“Chìa khóa” giảm nghèo

09/02/2019 | 19:40 GMT+7

Bà Huỳnh Thị Thúy Hằng, ở ấp Nhơn Ninh, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cho biết: ”Nhờ học nghề, có việc làm ổn định, kinh tế gia đình tôi phát triển, xuân này cũng sung túc hơn“. Đây cũng là thông tin vui của nhiều chị phụ nữ ở địa phương này.

Nhờ học nghề sửa xe, anh Hoài đã có việc làm thu nhập ổn định.

Học nghề, đời sống kinh tế phát triển

Nói tiếp chuyện học nghề, bà Hằng cho biết: “Mọi năm túng thiếu, tết có sắm sửa gì đâu. Năm nay, thu nhập khá hơn nên gia đình cũng sung túc hơn”. Trước đây, vợ chồng bà đi làm ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Mỗi ngày, hơn 3 giờ sáng bà phải thức dậy nấu cơm, đến 4 giờ thì bắt đầu đi làm, tới khuya mới về tới nhà. Tuy tiền lương có khá, nhưng công việc rất mệt và ảnh hưởng sức khỏe. Rồi không có thời gian chăm lo con cái, gia đình. Khi thấy địa phương thông báo tuyển dụng lao động học nghề may công nghiệp để cung ứng cho Công ty TNHH May mặc Phú Ngọc (Thành phố Hồ Chí Minh) với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, ngoài ra, còn được hỗ trợ cơm trưa, được tham gia bảo hiểm... nên bà quyết định nghỉ làm công việc ở Trà Nóc, đi học nghề.

Bà Hằng bộc bạch: “Tuy nói là làm công nhân may cho công ty ở tận Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng phía công ty có liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện rồi đặt xưởng may tại trung tâm, vì vậy, người lao động chúng tôi có nhiều thuận lợi. Vào may tại đây, vừa gần nhà mà thời gian cũng thoải mái hơn, không phải đi sớm về khuya như lúc trước, với lại được tham gia các loại bảo hiểm theo quy định”.

Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, gia đình bà Hằng cũng chuẩn bị nhà cửa tươm tất và một số bánh mứt để đãi mọi người. Bà Hằng chia sẻ: “Mong sao qua năm mới công việc thuận lợi, đơn hàng nhiều hơn, mọi người ai cũng no đủ, sung túc”.

Cũng nhờ được học nghề, gia đình anh Nguyễn Văn Tô Hoài, ở ấp 4, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, đã có việc làm ổn định, đặc biệt thoát nghèo vào cuối năm nay. Vào nhà anh cái tết sung túc hiện diện ngay trong chái bếp, với một vài ký khô chuẩn bị để đãi dòng họ bà con, nồi thịt kho riệu đã được nấu chín. Phía trên nhà đĩa bánh mứt được đặt giữa bàn, kế bên là cây mai nhỏ nở vàng tươi.

Ngồi chải tóc cho cô con gái, vợ anh Hoài, chị Liêu Bích Ngọc vui vẻ cho biết: “Thoát nghèo mừng lắm. Tết năm nay vui nhất là cô công chúa nhỏ này đã có thêm mấy cái áo đầm để vui xuân”.

Kể về lần gặp trước, cảnh sống của gia đình này chỉ có thể gói gọn trong cái chật chội của hai chữ “nghèo khổ”, thế nhưng cánh cửa tươi sáng đã mở ra cho gia đình khi anh Hoài được học nghề sửa xe và tạo được việc làm. Sau một thời gian dành dụm, cộng thêm vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh đã sửa sang lại được căn nhà vững chãi hơn.

Từ hộ nghèo, giờ đây, cuộc sống gia đình anh Hoài đã ổn định. Tết năm nay, gia đình ăn tết cũng khá hơn, chứ không “phải” nhận quà tết của Nhà nước nữa. Vui hơn nữa, hiện nay, ngoài công việc của anh Hoài, vợ anh còn chăn nuôi thêm, để gia đình có thêm đồng ra, đồng vô, giúp kinh tế phát triển hơn.

Bà Hằng, anh Hoài chỉ là hai trong số hàng chục ngàn lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Để giúp người dân được học nghề có việc làm ổn định, các cơ sở dạy nghề đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp để mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu của doanh nghiệp. Với hiệu quả mang lại, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã mang lại “mùa xuân mới”, giúp người dân cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, đưa kinh tế ngày càng phát triển.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, giúp người lao động có được việc làm sau học nghề, ổn định đời sống.

Gắn học nghề với giải quyết việc làm

Đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A những ngày cuối năm, lúc này tại xưởng may của Công ty TNHH May mặc Phú Ngọc đặt ở trung tâm các công nhân tất bật làm việc cho đơn hàng cuối năm. Không khí làm việc nhộn nhịp nhưng không thiếu tiếng cười nói của các cô, các anh, các chị. Bên ngoài, những thanh niên đang khẩn trương khuân những thành phẩm quần áo từ xưởng lên xe, để chuyển về tổng công ty. Tất cả tạo nên một bức tranh tươi đẹp và sinh động, làm cho người người phấn khởi, nôn nao đón xuân sang.

Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A, cho biết, năm 2018 này, trung tâm liên kết với Công ty TNHH May mặc Phú Ngọc (Thành phố Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Lạc Tỷ II, Công ty May Nhật Thành để đào tạo nghề may công nghiệp. Từ sự phối hợp này, một mặt chất lượng đào tạo của trung tâm được nâng cao do doanh nghiệp đã tham gia hỗ trợ quá trình đào tạo, mặt khác, các doanh nghiệp sẽ được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, phục vụ hiệu quả nhu cầu công việc.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp là hình thức đào tạo mà các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh hướng tới, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Cụ thể, người lao động có được tay nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, bắt kịp nhu cầu của xã hội. Còn doanh nghiệp tuyển được người lao động có tay nghề, có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc. Cách làm này vừa tiết kiệm được kinh phí, vừa thu hút được người lao động tham gia học nghề. Anh Nguyễn Văn Trường, Phó trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Lạc Tỷ II, cho biết: “Nhìn chung, lao động khi được trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh đào tạo đã đáp ứng được yêu cầu của công ty. Thời gian tới, công ty tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để đào tạo nghề cho nhiều lao động, đáp ứng dây chuyền sản xuất của công ty”.

Học nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động không còn là câu chuyện cũ, nhưng để duy trì hiệu quả thì cần sự nỗ lực của các ngành liên quan và địa phương. Ông Lý Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vị Thủy, cho biết: “Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình phát triển nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, để người dân tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với các công ty, doanh nghiệp để dạy nghề theo yêu cầu, phù hợp với thực tế, năng lực và đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động”. Năm 2018, trung tâm liên kết với các công ty, đơn vị để giới thiệu việc làm cho lao động sau học nghề như Công ty Cổ phần May Nhà Bè - Hậu Giang, Công ty TNHH May mặc Thượng Phong (Thành phố Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Châu Thành Ân (tỉnh Bình Dương)...

Để tạo thuận lợi cho người lao động, Công ty TNHH May mặc Thượng Phong đã đặt xưởng may tại thị trấn Nàng Mau. Hiện nay, gần 100 lao động đã qua đào tạo nghề may công nghiệp đang tất bật làm việc, để công ty kịp giao hàng dịp tết. Chị Trần Thị Hiệp, ở ấp 12, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, cho biết: “Lúc trước, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà lo chuyện cơm nước, nhà cửa, đâu có làm gì ra tiền. Nay được học nghề, làm việc gần nhà, vừa có thu nhập ổn định, vừa lo con cái nhà cửa, những phụ nữ nông thôn chúng tôi mừng lắm. Năm nay, gần tết đơn hàng nhiều, chúng tôi phải tăng ca làm mới kịp. Tuy có hơi mệt, nhưng tiền lương, rồi phụ cấp, tăng ca này kia cũng khá. Tết năm nay, phải ăn tết ngon lành mới được”.

* * *

Tết này trong câu chuyện vui, mọi người luôn nhắc về chuyện mình được học nghề và có việc làm. Câu chuyện cứ thế râm ran, ai cũng đồng ý rằng đời sống người dân đã khác hơn trước, nhờ học nghề gắn giải quyết việc làm. Nhờ vậy, nhiều hộ thoát nghèo, có điều kiện sửa sang trang hoàng nhà cửa, để vui xuân đón tết. Xuân Kỷ Hợi năm nay không những đem theo niềm vui của sự đoàn viên mà còn đem theo niềm vui, sung túc cho những lao động nông thôn…

CẨM LÌNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>