Để mái ấm là nơi mỗi người tìm về…

26/06/2020 | 07:58 GMT+7

Vì nhiều lý do, các huyện, thị, thành phố không tổ chức nhiều hoạt động cho Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay. Dù vậy, không khí ấm áp vẫn tràn về trong mỗi gia đình. Qua công tác tuyên truyền, vận động của địa phương, ý thức người dân trong gìn giữ và chăm bồi mái ấm hạnh phúc đã được phát huy...

Bà Lê Thị Nguyệt dạy cháu ngoại nấu bữa cơm gia đình.

Giữ ngọn lửa ấm…

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên, nên việc gìn giữ mái ấm hạnh phúc càng được quan tâm, để mái ấm luôn là nơi tìm về của mỗi thành viên trong gia đình sau thời gian mệt nhoài vì mưu sinh. Để làm được điều này, mỗi thành viên trong gia đình không chỉ xây dựng cách sống mẫu mực, tạo thêm nhiều niềm vui, cùng góp sức cho mái ấm rộn tiếng cười.

Bà Nguyễn Thị Cúc, ở khu vực Bình Tân, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Mấy chục năm nay, gia đình tôi luôn hòa thuận, các con ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ. Để làm được điều này, tôi thấy sự chuẩn mực của cha mẹ là rất cần thiết. Vợ chồng đâu phải lúc nào cũng hợp ý. Cái chính mà mình biết nhường nhịn, dung hòa. Tôi còn tâm đắc với việc duy trì những bữa cơm gia đình có đủ thành viên. Đây là lúc mọi người gắn kết, chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, vướng mắc”.

Với bà Lê Thị Loan, ở ấp Nhơn Xuân, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, niềm hạnh phúc với bà rất giản đơn, gói gọn trong hai từ: Chia sẻ. Bà cho biết, may mắn là lấy được người chồng biết yêu thương và đồng hành làm việc nhà với vợ. Mấy năm nay bà bệnh, không tiếp được việc đồng ruộng, ông sẵn sàng làm một mình, về là xắn tay giúp vợ chuyện bếp núc. Bằng sự nhẹ nhàng, tình cảm, ông đã làm cho bà không cảm thấy mình là gánh nặng. Ông hay khuyên bà đừng suy nghĩ nhiều, ráng dưỡng bệnh. Sự quan tâm dù nhỏ đó làm cho bà thấy mình thật may mắn và hạnh phúc, sức khỏe cũng khá hơn.

Còn bà Lê Thị Nguyệt, ở ấp 5, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, quan niệm không chỉ giữ không khí ấm cúng bằng bữa cơm, sự chăm chút của bà cho chồng, con, cháu trong nhà, mà bà còn dạy cho con cháu, nhất là các cháu gái chuyện nữ công gia chánh, để không chỉ cùng góp sức xây dựng gia đình lớn, đó còn là chuẩn bị để chăm lo cho gia đình nhỏ của mình khi các cháu trưởng thành…

Những nhân vật kể trên là những gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương, đang từng ngày góp phần trong xây dựng và giữ vững danh hiệu văn hóa ở cơ sở. Xã hội càng phát triển, cuộc sống càng bận rộn, con người càng tìm về với điểm tựa là gia đình: Nơi ấy có tình yêu thương, sự đùm bọc, sẻ chia và bao dung.

Từ việc tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức của các ngành, các cấp, thông qua xây dựng và nhân rộng những mô hình về gia đình, như Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và phòng chống bạo lực gia đình, Nhóm phòng chống bạo lực gia đình, Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; phát động các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và “Nam giới chia sẻ công tác, san sẻ việc nhà cùng nữ giới” cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… đã nêu cao vai trò công tác gia đình, tiếp thêm sức mạnh để mỗi gia đình cùng góp phần cho xã hội phát triển bền vững.

Hoạt động có chiều sâu mừng Ngày Gia đình Việt Nam

Năm nay, vì tình hình dịch bệnh, nên việc tổ chức họp mặt tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu, gương người tốt - việc tốt và tổ chức sân chơi cho các gia đình chỉ tập trung tổ chức ở cấp tỉnh. Cấp huyện và cơ sở tùy tình hình thực tế tổ chức đơn giản, an toàn.

Theo dõi sát đội tập luyện để chuẩn bị tham gia Hội thi “Gia đình với văn hóa giao thông”, ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Chúng tôi đang tập trung tập luyện để có chương trình dự thi chất lượng, vừa bám sát chủ đề, vừa tập trung khai thác các kỹ năng của từng thành viên trong gia đình, tạo nên một chương trình thuyết phục”.

Năm nay, thị xã Long Mỹ tổ chức họp mặt và tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu, người tốt - việc tốt. Ông Lâm Hồng Phúc, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Long Mỹ, cho biết: “Năm nay chỉ họp mặt 64 gia đình văn hóa tiêu biểu và gương người tốt - việc tốt. Riêng cấp xã, một số địa phương cũng tự tổ chức họp mặt, tọa đàm về cách xây dựng mái ấm hạnh phúc, như xã Long Trị A, Long Bình, phường Trà Lồng, phường Thuận An…”. Một số địa phương khác cũng tổ chức cách này, tạo được sự ấm áp, vui vẻ, tuyên dương những cá nhân, tập thể tiêu biểu, nhân rộng những mô hình xây dựng, giữ vững gia đình văn hóa.

Hậu Giang hiện có 183.317/198.699 gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ trên 92%, 52.130 người đạt danh hiệu “Người tốt - việc tốt”. Hàng năm, Ban chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp. Mỗi năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, có nhiều hoạt động, sân chơi dành cho gia đình. Đây là dịp để mỗi người cùng hướng về gia đình, thấy được trách nhiệm của mình trong việc vun đắp, cùng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng Ban chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh, cho biết: “Các năm trước, chúng tôi đều phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam, từ việc tuyên truyền bằng trực quan đến việc tổ chức hội thi về kiến thức gia đình, an toàn giao thông, nấu ăn, gia đình toàn năng… Cùng với đó là việc phát động toàn dân xây dựng và nâng chất gia đình văn hóa, nêu gương những gia đình văn hóa tiêu biểu, gương người tốt - việc tốt tiêu biểu”…

Hoạt động tiêu biểu cấp tỉnh mừng Ngày Gia đình Việt Nam

 

Hội thi “Gia đình với văn hóa giao thông”, và Họp mặt, tuyên dương gia đình văn hóa, người tốt - việc tốt tiêu biểu cấp tỉnh, là hoạt động nổi bật nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2020) năm nay. Mỗi đơn vị sẽ xây dựng một chương trình gồm 3 phần thi, với hình thức sân khấu hóa. Đây là hoạt động nổi bật, sân chơi cung cấp nhiều kiến thức cho các gia đình tham dự cuộc thi nói riêng, tất cả các gia đình trong toàn tỉnh nói chung, hứa hẹn tạo điểm nhấn riêng ấn tượng. Ban tổ chức sẽ trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba, 4 giải khuyến khích và 4 giải phụ cho các đội tham gia, với tổng trị giá giải thưởng trên 18,5 triệu đồng.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>