Tận tình chăm sóc bệnh nhân

25/03/2020 | 07:55 GMT+7

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp trị liệu, nhằm giúp những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần sớm hồi phục sức khỏe, trở về bên mái ấm gia đình, hòa nhập cộng đồng xã hội.

Đọc báo là một trong những giải pháp giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe.

Nhiều giải pháp trị liệu được thực hiện

Gần 5 năm nay, hầu như sáng nào các bệnh nhân mắc bệnh tâm thần ở trung tâm cũng đều tham gia hoạt động tập thể dục và phơi nắng vào buổi sáng. Như một thói quen, sau khi tập thể dục và phơi nắng xong, một vài bệnh nhân sẽ hát một số bài, để các bệnh nhân khác cùng nghe. Những bài hát được cất lên, gợi nhớ những miền ký ức về những năm tháng khỏe mạnh, lao động giúp đỡ gia đình mà thời gian và bệnh lý đã làm cho các bệnh nhân nơi đây quên lãng.

Tại trung tâm đa phần là bệnh nhân tâm thần, nên bất kỳ mọi lời nói, việc làm, hành động đều không có ý thức. Mỗi khi lên cơn bệnh, họ sẵn sàng đập phá, chửi bới, nên việc để ý, chăm sóc hết sức khó khăn và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, với nhiệm vụ được giao, cùng với lòng thương người sâu sắc, các cán bộ, nhân viên ở trung tâm luôn hết lòng chăm sóc cho bệnh nhân và tạo mọi điều kiện, giúp mọi người cảm thấy thoải mái về tinh thần. “Chúng tôi luôn suy nghĩ, tìm ra nhiều hoạt động phù hợp, để giúp bệnh nhân vừa cải thiện sức khỏe, vừa ổn định về mặt tinh thần”, ông Lê Văn Cao, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, cho biết.

Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã liên kết với một số doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức các lớp dạy nghề cho bệnh nhân tại đây. Việc học nghề của những “học trò khó tính” này là một hành trình đầy khó khăn và thử thách với nhiều kỷ niệm thật khó quên, vì cái sự nhớ nhớ quên quên của bệnh nhân. Người dạy phải liên tục hướng dẫn, nhưng rồi người học lại như chẳng nhớ gì, còn một số thì hướng dẫn một đằng lại làm một kiểu… Ấy vậy, mà mỗi ngày trôi qua, những khó khăn đó đã dần được thay thế bằng sự hăng say, niềm vui trong công việc của người bệnh khi tự mình có thể làm ra được những sản phẩm. “Được học nghề, chúng tôi mừng lắm, khi đó chúng tôi cảm nhận mình như những người bình thường khác. Dẫu chúng tôi học có chậm, đan dây nhựa hoặc lục bình có lúc nhớ, lúc quên, nhưng được các cô, các cậu chăm lo như thế này, tôi mừng lắm”, chị Nguyễn Thị Kim Phượng, bệnh nhân ở trung tâm cho biết.

Cùng với dạy nghề, trung tâm còn tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho bệnh nhân như văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian, xem tivi, xem hài, nghe nhạc, đọc báo… Những hoạt động tưởng chừng như đơn giản, thế nhưng đó lại là liều thuốc tinh thần quý giá đối với các bệnh nhân tâm thần đang được điều trị ở trung tâm.

Niềm vui khi nhìn thấy bệnh nhân khỏe, hòa nhập cộng đồng xã hội

Tận tâm, chu đáo là điều có thể nhận thấy từ cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Anh Nguyễn Phi Phàm, nhân viên chăm sóc gắn bó với trung tâm từ những ngày đầu mới tiếp nhận từ Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Cần Thơ. Trong suốt thời gian qua, anh Phàm cùng với những cán bộ, nhân viên tại đây luôn cảm thông, gần gũi, tận tình chăm sóc bệnh nhân. Anh Phàm chia sẻ: “Trong công việc, chúng tôi luôn hết lòng chăm sóc bệnh nhân. Có nhiều lúc bị bệnh nhân la hét, chửi mắng, chúng tôi không hề để tâm, mà càng cảm thông với họ nhiều hơn, bởi những lúc ấy, bệnh nhân không làm chủ được hành động, suy nghĩ của bản thân”.

Bệnh nhân tâm thần thường có biểu hiện rối loạn về tâm lý, thờ ơ, lạnh nhạt với mọi giao tiếp của người khác. Với những bệnh nhân đặc biệt nặng, cán bộ trung tâm còn tận tình dìu họ đi lại, giúp họ từ việc cắt tóc, gội đầu, cắt móng tay móng chân, tránh mắc các bệnh lây nhiễm. Những lúc người bệnh nhớ nhà, có những hành động kích động, các nhân viên lại vỗ về an ủi, động viên, để họ bình tâm trở lại và sẻ chia tâm tư, nguyện vọng. Ông Lê Văn Cao, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, cho biết: “Chăm sóc bệnh nhân bình thường đã khó, với bệnh nhân tâm thần còn khó hơn rất nhiều lần. Do đó, các cán bộ, nhân viên trung tâm luôn đặt chữ tâm lên hàng đầu. Hiện nay, trung tâm có 37 cán bộ, nhân viên phải chăm sóc 221 người, song những lần bệnh nhân bệnh phải đến bệnh viện, hoặc trung tâm y tế điều trị, lúc ấy, cán bộ trung tâm phải đi theo để chăm sóc. Dẫu công việc có nhiều vất vả, bởi những người ở lại phải choàng gánh công việc giúp nhau, vì khối lượng công việc nhiều. Dù vậy, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh luôn cảm thấy vui khi nhìn thấy những bệnh nhân được chữa trị, phục hồi sức khỏe trở về cuộc sống gia đình, hòa nhập cộng đồng xã hội”.

Suốt 5 năm qua, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã trở thành mái nhà chung, chan chứa tình yêu thương dành cho những số phận không may mắc bệnh tâm thần, người lang thang trong xã hội. Mặc dù, vẫn còn những khó khăn, nhưng tập thể, cán bộ nhân viên trung tâm sẽ tiếp tục nỗ lực, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần chăm sóc tốt cho những mảnh đời bất hạnh…

Từ tháng 8-2015 đến nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã tiếp nhận mới 240 bệnh nhân. Trong thời gian qua, có 108 bệnh nhân trở về gia đình, tái hòa nhập cộng đồng. Hiện trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng 221 bệnh nhân tâm thần và người lang thang cơ nhỡ. Dự kiến, đến tháng 5 Trung tâm Công tác xã hội tỉnh sẽ dời từ phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy về thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>