Cuộc sống tốt hơn từ những căn nhà tình nghĩa

23/02/2021 | 04:56 GMT+7

Xây dựng nhà tình nghĩa là chủ trương lớn và đã đi vào cuộc sống, hoạt động không mới ở cách thực hiện nhưng đem lại cuộc sống mới cho gia đình chính sách, người có công. Tại Hậu Giang, công tác này được sự quan tâm đặc biệt, triển khai hiệu quả nhiều năm qua.

Bà Bỷ nhận quyết định bàn giao nhà.

Trong căn nhà tình nghĩa còn nồng mùi vôi mới, bà Huỳnh Thị Bỷ, ở ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, đang trò chuyện cùng một vài anh chị ở xóm. Bà Bỷ nói với mọi người rằng, Tết Nguyên đán vừa qua là cái tết rất đặc biệt với bà, bởi đã có căn nhà mới để vui xuân đón tết, không còn sợ cảnh mưa dột gió lùa.

Bà Bỷ là con liệt sĩ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Năm nay bà đã 63 tuổi, sống có một mình, ở tuổi này đáng lý ra phải được an nhàn bên con cháu, song vì nặng gánh mưu sinh nên mỗi ngày bà phải chặt lục bình mướn, ngoài ra ai thuê mướn gì bà cũng làm. Cuộc sống vất vả, kinh tế khó khăn, bà Bỷ không dám mơ ngày nào đó bà sẽ có được căn nhà kiên cố để ở. Nhưng niềm vui lớn đến với gia đình bà Bỷ khi vừa qua Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn đã hỗ trợ 80 triệu đồng để xây tặng bà căn nhà tình nghĩa. Phấn khởi khi được về ở trong căn nhà mới, bà Bỷ chia sẻ: “Được mọi người quan tâm hỗ trợ xây dựng căn nhà kiên cố, tôi rất phấn khởi, từ nay không còn lo lắng tình trạng nhà “nắng dọi, mưa dột”, nữa rồi”. Theo bà Bỷ, căn nhà tình nghĩa được xây dựng là món quà vô cùng ý nghĩa, là niềm động viên lớn lao giúp gia đình bà có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Cũng là một trong những gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở, bà Nguyễn Thị Thu Sương, ở ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, vui mừng khôn tả khi được hỗ trợ xây dựng căn nhà tình nghĩa theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Trong căn nhà tình nghĩa nhấp ly trà nóng, vợ chồng bà Sương không giấu được niềm hạnh phúc khi được sống trong ngôi nhà ấm cúng. Với gia đình bà căn nhà tình nghĩa không chỉ là nơi để gia đình có mái ấm an cư mà quan trọng hơn là nơi thờ cúng liệt sĩ. Vợ chồng bà thường bảo nhau đây là căn nhà thấm đượm nghĩa tình bởi nó được xây nên từ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của chính quyền địa phương. Ngày nhận quyết định bàn giao nhà tình nghĩa, cả nhà không giấu nổi niềm vui, sự xúc động. Ông Huỳnh Văn Liệt (chồng bà Sương) chia sẻ: “Nhờ Nhà nước, địa phương quan tâm hỗ trợ, gia đình tôi có căn nhà mới, tôi cảm ơn mọi người rất nhiều. Lúc chiến tranh, cha chúng tôi đã hăng hái lên đường đánh giặc và đã hy sinh, trong cuộc sống hôm nay chúng tôi luôn răn dạy con cháu phải biết trân trọng quá khứ, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, ra sức học tập, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Bà Bỷ, bà Sương chỉ là hai trong số nhiều gia đình chính sách, người có công với cách mạng được quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa trong những năm qua. Mỗi căn nhà được xây dựng mới, hoặc sửa chữa là thêm một câu chuyện đẹp về đạo lý, tình người, là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những người đã không ngại hy sinh xương máu cho ngày giải phóng dân tộc của quê hương, đất nước. Trong những năm qua, ngoài nguồn kinh phí từ Trung ương, tỉnh đã đẩy mạnh vận động xã hội hóa để xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng. Thượng tá Phạm Văn Quý, Phó Chính ủy Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn, cho biết: “Những năm qua, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng luôn được Hải đoàn chú trọng, bởi đây là hoạt động thể hiện tính nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đồng thời, phát huy phẩm chất tốt đẹp của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trong góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ các gia đình ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong năm 2020, Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn đã hỗ trợ xây dựng 5 căn nhà tình nghĩa trên địa bàn tỉnh, nhằm giúp gia đình chính sách, người có công với cách mạng có cuộc sống tốt hơn.

Mỗi căn nhà tình nghĩa được xây dựng, sửa chữa là sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương, cộng đồng xã hội đã đem lại niềm vui cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Đây cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để các gia đình chính sách, người có công tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ra sức xây dựng cho quê hương ngày thêm giàu đẹp. Trong thời gian tới, Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho người có công, để mọi người có cuộc sống tốt hơn… Hành trình nhân văn này vẫn đang được tiếp tục.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2020 toàn tỉnh đã xây dựng 73 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 64 căn. Tổng kinh phí trên 6 tỉ đồng từ nguồn vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa và xã hội hóa. Trong năm có 3 gia đình chính sách được tặng sổ tiết kiệm, 99,5% hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng có mức sống trung bình trở lên…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>