Nối nhịp bờ vui

13/01/2020 | 04:57 GMT+7

Từ tấm lòng hảo tâm của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, những cây cầu giao thông nông thôn đã được xây dựng, xóa đi những lo lắng và làm nên hạnh phúc cho cả người nhận lẫn người trao.

Những cây cầu giao thông nông thôn hoàn thành giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng.

Kết nối lòng hảo tâm

Khoảng 2 tháng nay, người dân ở ấp 4B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, hết sức vui mừng, vì cầu Từ Tâm 35 hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhìn cây cầu mới vững chãi kế bên nhà, chị Tô Kim Hai, ở ấp 4B, chia sẻ: “Có cây cầu mới này, ai nấy đều vui mừng phấn khởi, nhất là các cháu học sinh. Mỗi lần nghe các cháu khen cầu đẹp, người lớn chúng tôi thấy vui lây”.

Lúc trước, ở đây bắc cầu ván, nhưng lâu ngày cầu bị gãy, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con gặp không ít khó khăn, ai nấy đều mong muốn có cây cầu mới. Bởi có cầu mới thì việc vận chuyển nông sản của bà con nhân dân địa phương mới được thuận lợi, con đường đến trường của các em nhỏ an toàn hơn. Thế nhưng mấy năm nay, chuyện xây cầu vẫn là bài toán nan giải vì kinh phí xây dựng một cây cầu bê tông khá lớn. Trước khó khăn của địa phương và nhu cầu của người dân, nhóm thiện nguyện Từ Tâm đã vận động Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong hỗ trợ cùng với vốn đối ứng của địa phương để xây dựng cầu. Ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, cho biết: “Ngoài nhiệm vụ sản xuất những mặt hàng có chất lượng để phục vụ người dân, công ty còn trích một phần lợi nhuận cũng như đóng góp của cán bộ, công nhân viên để triển khai chương trình cầu nối yêu thương. Với chương trình này, chúng tôi xây dựng những chiếc cầu giao thông nông thôn ở khắp mọi miền Tổ quốc, nhất là ở vùng sâu vùng xa và vùng kênh rạch chằng chịt. Khi được nhóm thiện nguyện Từ Tâm vận động, chúng tôi đã tài trợ một phần kinh phí để xây dựng cầu giao thông nông thôn ở xã Tân Hòa. Cầu hoàn thành đưa vào sử dụng không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông giúp bà con đi lại dễ dàng mà tạo diện mạo mới, mở ra hướng phát triển cho địa phương”.

Thời gian qua, với tinh thần tự nguyện, hết lòng vì cộng đồng, cán bộ hội chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh đã không ngại khó, đi nhiều nơi để kêu gọi sự ủng hộ của các nhà mạnh thường quân, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài tỉnh đóng góp tiền, vật tư xây dựng nhiều cây cầu bê tông cốt thép. Qua công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, nhà mạnh thường quân và Nhân dân đã thấy được ý nghĩa thiết thực của việc xây dựng cầu nông thôn nên đã tích cực ủng hộ, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của cho lợi ích xã hội. Ông Nguyễn Chí Nghề, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cho biết: “Để có được lòng tin của các nhà hảo tâm, thời gian qua hội chữ thập đỏ đã công khai minh bạch trong thực hiện các công trình. Trước khi khởi công xây dựng một công trình nào đó, chúng tôi đều mời nhà hảo tâm xuống để khảo sát. Quá trình xây dựng đều có báo cáo rõ ràng. Từ đó tạo được lòng tin, mời gọi các nhà hảo tâm đến hỗ trợ xây dựng cầu giao thông nông thôn tại địa phương”.

Từ đầu năm đến nay, hội chữ thập đỏ các cấp đã vận động xây dựng và sửa chữa 98 cây cầu giao thông nông thôn.

Góp sức đổi thay vùng quê

Theo bà Huỳnh Thị Phương, ở ấp 4B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, từ ngày có cây cầu bê tông này (cầu Từ Tâm 35) việc đi lại, mua bán hàng hóa của người dân thuận lợi hơn rất nhiều. Lúc trước, đây chỉ là cây cầu ván, bị gãy, bà phải bơi xuồng đưa cháu nội đi học. Nay có cầu rộng rãi, bà sẽ mua xe đạp cho cháu nội đạp xe đi học.

Từ ngày có cầu bê tông, người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi. Dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, bà con, trẻ em qua cầu rất an toàn. Làng xóm hai bên bờ kênh cũng gần nhau hơn. Như lời ông Lưu Văn Hộ, một người dân ở ấp 4B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, chia sẻ mỗi lần nhìn cây cầu là ông thấy vui trong bụng. Theo ông Hộ, từ ngày có cầu mới, nông dân dễ dàng thăm ruộng lúa, vận chuyển vật tư, nông sản trong mỗi vụ mùa. Cầu, đường thông thương, lúa nông dân làm ra bán được giá hơn, chẳng phải sợ thương lái ép giá. Tết này, đi thăm hỏi nhau không cần đi xuồng, nhịp cầu mới sẽ giúp mọi người gần nhau hơn.

Với đặc thù là vùng sông nước, hệ thống sông ngòi chằng chịt, vì thế, cùng với sự đầu tư của Nhà nước và tấm lòng của những nhà hảo tâm, mạnh thường quân những cây cầu giao thông nông thôn được xây dựng đã đem đến sự khác biệt, thay đổi cho những vùng quê nghèo. Theo ông Nguyễn Chí Nghề, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, nhiều địa phương, sau khi cầu giao thông nông thôn đưa vào sử dụng, chất lượng cuộc sống của người dân và hạ tầng ở vùng quê đó đã thay đổi rõ rệt. Khi đường rộng, cầu thông thì việc vận chuyển nông sản thuận lợi hơn, chất lượng nông sản được bảo đảm, giá bán sẽ cao hơn. Người dân, học sinh đi lại cũng thuận lợi, diện mạo làng quê thay đổi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>