Chi trả bảo hiểm xe máy đơn giản hơn bao giờ hết

26/02/2021 | 15:05 GMT+7

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 03/2021/NĐ-CP đưa ra những quy định mới về hồ sơ bồi thường bảo hiểm theo hướng giảm nhẹ gánh nặng thủ tục cho chủ xe, lái xe, tăng tính chủ động và trách nhiệm của các DN bảo hiểm trong việc thu thập hồ sơ bồi thường, rút ngắn thời gian tạm ứng bồi thường; mở rộng phạm vi và mức chi hỗ trợ bồi thường...

Bộ Tài chính cũng đã ban hành TT 04/2121/TT-BTC quy định chi tiết một số điều của Nghị định, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2021.

Hồ sơ bồi thường được đơn giản hóa

Tại Nghị định 03/2021, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải thu thập tài liệu của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách. So với quy định cũ, Nghị định cũng cắt giảm 1/5 tài liệu liên quan đến cơ quan công an. Còn với các vụ tai nạn không gây tử vong, doanh nghiệp chỉ cần lập biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm với bên mua bảo hiểm hay người được bảo hiểm.

Theo các chuyên gia, việc cắt giảm các loại hồ sơ, giấy tờ phải thu thập theo hồ sơ bồi thường có tác động tích cực về mặt kinh tế, giảm chi phí liên quan đến việc tổ chức giải quyết bồi thường đối với cả bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm vì tất cả các bên đều đồng chịu trách nhiệm trong việc thu thập hồ sơ bồi thường.

Doanh nghiệp phải tạm ứng trong vòng 3 ngày

Nghị định 03/2021 cũng đưa ra các quy định về tạm ứng bồi thường nhằm hỗ trợ nạn nhân nhanh chóng khắc phục hậu quả tai nạn.

Theo đó, để bảo đảm nạn nhân tiếp cận nhanh chóng tài chính, kịp thời chữa trị, chi trả chi phí y tế, Nghị định 03/2021 quy định về tạm ứng bồi thường theo hướng rõ ràng, minh bạch. Cụ thể trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.

Việc tạm ứng bồi thường đơn giản và nhanh chóng sẽ giúp cho các bên liên quan đến vụ tai nạn được hỗ trợ kịp thời, trong đó nạn nhân tai nạn giao thông được giúp khắc phục tổn thất về người và tài sản, còn chủ xe và lái xe cũng nhanh chóng ổn định cuộc sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Mức bồi thường tăng lên bao nhiêu?

Điều 4, Thông tư 04/2121/TT-BTC quy định về mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người và tài sản do xe máy gây ra.

Mức trách nhiệm bảo hiểm được hiểu là số tiền tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả cho thiệt hại về người và tài sản trong mỗi vụ tổn thất xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.  

Việc nâng mức bồi thường là một bước tiến của Chính phủ trong việc lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân liên quan để tiệm cận với các chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản.

 

Doanh nghiệp chung tay hỗ trợ cho nạn nhân tai nạn giao thông

Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ trích 1% tổng số phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới để đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới hàng năm. Quỹ này nhằm phát huy vai trò là cơ chế hỗ trợ cho chính sách bảo hiểm bắt buộc, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông và thực hiện mục tiêu an sinh - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Quỹ Bảo hiểm Xe cơ giới sẽ chi hỗ trợ nhân đạo cho các trường hợp thiệt hại về sức khỏe, tính mạng mà không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại Nghị định. Mức chi là 30% mức trách nhiệm bảo hiểm cho 1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong (tương ứng 45 triệu đồng so với mức cũ là 20 triệu đồng); 10% mức trách nhiệm bảo hiểm cho 1 người/ 1 vụ (tương ứng 15 triệu đồng) đối với các trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.

HỒNG HOA

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>