Dùng sách, báo trị… bệnh tâm thần

14/08/2019 | 08:49 GMT+7

Hơn 2 tháng nay, các bệnh nhân ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh được xem báo. Đây là một trong những cách trị liệu, giúp bệnh nhân thoải mái đầu óc, cảm nhận được đời mình còn ý nghĩa, còn niềm vui...

Các bệnh nhân rất hứng thú với giờ đọc báo.

“Dù sớm hay tối, mưa hay nắng, hễ hay tin nhà dân sập, tốc mái là lực lượng dân quân tự vệ nhanh chóng đến hỗ trợ khắc phục…”, một giọng đọc to, khá rõ vang lên giữa phòng, xung quanh là các bệnh nhân đang chăm chú lắng nghe. Ông Phùng Văn Ngoan, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, cho biết các bệnh nhân đang trong giờ đọc báo khi thấy chúng tôi bước vào.

Đảo mắt quanh phòng, chúng tôi thấy các bệnh nhân đang chăm chú lắng nghe. Có người cứ nhìn chằm chằm vào người đọc, có người vừa nghe vừa ra vẻ như nghĩ ngợi gì đó, người thì cười cười. Ông Ngoan cho biết người đang đọc là anh Trần Văn Bằng. Trước đây, anh Bằng đi bộ đội, sau đó phát bệnh. Thời gian đầu gia đình cũng chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi nên đưa anh vào trung tâm từ năm 2010 đến nay.

Vốn là người có kiến thức, anh Bằng rất thích đọc sách, đọc báo, vì vậy, hễ khi nào đầu óc thoải mái anh đều hỏi cán bộ trung tâm cho mượn báo để đọc. Chính vì vậy, mỗi lần đến giờ đọc báo, anh đều xung phong đọc. Anh Bằng chia sẻ: “Quê tôi ở huyện Long Mỹ, cho nên mỗi lần đọc báo tôi đều tìm kiếm tin tức về huyện nhà để đọc. Hôm trước, thấy bài báo viết về trao nhà tình thương, rồi làm nông nghiệp gì đó thấy cũng mừng. Bữa trước mấy cậu ở đây cho tôi coi bài báo thấy có mưa bão gì đó ở Long Mỹ, thấy cũng lo lo”.

Buổi đọc báo diễn ra từ 1 đến 1,5 giờ đồng hồ. Dù những bệnh nhân tham gia buổi đọc báo ấy có người hiểu, người không, người hiểu chút ít nội dung bài viết, nhưng với mọi người như vậy là vui, là quý lắm rồi. “Bài báo chị vừa nghe viết về vấn đề gì vậy chị?”, chúng tôi đặt câu hỏi với một bệnh nhân nữ đang chăm chú lắng nghe. Nhìn chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thủy, bệnh nhân ở trung tâm liền trả lời: “Nghe có mưa bão, nhà sập đúng không cô. Có ngày tôi nghe cũng hiểu chút chút, có ngày không hiểu gì cả. Nhưng nghe đọc vậy thấy cũng vui. Tôi đang học văn hóa đó, sau này biết rành chữ rồi tôi cũng đọc báo nữa, vui lắm”.

Để tạo điều kiện cho các bệnh nhân hòa nhập cộng đồng, từ tháng 5 Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã tổ chức cho bệnh nhân đọc báo. Mỗi tuần các bệnh nhân tâm thần kinh được đọc báo từ 3 đến 4 lần. Với những bài báo hay, cán bộ trung tâm sẽ cho một bệnh nhân đọc để mọi người cùng nghe. Theo ông Ngoan, việc đọc báo vừa giúp bệnh nhân thư giãn đầu óc, vừa biết được tin tức thời sự diễn ra hàng ngày. Vì vậy, mọi người rất vui với hoạt động này. “Trong những lần đọc báo, có người chăm chú đọc, có người xem hình ảnh. Dẫu có người hiểu, người chưa hiểu, nhưng tựu trung lại họ đều rất vui. Sau mỗi giờ đọc báo, các bệnh nhân còn bàn với nhau về những chuyện đang diễn ra ngoài xã hội. Thấy bệnh nhân như vậy, những người làm công tác quản lý, nuôi dưỡng chúng tôi thấy mừng lắm”, ông Ngoan cho biết thêm.

Mỗi người đến Trung tâm Công tác xã hội tỉnh có hoàn cảnh khác nhau. Nhưng ai nấy đều đáng thương, bởi họ là những người tâm thần điều trị nhiều lần nhưng không khỏi. Do đó, trung tâm luôn xác định việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà đó còn là sự cảm thông, chia sẻ với những người không may trong cuộc sống. Với cách làm cho bệnh nhân đọc báo, các cán bộ, nhân viên trung tâm mong muốn các bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe, có thể tham gia các hoạt động như người bình thường. Từ đó, giúp mọi người cảm nhận mình vẫn là người có ích cho xã hội...

Rời Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, nhưng hình ảnh các bệnh nhân tâm thần vui vẻ đọc báo cứ quấn lấy suy nghĩ chúng tôi, mong sao, họ sớm hồi phục sức khỏe, hòa nhập cộng đồng xã hội, để có thể trở về đọc báo bên gia đình thân yêu của mình…

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh hiện đang quản lý, nuôi dưỡng 215 bệnh nhân tâm thần kinh và người lang thang, cơ nhỡ. Trong đó, có 211 bệnh nhân tâm thần kinh. Ngoài điều trị bằng thuốc, trung tâm còn áp dụng nhiều phương pháp điều trị hỗ trợ khác như: tổ chức cho bệnh nhân tham gia lao động nhẹ với những công việc phù hợp sức khỏe từng người như làm cỏ, trồng rau, phụ nấu ăn, dọn dẹp, lau phòng...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>