Nhiều nơi trồng cây có độc tố

22/06/2017 | 08:28 GMT+7

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cây huỳnh anh (có nơi gọi là hoa đai vàng) là loại cây có độc, nhưng tại nhiều tuyến đường, thậm chí là không ít trường học hiện đang trồng loại cây này làm cảnh...

Tại Công viên Xà No cũng trồng khá nhiều cây huỳnh anh.

Đi quanh Khu hành chính UBND tỉnh và Tỉnh ủy, sẽ dễ dàng bắt gặp những bụi cây chi chít hoa màu vàng, cụm hoa to, mọc ở gần ngọn. Hoa huỳnh anh màu vàng rực, có 5 cánh, ống hoa ngắn loe thành hình chuông, khá đẹp. Ở những bồn hoa có trồng, huỳnh anh “hước” hết cái đẹp, trở thành điểm nhấn, đẹp lấn át những loại khác. Nếu nói về mỹ quan, huỳnh anh rất đáng đứng ở vị trí số 1 vì phù hợp với cảnh quan nhiều cơ quan, đơn vị. Bên cạnh việc tạo hình dễ, có lẽ vì hoa huỳnh anh dễ trồng và nở hoa quanh năm, nên được chọn trồng nhiều.

Điều đáng nói là không ít trường mầm non, mẫu giáo cũng trồng nhiều loại cây này. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hậu Giang, tại Trường Mầm non Sen Hồng và Mầm non Hoa Trà Mi ở phường III, thành phố Vị Thanh, nhiều bụi hoa huỳnh anh được trồng. Khi hỏi một vài phụ huynh có biết cây có độc, phải trồng xa nơi tập trung đông trẻ em, các phụ huynh đều cho biết không nắm rõ điều này. Một vài hộ dân thấy cây dễ trồng, cũng trồng trước nhà. Chị L.T.H., ở phường IV, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Cây dễ trồng, thấy lấy nhánh giâm xuống đất là sống liền, tưới nước đều đều tốt lắm, tôi trồng trước nhà, cũng có nhiều người đến xin trồng, tôi cũng cho”.

Liên hệ với một số cơ sở bán cây kiểng, các chủ cửa hàng này đều cho biết, các loại cây này rất dễ trồng và bán giá khá mềm, đa phần người trồng tự chiết rồi gầy ra, chứ ít ai mua ở các cơ sở cây kiểng. Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), huỳnh anh là một trong 8 loại cây không nên trồng nhiều ở nơi công cộng, đặc biệt là ở các trường học vì có chất độc. Cây huỳnh anh có tên khoa học là Allamanda cathartica, thuộc họ trúc đào, đây là một trong những loài thực vật độc, là loại cây dạng bụi leo, có lá mọc vòng với phiến lá dài, láng. Cây ra hoa quanh năm và rất dễ trồng. Quả ít khi gặp, hình tròn dài có gai dài màu xanh, chứa ít hạt. Toàn thân cây có nhựa mủ trắng, phần ngọn có nhiều nhựa hơn tại thân và cành, khi bị ngắt ngang cây sẽ chảy nhiều nhựa mủ trắng đọng thành giọt. Toàn cây gồm vỏ cây, hoa, lá, hạt và nhựa mủ là những bộ phận có chứa chất độc. Những trường hợp ngộ độc ghi nhận ở trẻ em do ngậm nhai cây, hoa, hoặc nuốt phải nhựa mủ. Triệu chứng ngộ độc khi trẻ ăn phải là rối loạn tiêu hóa, gồm đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, có khi kèm theo triệu chứng sưng môi, choáng váng. Ngoài ra, ngộ độc cây huỳnh anh cũng xảy ra ở những trẻ có cơ địa mẫn cảm, khi trẻ sờ phải nhựa mủ trắng của cây gây viêm da làm nổi hồng ban, mề đay trên da.

Các loại cây có độc này theo y học vẫn có nhiều tác dụng trong bào chế dược phẩm, mỹ phẩm, nhưng việc trồng quá nhiều nơi đông người qua lại, nhất là những nơi có đông trẻ em là điều nên thận trọng.

Theo tư vấn bác sĩ Lâm Diệu Quang, Chủ tịch Hội đông y tỉnh, Phó phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế:

Cây huỳnh anh hay còn gọi là dây huỳnh hay cây hoa đai vàng. Toàn thân cây có nhựa mủ trắng, phần ngọn có nhiều nhựa hơn tại thân và cành, khi bị ngắt ngang cây sẽ chảy nhiều nhựa mủ trắng đọng thành giọt. Theo các tài liệu cây cỏ trong nước thì cây huỳnh anh là loại cây có độc. Những trường hợp ngộ độc ghi nhận ở trẻ em do chơi ngậm nhai cây, hoa, hoặc nuốt phải nhựa mủ. Triệu chứng ngộ độc khi trẻ ăn phải sẽ gây ra rối loạn tiêu hóa, gồm: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, có khi kèm theo triệu chứng sưng môi, choáng váng. Ngoài ra, ở những trẻ có cơ địa mẫn cảm, khi trẻ sờ phải nhựa mủ của cây có thể gây viêm da làm nổi hồng ban, mề đay trên da.

Vấn đề chúng ta cần làm trước hiện nay là dạy trẻ biết cách nhận biết cây huỳnh anh, biết độc tố của nó. Cây huỳnh anh tuy có độc nhưng không phải là cây cực độc. Vì vậy, dạy các em nhận biết được sẽ không hái hoa hay ngậm, nhai cây hoa, nuốt nhựa mủ sẽ đảm bảo an toàn hơn cho trẻ. Vì nếu chặt hết cây trong trường mà trẻ không nhận biết được có khi nơi khác có trồng vẫn có nguy cơ ngộ độc.

HỒNG DIỄM ghi

 

Bài, ảnh: H.N

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>