Chi trả trợ cấp người có công không dùng tiền mặt: Vừa làm vừa gỡ khó !

06/09/2023 | 07:46 GMT+7

Các địa phương đang rất quyết tâm chuyển sang chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua tài khoản. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên quá trình triển khai còn một số khó khăn.

Với nhiều người có công, việc nhận chế độ ưu đãi hàng tháng qua tài khoản có những điểm rất thuận lợi.

Người đủ điều kiện chi trả qua tài khoản chiếm 50%     

“Từ tháng 7 đến nay, tiền trợ cấp ưu đãi người có công chuyển vào tài khoản, tôi không cần phải đi nhận như lúc trước. Hình thức này có nhiều cái lợi lắm”, bà Huỳnh Thị Sớm, ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, cho biết. Bà Sớm là người có công với cách mạng, mỗi tháng bà nhận 955.000 đồng. Khi được cán bộ thị trấn Nàng Mau và đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy đến thông báo về chủ trương chi trả tiền trợ cấp người có công qua tài khoản, bà liền đồng ý. Chồng bà là cán bộ hưu trí có sẵn thẻ ATM nên bà nhận chế độ qua tài khoản của chồng, không phải mở tài khoản mới.

Ông Huỳnh Công Lành, thương binh 1/4 ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho rằng: Hình thức nhận chế độ qua tài khoản có nhiều tiện lợi. Khi cán bộ địa phương thông báo thay đổi về hình thức chuyển tiền chế độ ưu đãi hàng tháng từ tiền mặt sang chuyển vào tài khoản, ông đã mở tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh huyện Châu Thành A. Ông Lành chia sẻ: “Tôi mở tài khoản ngân hàng không tốn phí. Nếu như trước đây mỗi tháng đi nhận tiền mặt, thì nay tiền chuyển thẳng vào tài khoản. Do biết sử dụng thẻ nên tôi có thể tự mình rút tiền, kiểm tra số dư”.

Để thực hiện chi trả chế độ ưu đãi qua tài khoản, các huyện, thị xã, thành phố đã rà soát, thu thập tài khoản và phối hợp với các đơn vị có liên quan mở tài khoản cho người có công. Theo ông Nguyễn Phong Vũ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Ngã Bảy: Địa phương đã mời tất cả người có công nhận chế độ ưu đãi hàng tháng để triển khai việc chi trả qua tài khoản thay vì nhận tiền mặt như trước đây và giải thích rõ để mọi người hiểu về việc chuyển đổi này. Phòng đã phối hợp với Agribank chi nhánh thành phố Ngã Bảy mở tài khoản và phát hành thẻ ATM cho người thụ hưởng. Với người có công đảm bảo sức khỏe thì mở tài khoản chính chủ; còn các trường hợp đau ốm, già yếu, đi lại khó khăn thực hiện mở tài khoản thông qua người được ủy quyền hoặc chi trả bằng tiền mặt. Về phía ngân hàng, vào tháng 9 này cũng hỗ trợ người có công khi mọi người đến rút tiền tại cây ATM hoặc tại ngân hàng.

Là đơn vị chi trả, Bưu điện tỉnh liên kết với Agribank chi nhánh Hậu Giang và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Hậu Giang để chi trả cho người có công.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, tính đến tháng 8-2023, qua rà soát, toàn tỉnh có 2.777 người có công đủ điều kiện chi trả qua tài khoản, chiếm 50% trong tổng số người chi trả hàng tháng. Tuy nhiên, do người có công còn tâm lý e ngại nên trong kỳ chi trả tháng 8, toàn tỉnh có 639 người đồng ý nhận chế độ qua tài khoản.

Từng bước tháo gỡ khó khăn

Từ tháng 7-2023, Hậu Giang thực hiện thí điểm chi trả người có công qua tài khoản ở 4 địa phương cấp huyện gồm huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, huyện Vị Thủy và thị xã Long Mỹ. Bước đầu mỗi đơn vị cấp huyện chọn một hoặc hai xã, phường, thị trấn để thực hiện. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, qua thực hiện thí điểm ở các địa phương cho thấy quá trình tổ chức thực hiện chính sách cơ bản vẫn bằng hình thức trực tiếp, chi trả bằng tiền mặt, tỷ lệ đăng ký nhận qua tài khoản còn thấp. Nguyên nhân do người có công đã quen nhận tiền mặt. Người có công lớn tuổi không nhớ số tài khoản, không nhớ mật khẩu, không biết cách rút tiền. Điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ... Vì vậy, nhiều người chưa muốn nhận qua tài khoản.

Là một trong những người nhận chế độ ưu đãi bằng tiền mặt, ông Võ Văn Đ., thương binh 1/4 ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Khi địa phương cho hay về việc chuyển đổi từ chi trả bằng tiền mặt sang tài khoản, tôi cảm thấy băn khoăn, vì trước nay chưa sử dụng tài khoản ngân hàng. Với lại, tôi lớn tuổi mắt nhìn cũng kém, rồi không biết cách rút tiền. Do đó, tôi vẫn duy trì nhận tiền mặt”.

Hình thức chuyển tiền qua tài khoản tuy có nhiều thuận lợi, nhưng do điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để người thụ hưởng dịch vụ không dùng tiền mặt tại các địa phương chưa đồng bộ nên người có công còn khó khăn trong việc rút tiền. Ông Huỳnh Công Lành, thương binh 1/4 ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết thêm: “Việc chế độ ưu đãi hàng tháng chuyển vào tài khoản rất tiện lợi. Tuy nhiên, có một khó khăn đang gặp phải là trên địa bàn không có ATM, muốn rút tiền phải đến thị trấn Một Ngàn, khoảng cách khá xa. Vì vậy, tôi kiến nghị có thể quan tâm đầu tư ATM trên địa bàn, để người có công thuận tiện hơn trong việc rút tiền”.

Còn tại huyện Long Mỹ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã khảo sát, lấy ý kiến của người thụ hưởng về việc chi trả không dùng tiền mặt; làm việc với bưu điện và Vietinbank chi nhánh tại huyện về việc mở tài khoản cho người có công trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, giải thích cho người có công hiểu về việc chuyển đổi này và khuyến khích mọi người nhận chế độ qua tài khoản. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên số người đồng ý chi trả qua tài khoản trên địa bàn khá hạn chế.

Trước những băn khoăn, lo lắng của người có công, Bưu điện tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện tốt việc chi trả theo hình thức này. Theo ông Phạm Giang Sơn, Giám đốc Bưu điện tỉnh: Đối với các xã, phường, thị trấn không có phòng giao dịch ngân hàng hoặc cây ATM trên địa bàn, nếu người dân mở mới tài khoản tại Vietinbank thì sẽ rút tiền miễn phí tại các điểm phục vụ của bưu điện hoặc tại phòng giao dịch của Vietinbank mà không phải tốn phí. Ngoài ra, với người có công lớn tuổi, đi lại khó khăn nếu không ủy quyền con, cháu mở tài khoản thì vẫn duy trì hình thức chi trả trực tiếp bằng tiền mặt.

Để thực hiện tốt việc chi trả chế độ ưu đãi người có công qua tài khoản, Hậu Giang thực hiện theo lộ trình. Với người đã có tài khoản và mong muốn được chi trả qua tài khoản thì bưu điện sẽ thực hiện chi trả qua tài khoản; với người chưa có tài khoản hoặc có tài khoản mà chưa muốn chi trả qua tài khoản thì bưu điện sẽ chi trả bằng tiền mặt. Riêng những người lớn tuổi, đi lại khó khăn nhân viên bưu điện sẽ trực tiếp đến nhà để cấp phát. Song song đó, tiếp tục tuyên truyền, giải thích, khuyến khích người thụ hưởng đồng thuận trong quá trình chuyển đổi hình thức chi trả chế độ ưu đãi từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt.

Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đề nghị: “Phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc, quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, góp phần thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số của Chính phủ và của tỉnh…”.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, tính đến tháng 8-2023, qua rà soát, toàn tỉnh có 2.777 người có công đủ điều kiện chi trả qua tài khoản, chiếm 50% trong tổng số người chi trả hàng tháng. Tuy nhiên, do người có công còn tâm lý e ngại nên trong kỳ chi trả tháng 8, toàn tỉnh có 639 người đồng ý nhận chế độ qua tài khoản.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>