Công tác xã hội: Nghề của những tấm lòng nhân ái

07/04/2021 | 22:52 GMT+7

Với những người làm nghề công tác xã hội, ngoài kiến thức đòi hỏi họ phải có tâm và lòng kiên nhẫn.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh luôn tận tình chăm sóc bệnh nhân.

Truyền hơi ấm tình thân

“Các cán bộ, nhân viên ở đây nhiệt tình lắm. Ai cũng tốt, ai cũng quan tâm, yêu thương tụi tui, mọi người chăm sóc tận tình, chu đáo lắm”, anh Trần Văn Bằng, bệnh nhân đang được quản lý, chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh vui vẻ cho biết. Anh Bằng được gia đình đưa vào trung tâm đã nhiều năm nay. Nhờ sự tận tình chăm sóc của các cán bộ, nhân viên trung tâm, anh đã khỏe hơn và tinh thần cũng ổn định hơn. Trước đây, anh đi bộ đội, do bị té núi ảnh hưởng đến thần kinh, điều trị nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi, nên gia đình đưa anh vào trung tâm để được chăm sóc và điều trị.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh hiện đang quản lý, nuôi dưỡng trên 220 bệnh nhân tâm thần, người lang thang, cơ nhỡ. Mỗi người đến trung tâm có nguyên nhân, hoàn cảnh khác nhau, có người bị tai nạn lao động, người do rượu chè, người do mắc bệnh bẩm sinh... nhưng ai nấy đều đáng thương, cần được quan tâm chăm sóc. Gắn bó với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh từ những ngày đầu, anh Nguyễn Phi Phàm, nhân viên chăm sóc luôn hết lòng giúp đỡ bệnh nhân và cảm thấy tự hào với nghề mà mình đã chọn. Anh Phàm chia sẻ: “Lần đầu gặp bệnh nhân tôi không tránh khỏi lo lắng. Nhưng sau những lần trò chuyện, tiếp xúc với họ tôi thấy thương và đồng cảm với họ. Ở trung tâm, có bệnh nhân có người nhà đến thăm, nhưng cũng có nhiều người không được người thân thăm nom, vì vậy, chúng tôi luôn xem họ là người thân mà tận tình chăm sóc”. Trong công việc, anh Phàm luôn tự nhắc nhở mình phải làm tròn trách nhiệm, cống hiến bằng cái tâm của cán bộ làm công tác xã hội để chăm lo, động viên những bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh này.

Cũng như anh Phàm, thời gian qua các cán bộ, nhân viên trung tâm luôn tận tình chăm sóc bệnh nhân từng miếng ăn, giấc ngủ, cấp từng viên thuốc, hỗ trợ trong các hoạt động chăm sóc, phục hồi sức khỏe, để giúp bệnh nhân sớm lành bệnh, hòa nhập cộng đồng. Chính sự tận tình ấy nên có những bệnh nhân khi khỏe lại, trở về nhà cứ nhắc mãi những cán bộ, nhân viên nơi đây.

Thầm lặng vì cộng đồng

Lâu nay, nhiều người dân ở huyện Vị Thủy đã quen với hình ảnh bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo trợ người tàn tật và Trẻ em mồ côi huyện đi vận động xã hội hóa để hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế. Theo bà Dung, hầu hết nạn nhân da cam, người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, vì vậy, bà luôn tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia đóng góp để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng. Đồng thời, thường xuyên đi khảo sát, nắm danh sách từng trường hợp, từng hoàn cảnh cần giúp đỡ để có kế hoạch vận động trợ giúp.

Chính sự nhiệt tình, chân thành, bà Dung đã tạo được cảm tình, sự tin tưởng của các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương. Vì vậy, hàng năm, các hoạt động trợ giúp đối tượng yếu thế trên địa bàn được các nhà hảo tâm hưởng ứng tích cực. Với lại, mỗi khi vận động được quà, bà Dung lại tích cực mang sự chia sẻ, đồng cảm của cộng đồng đến với những mảnh đời bất hạnh, những số phận kém may mắn. Những khi đó, bà không quên động viên, giúp mọi người vững tin vào cuộc sống. Bà Dung trải lòng: “Làm công tác này chủ yếu là cái tâm. Đối với tôi, chỉ cần thấy các đối tượng yếu thế có điều kiện vươn lên đã là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao, giúp tôi có thêm động lực, niềm tin để làm tốt công tác này”.

Gắn bó với công tác chữ thập đỏ từ năm 2017, những năm qua, bà Trần Thị Yến Oanh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, không ngại khó khăn, vất vả đến tận nơi để chia sẻ, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh và tích cực vận động hỗ trợ cho người nghèo, người bị bệnh tật, hoạn nạn... Theo bà Oanh, lúc đầu bà cũng gặp không ít khó khăn, tuy nhiên với suy nghĩ tham gia công tác hội là để giúp đỡ cho người nghèo và làm những việc có ích cho cộng đồng, cho xã hội, từ đó bản thân bà luôn cố gắng để vượt qua tất cả. Điều đáng quý ở bà Oanh, dẫu phải lo cho 2 người mẹ và đứa con trai đang học lớp 11, nhưng bà rất tích cực với các hoạt động nhân đạo từ thiện. Nhờ sự nhiệt tình, hăng hái của bà mà phong trào chữ thập đỏ ở địa phương ngày càng lan tỏa. “Theo tôi, để làm tốt công tác từ thiện cần có tấm lòng nhân ái, tình thương yêu thật sự. Tôi mong sao những việc mình làm có thể giúp ích được nhiều người. Chỉ bấy nhiêu là tôi thấy vui rồi”, bà Oanh cho biết.

Khó có thể đong đếm những vất vả của người làm nghề công tác xã hội, nhưng vì cái tâm với cộng đồng họ đã vượt qua tất cả, góp phần chăm lo cho những hoàn cảnh yếu thế, giúp mọi người có cuộc sống tốt hơn...

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>