Những bước chân tròn vẹn

23/01/2020 | 11:18 GMT+7

Đến phỏng vấn mấy chú viết báo xuân, các chú cười nói: “Tết nhứt nói chân giả, chân cụt này kia có kỳ không?”... Chúng tôi chia sẻ rằng, những cái chân cụt nay đã lành nhờ chân giả, đó cũng là sự vẹn tròn, đáng để nói lắm chứ.

Ông Thum (trái) đã được đoàn bác sĩ thiện nguyện Trường Đại học Mercer gắn chân giả vào đầu năm 2019.

Trong cơn gió bấc se lạnh, chúng tôi đến nhà ông Trần Công Lành, thương binh 1/4 ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A. Lúc này, ông Lành đang cùng vợ quét dọn nhà cửa để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Canh Tý an lành, sung túc. Dù chỉ có một chân lành lặn và chân bên kia là chân giả, nhưng ông đi đứng rất thuận tiện, làm việc cứ như những người bình thường. Nếu không để ý mọi người chắc cũng không nhận ra cái chân bên kia là chân giả.

Thấy có khách, ông bà liền ngừng công việc, vội vã mời chúng tôi vào nhà. Mời khách ly trà nóng cho ấm bụng, bởi ngoài trời gió lạnh, ông Lành nở nụ cười đôn hậu: “Ai nói một chân không làm được việc gì. Thấy chú không, làm quần quật suốt mấy mươi năm. Cái xưởng cưa như vầy, có khi chỉ một mình chú làm đấy”. Chỉ vào mỏm cụt ở chân, ông Lành cho biết tiếp, vết thương này xảy ra vào năm 1983 khi ông đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Vào tháng 6-1985, trong trận đánh tràn vô căn cứ địch, ông đã đạp phải mìn, bị cụt chân trái và còn bị thương ở tay. Giờ được gắn chân giả đi lại cũng thuận tiện, với ông cái chân này tuy là giả nhưng êm lắm.

Đoàn bác sĩ thiện nguyện Trường Đại học Mercer Hoa Kỳ đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp với ông Lành.

Trước đây, ông Lành đã gắn chân giả, nhưng sử dụng lâu ngày chân bị hỏng. Đến năm 2018, khi biết có chương trình lắp chân giả của đoàn bác sĩ thiện nguyện Trường Đại học Mercer Hoa Kỳ, ông đã đến gắn chân giả. Dẫu được gắn chân giả đã hơn một năm, nhưng đến nay, ông vẫn nhớ như in ngày hôm ấy, nhất là sự tận tình, chu đáo của các y, bác sĩ, thực tập sinh. Ông Lành chia sẻ: “Các bác sĩ thăm khám rất tận tình, dặn dò rất kỹ. Cháu biết không, lúc đầu gắn cái chân vào, bước thử bước đầu tiên chú đau đến chảy nước mắt. Sau đó, mọi người liền tháo ra, đo ni, sửa lại làm cho vừa vặn. Ai nấy nhiệt tình lắm”.

Như để chứng minh sự tiện lợi của cái chân giả, lập tức ông Lành mang chân giả vào đi một vòng khoe với chúng tôi. Nhìn ông cười nói liến thoắng, làm chúng tôi cũng cảm thấy vui lây về sự thuận lợi mà chiếc chân giả đã mang lại cho ông, giúp ông thuận tiện hơn trong sinh hoạt, lao động hàng ngày.

Rời nhà ông Lành, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Thum, ở khu vực 3, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, cũng là một trong những người được đoàn bác sĩ thiện nguyện Trường Đại học Mercer Hoa Kỳ gắn chân giả. Lúc này, ông đang uống nước trà cùng mấy ông bạn già ở xóm. Ông Thum kể, từ ngày được gắn chân giả, việc đi đứng của ông được thuận tiện hơn, làm cũng được nhiều việc hơn. Vì vậy, ông và cả nhà rất phấn khởi.

Vừa dứt lời, ông Thum tháo ngay cái chân giả đưa cho mọi người xem. Ông Thum bộc bạch: “Nói thật, lúc đầu mang cái chân giả này vào cũng đau lắm, thấy cũng nặng nề, nhưng đi riết rồi quen. Có cái chân giả này rồi, mấy ngày tết đi qua nhà bà con, dòng họ, lối xóm chúc tết cũng tiện”.

Nhấp ly trà nóng, ông Thum kể về quãng thời gian mà ông cho là khó có thể nào quên trong suốt cuộc đời. Năm 1975, trong một lần đi làm, ông đã đạp phải mìn và bị cụt một chân. Điều này khiến cho cuộc sống của ông bị xáo trộn khi chỉ quanh quẩn với nạng gỗ. Năm sau, khi vết thương lành lặn, gia đình đã vay mượn bà con dòng họ 3 chỉ vàng, để đưa ông đi Thành phố Hồ Chí Minh làm cái chân giả. Tuy nhiên, cái chân giả này sử dụng được hơn 1 năm đã bị hỏng.

Hơn chục năm sau, kể từ ngày cái chân giả hỏng, ông Thum đã được gắn chân giả miễn phí ở thành phố Cần Thơ. Và những tháng đầu năm 2019 này, ông đã được đoàn bác sĩ thiện nguyện Trường Đại học Mercer Hoa Kỳ gắn cái chân giả mới. Khi chúng tôi hỏi: “Gắn cái chân giả mới này, chú đi lại có bị đau không, có vừa không, thưa chú”. Ông Thum liền cười đáp: “Nó vừa vặn lắm, đi lại thuận tiện lắm. Cái chân mới này, chú để dành đi đám tiệc, còn ở nhà thì đi chân cũ. Như vậy, khỏi sợ bị hư”.

Ông Lành tập bước những bước chân đầu tiên với chiếc chân giả mới.

Với ông Thum, ông không chỉ biết ơn đoàn y, bác sĩ đã gắn cho ông cái chân giả miễn phí, mà ông còn cảm kích tấm lòng hết mình vì bệnh nhân của các y, bác sĩ, thực tập sinh ngày hôm đó. Họ làm việc từ sáng đến chiều muộn, buổi trưa tranh thủ người này ăn cơm, thì người kia làm. Trong lúc lắp chân giả cho các thương binh, người khuyết tật, tuy người đông, công việc bận rộn nhưng các y, bác sĩ, thực tập sinh của đoàn vẫn không quên dành cho bệnh nhân nụ cười thân thiện, những cử chỉ ân cần.

Để lắp được cái chân giả cho vừa vặn với người đi, đôi khi nhóm phải sửa tới, sửa lui nhiều lần, thậm chí phải sửa cả ngày, dù vậy, mọi người đều vui vẻ. Sau mỗi lần thấy bệnh nhân được lắp chân giả có thể đi lại thoải mái, dễ dàng, niềm vui của nhóm bác sĩ như được nhân đôi.

Xế chiều chia tay gia đình ông Thum ra về, trước nhà mấy em nhỏ đang xúm xít hát vang bài hát Mùa xuân ơi:

Xuân xuân ơi xuân đã về

Kính chúc muôn người với bao điều mong ước

Trong hương xuân ta vẫy chào

Kính chúc muôn nhà gặp nhiều an vui…

Vậy là, một mùa xuân mới lại đến, mùa xuân năm nay mang theo biết bao niềm vui, niềm hạnh phúc của các cô chú thương binh, những người chẳng may bị khuyết tật khi được bước đi trên đôi chân của chính mình. Tôi nhớ mãi nụ cười của chú Lành, chú Thum và chuyện có chân mới để đi tiệc, đi thăm bạn bè. Với họ, tết này quá nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc…

Thạc sĩ Lê Thành Trung, thành viên trong đoàn bác sĩ thiện nguyện Trường Đại học Mercer Hoa Kỳ từng chia sẻ: “Nhìn gương mặt rạng ngời của những cô chú thương binh, người khuyết tật được lắp chân, tay giả khiến chúng tôi cảm nhận được hạnh phúc và đó cũng chính là niềm vui của những người làm công tác từ thiện. Do đó, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để mang lại niềm vui cho những người chẳng may bị khuyết tật”.

 

CẨM LÌNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>