Hoàn lương mang hương cho đời

13/01/2020 | 18:56 GMT+7

Quá khứ một thời đầy hoa làm cho cuộc sống hiện tại thêm tỏa hương; nhưng quá khứ thăng trầm mà hôm nay được người ta làm đẹp hẳn không thể không ngát hương...

Cuộc sống ổn định, ông Nguyễn Thành Thân và Nguyễn Văn Hữu chắc không muốn khơi lại chuyện cũ. Sở dĩ các ông tâm tư hoài niệm là vì không muốn ai đó nhìn đời qua song sắt.

Ông Nguyễn Thành Thân (trái) tự tin với nghề hoa kiểng và sống hòa đồng với mọi người.

Thức tỉnh

Gặp ông Thân (ngụ ấp 11, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy) khi vừa đi đám cưới về, biết mình có hẹn nhưng gặp trễ nên ông phân bua: “Sáng đi đám, biết tôi làm nghề cắt, chăm sóc hoa kiểng nên mấy người bạn kéo lại hỏi thăm và mướn cắt một số cây để chơi trong dịp tết”.

Tay nghề chơi kiểng của ông kha khá nên mấy năm qua làm đẹp cho nhiều hộ ở xóm. Nhưng nghề này đến với ông với lý do hết sức đặc biệt.

Đó là vào năm 2005, trong lần sát phạt tại nhà, ông bị lực lượng chức năng bắt, sau đó phạt 2 tháng tù cho hưởng án treo. Tưởng rằng bản án ấy sẽ làm ông thức tỉnh, nhưng sau khi mãn án treo, ông lại cờ bạc; hậu quả thì ai cũng rõ…

Những tháng ngày trong bốn bức tường, ông Thân tự vấn lương tâm rằng thời gian qua chỉ nghĩ tới bản thân, chẳng đoái hoài gia đình. Ông cũng chợt nhận ra hai đứa con của mình đang tuổi ăn, tuổi học, cần một gia đình vững chắc, êm ấm để xây dựng tương lai. Quá trình cải tạo, ông được giáo huấn nhiều về yêu quý lao động chân chính; được học nghề cắt kiểng nên ông quyết chí làm cho cuộc đời đẹp trở lại từ đây…

Khác hẳn với ông Thân, ông Nguyễn Văn Hữu (ở ấp Tân Phú, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A) từng... vướng vào lao lý vì phạm tội chứa chấp người sử dụng ma túy và tội vượt ngục…

Giọng trầm buồn pha chút tiếc nuối, người đàn ông nhỏ thó, ở ngưỡng 60 từ tốn giãi bày: “Nếu không dính nghiện và chứa chấp ma túy, bây giờ tôi cũng có của ăn của để và dư sức xây được ngôi nhà kiên cố cho gia đình”.

Số là trong lần đánh liều... rủ bạn về nhà chơi và sử dụng ma túy tại nhà để thỏa mãn cơn nghiện nên ông Hữu bị bắt; trong giai đoạn tạm giam, ông liều mình vượt ngục nhưng bất thành. Vậy là tội chồng tội…

Ở trại giam, ông Hữu suy sụp. Tuy nhiên, nhờ được giáo dục và sự động viên kịp thời của cán bộ trại giam đã giúp ông có thêm nghị lực, quyết tâm làm lại cuộc đời bằng cách cố gắng cải tạo tốt nên được giảm án và tha tù trước thời hạn.

Ông Nguyễn Văn Hữu thường xuyên thăm, tặng quà cho những gia đình khó khăn trên địa bàn.

Sống có ích  

Vừa ra khỏi trại giam, ông Hữu gắng gượng tái hòa nhập cộng đồng; lúc này kinh tế gia đình khó khăn và tìm kiếm việc làm cũng không phải dễ. Trong tình cảnh khốn khó, gia đình, chính quyền, các đoàn thể địa phương đã kịp thời động viên, khích lệ giúp ông quên đi mặc cảm để có động lực, ý chí vươn lên.

Sau thời gian hòa nhập cộng đồng, ông đã trở thành công dân tốt, thậm chí nhiều gia đình còn lấy gương của ông để răn dạy con cháu. Ông vẫn tiếp tục làm thợ hồ, những lúc rảnh rỗi còn đi làm từ thiện.

Đặc biệt là ông Hữu hết lòng vận động thanh thiếu niên chấp hành pháp luật, từ bỏ ma túy, tham gia tố giác tệ nạn xã hội gây mất trật tự tại địa phương... Minh chứng là hàng ngày, sau khi đi làm về, ông dành thời gian thăm hỏi, động viên, giải thích sự nguy hiểm của nghiện ma túy đối với bản thân, gia đình, xã hội; lấy bản thân mình ra ví dụ.

 Anh Đoàn Thanh Tâm, ở ấp Tân Phú, thị trấn Cái Tắc, khi nghe ông Hữu kể hệ lụy, hậu quả của ma túy, dù hơn 10 năm nghiện nhưng quyết chí từ bỏ.

Chuyện anh Tâm nói không với “cái chết trắng” không phải duy nhất từ ông Hữu động viên mà còn từ nhiều người, đặc biệt là tấm gương sống Nguyễn Văn Hữu.

Anh Tâm tự nguyện đi cai nghiện đến nay gần 2 năm, đang dần thoát khỏi ma túy. Những lúc rảnh, anh còn thường theo ông Hữu làm từ thiện nhiều nơi, góp phần giúp cho đời sống, xã hội thêm yên bình, tốt đẹp hơn.

Tương tự, từ năm 2013 đến nay, với nghề cắt, chăm sóc hoa kiểng học được trong thời gian thụ án, ông Nguyễn Thành Thân có công ăn, việc làm ổn định quanh năm. Hôm nào không cắt, chăm sóc kiểng mướn thì ông đi mua hoa kiểng về trồng. Danh tiếng cắt, chăm sóc kiểng của ông Thân được nhiều người biết đến.

Ngoài thời gian dành cho công việc, ông Thân còn quan tâm răn dạy con cháu chấp hành các quy định của pháp luật, địa phương, nhất là không nên tham gia tệ nạn xã hội...

 Thành quả lớn nhất và là niềm an ủi với ông từ khi hai đứa con ngoan ngoãn học giỏi và đã tốt nghiệp đại học, tương lai rộng mở.

“Tôi và ổng nên nghĩa vợ chồng đến nay gần 30 năm. Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, tưởng chừng kết quả không có hậu. Nhưng nhờ ổng quyết từ bỏ máu đỏ đen nên gia đình mới có cuộc sống êm ấm như hôm nay”, bà Huỳnh Thị Út Nhỏ (vợ ông Thân) giãi bày.

Cuộc sống quanh ta ghi nhận rất nhiều tấm gương với những nỗ lực phi thường để từ thất bại, sa ngã, lầm lỡ trở thành công dân có ích cho gia đình, xã hội. Xấu hay tốt chỉ là yếu tố đến và đi, điều còn ở lại là sự chín chắn, trưởng thành, bản lĩnh sống!

***

Trước sân nhà ông Thân là chậu mai vàng khoe sắc ngát hương có được từ ý thức biết trân quý lao động chân chính; đằng sau những căn nhà mới, cảnh đời là thành quả từ nhận thức đúng đắn về vun đắp lẽ sống cho đời của ông Hữu.

Hoàn lương mang hương cho đời! Tết về, lặng lòng hoài niệm để hun đúc thêm ý chí cho tương lai tốt đẹp!

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>