“Kỹ sư” không bằng cấp

15/09/2020 | 19:16 GMT+7

Với trình độ học vấn chỉ mới lớp 10, nhưng anh Nguyễn Tiến Đạt, chủ cơ sở xưởng cơ khí Tiến Đạt, ở ấp Trường Khánh, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, có nhiều sáng kiến tạo ra hàng loạt chiếc máy tưới nhựa đường phục vụ ngành giao thông với nhiều ưu điểm nổi trội.

Anh Đạt kiểm tra lại giàn béc tưới nhựa tự chế của mình trước khi xuất bán. 

Những năm trước đây, những người làm công trình giao thông đường bộ ở khu vực ĐBSCL và một số tỉnh thành khác trên cả nước đều biết đến chiếc máy tưới nhựa đường của thương hiệu máy tưới nhựa đường của ông Hai Trung (Nguyễn Hiếu Trung), chủ cơ sở cơ khí Tiến Đạt, ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A. Đây là sáng chế đã vượt qua 34 giải pháp kỹ thuật, đề tài nghiên cứu ứng dụng và sáng kiến để đoạt giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang, năm 2006-2007. Với nhiều ưu điểm như nhanh, gọn, tiết kiệm nhiên liệu, giảm số lượng công nhân khi thi công và có thể sử dụng được trên các công trình ở nhiều địa hình phức tạp khác nhau… Điều khiến mọi người bất ngờ hơn, khi biết chủ nhân của những chiếc xe tưới nhựa đường sáng chế này là thành quả của ông Trung và người con trai, cả hai đều có trình độ học vấn thấp, nhưng có óc sáng tạo đến bất ngờ.

Tâm sự với chúng tôi, anh Đạt (con ông Trung) cho biết sau khi cha anh “cáo lão” nghỉ ngơi vì lý do sức khỏe, cơ sở này được ông giao lại cho anh quản lý và tiếp tục làm nghề cơ khí, chuyên sản xuất mặt hàng xe tưới nhựa đường, máy rải đá phục vụ công trình sửa chữa, thi công các công trình giao thông đường bộ. Có lẽ máu đam mê nghề nghiệp và óc sáng tạo của anh đã hình thành trong người từ những ngày còn lẻo đẻo xách đồ nghề cho cha đóng thùng suốt lúa, làm bánh lồng máy cày, máy xới… Ở cái tuổi 15, anh đã nối nghiệp cha tập tành làm thợ phụ, lâu rồi ham nghề nên lơ là việc học. Anh Đạt cho rằng làm nghề cơ khí thường liên tưởng tới sắt thép, liên quan tới các công việc như tiện, phay, bào, hàn… phải trải qua các quy trình ứng dụng nguyên lý, vật lý mới có thể tạo ra được các loại máy móc. Nhưng với người có trình độ học vấn như anh, để làm ra được một sản phẩm là một quá trình nghiên cứu mày mò hao tốn khá nhiều thời gian và công sức. Nhớ hồi chiếc xe tưới nhựa đầu tiên ra đời, khi bắt tay vào làm thử nghiệm, anh và ông Hai Trung phải làm đi, sửa lại nhiều lần khi lắp ráp từng bộ phận của động cơ. Trong khi đó, hai cha con anh không hề có bất kỳ một thông số kỹ thuật hay kiểu dáng hình mẫu nào về sản phẩm tương tự. Tất cả mọi thứ đều dựa vào kinh nghiệm thâm niên từ nghề đóng thùng suốt lúa. Cuối cùng, sau hơn 3 tháng cật lực thi công, hai ông thợ chuyên đóng thùng suốt lúa này cũng cho ra lò được chiếc xe nấu và tưới nhựa đường.

Có không ít người trong giới chuyên ngành cầu đường có chung một nhận xét là xe tưới nhựa đường của ông Trung làm ra chất lượng không thua kém những chiếc máy ngoại nhập. Sau hàng loạt máy tưới nhựa đường mang thương hiệu “Hai Trung” của cơ sở Tiến Đạt ra đời được thị trường chấp nhận và tiêu thụ mạnh, mới đây anh Đạt lại có thêm một sáng kiến mới là chế tạo thành công giàn béc tưới nhựa thông minh. Kết cấu của giàn béc tưới này được lắp đặt cố định trên những chiếc xe bồn tưới nhựa cũ, với nhiều tính năng vượt trội hơn loại cần béc tưới cầm tay do cơ sở của anh sản xuất trước đây. Anh Đạt cho biết, theo thiết kế của giàn béc tưới nhựa mới này, chiều ngang chỉ có 2,5m, có gắn 17 béc phun tưới tự động và một hệ thống béc phụ cầm tay, được đấu nối chung vào bồn chứa nhựa đã nấu. Ưu điểm của giàn béc tưới mới là tiết kiệm được nhiều nhiên liệu nhựa hơn so với béc tưới cầm tay trước đây. Độ thấm ướt của nhựa sâu, đều và thời gian tưới cũng được rút ngắn lại. Chỉ mất khoảng 15-20 phút là có thể tưới xong một đoạn đường dài hơn 1km, cho một bồn chứa 1.200 lít nhựa.

Không chỉ có vậy, khi sử dụng giàn tưới tự động này, người làm công trình còn có thể cắt giảm được số lượng người lao động và chỉ cần 1 người lái xe, 1 người điều khiển giàn béc tưới là đủ. Giá thành của mỗi chiếc xe tưới nhựa có giàn béc tưới như vậy cũng chỉ khoảng 130 triệu đồng/chiếc. Hiện cơ sở anh Đạt đang chuẩn bị xuất xưởng chiếc xe thứ 2 cho một đơn vị làm công trình giao thông ở tỉnh Long An, còn chiếc xuất xưởng đầu tiên của đơn vị công trình giao thông ở Kiên Giang đặt mua đang hoạt động tốt. Trao đổi với chúng tôi, anh Minh, giám đốc một công ty sửa chữa cầu đường ở tỉnh Kiên Giang, cho hay giàn béc tưới nhựa do cơ sở anh Đạt làm ra chất lượng, sử dụng đạt yêu cầu. Những sáng chế của anh đã hỗ trợ phần nào cơ giới hóa đi vào thực tế, giúp cho những người làm công trình giải phóng được sức lao động, giảm được chi phí hao tốn vật tư nhiên liệu, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Sau khi thông tin anh Đạt vừa sáng chế thành công giàn béc tưới nhựa đường mới được lan truyền, hầu như dân trong nghề ở nhiều địa phương khác đều khâm phục tài năng của ông thợ cơ khí miệt vườn. Còn anh chàng “kỹ sư” không bằng cấp Tiến Đạt thì chỉ nói với tôi vài câu ngắn gọn: “Sản phẩm mình làm ra mà có ích cho mọi người, cho xã hội, với tôi đó là niềm vui lớn nhất”.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>