăn về nguồn nhân lực thực hiện quản lý ATTP, có tỉnh chỉ có phòng thôi, trong khi khối lượng công việc rất lớn và đặt trước yêu cầu giảm biên chế liên tục. Để thực hiện tốt đảm bảo ATTP cần củng cố lại đội ngũ làm quản lý công tác này”.

Tại Hậu Giang, đến ngày 1-6 tới sẽ giải thể Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và sẽ thành lập Phòng Quản lý ATTP thuộc Sở Y tế tỉnh, số người thực hiện nhiệm vụ này giảm từ 8 xuống còn 5, đặt ra áp lực làm sao để quản lý tốt trong khi giảm biên chế.

Thiếu nhân lực là thực trạng chung ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Theo Cục ATTP một số địa phương thiếu nhân lực, vật lực trong thực hiện công tác này, nhất là các địa phương tinh giản biên chế, chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm đã chuyển thành phòng ATTP nằm trong sở y tế. Ngoài Hậu Giang còn có Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Bình Thuận cùng chung thực trạng.

Trước hàng loạt vấn đề tồn tại, khó khăn đặt ra trong công tác đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: “Bộ sẽ nghiên cứu đề xuất một mô hình thống nhất và sẽ tổng kết đánh giá 12 năm thực hiện Luật ATTP, đánh giá hiệu quả của mô hình thí điểm trên cả nước để có mô hình quản lý thống nhất phù hợp với Việt Nam”.

Đừng để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”

 

Trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên số người mắc đã ghi nhận 2.138 người, tăng trên 1.432 người so với cùng kỳ năm 2023. Số vụ ngộ độc trên 30 người mắc cũng tăng, trong đó có vụ trên 500 người bị ngộ độc.

Qua các vụ ngộ độc cho thấy tồn tại vấn đề từ chế biến, bảo quản sản phẩm, lưu thông trên thị trường. Cần tìm giải pháp để đảm bảo ATTP, đừng để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, xảy ra ngộ độc mới đi cứu chữa.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>