Tiếp sức cùng hội viên nghèo

07/11/2019 | 09:50 GMT+7

Nhờ được mượn vốn của hội chữ thập đỏ, nhiều hộ dân ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, có thêm điều kiện để thực hiện mô hình làm ăn, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ được mượn vốn, ông Tâm đã thực hiện mô hình nuôi vịt.

Vừa mới cho vịt ăn xong, lau vội giọt mồ hôi trên mặt, ông Nguyễn Thành Tâm, ở ấp 2B, hồ hởi: “Khoảng 10 ngày nữa tôi bán đám vịt này. Đợt này nuôi đạt lắm, mới có 2 tháng mấy mà con nào con nấy cũng gần 2kg rồi. Chuyến này bỏ túi vài triệu đồng khỏe re”.

Cách đây hơn 2 tháng, ông Tâm cùng với 19 hộ dân của xã Tân Hòa được mượn vốn của hội chữ thập đỏ. Mỗi người được mượn 5 triệu đồng, sau thời hạn một năm thì trả lại. Dẫu số tiền được mượn không nhiều, nhưng đã giúp ích được nhiều bà con trong thực hiện mô hình làm ăn, góp phần phát triển đời sống kinh tế.

Theo ông Tâm, số vốn này rất có ý nghĩa, nhất là với những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Ông Tâm bộc bạch: “Nếu không được mượn vốn, chắc vợ chồng tôi phải vay bên ngoài. Tuy nhiên, vay bên ngoài lãi suất cao lắm, nhờ có vốn chữ thập đỏ cho mượn kịp thời, mừng hết sức vậy đó”. Được mượn vốn, tận dụng mùa nước nổi ông Tâm liền mua 200 con vịt về thả nuôi. Ông Tâm cho biết, nuôi vịt tháng này lợi lắm, bởi ông thả vịt trên ruộng, để chúng ăn ốc và sâu rầy. Khi đó, vừa tiết kiệm chi phí thức ăn, vừa giúp đồng ruộng hạn chế sâu bọ, ốc bươu vàng.

Trước đây, ông Tâm đã từng nuôi vịt nên có kinh nghiệm. Vì vậy, ông Tâm dự định, sau khi xuất bán số vịt này, ông mua thêm 50 con vịt về nuôi tiếp tục. Ông Tâm bày tỏ: “Tôi thấy nguồn vốn hỗ trợ từ hội chữ thập đỏ rất sát với thực tế của người dân địa phương. Tôi mong muốn hội chữ thập đỏ các cấp tiếp tục duy trì hỗ trợ nguồn vốn, để giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống…”.

Hiện nay, ngoài nuôi vịt ông còn trồng cam. Ngoài ra, mỗi ngày vợ ông đi hái rau vườn bán cũng được vài chục đến trên trăm ngàn đồng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình cũng được ổn định. Cùng với ông Tâm, bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, ngụ cùng ấp 2B cũng được mượn vốn chữ thập đỏ. Sẵn công việc bán đồ rẫy, với 5 triệu đồng được mượn bà đã mua thêm rau củ, phục vụ cho việc mua bán.

Theo bà Oanh, nguồn vốn chữ thập đỏ cho mượn rất kịp thời. Lúc đó, bà cũng hơi kẹt tiền mua đồ rẫy, thịt cá để buôn bán, nhờ có số tiền này đã giúp bà vượt qua cơn khốn khó. “Bình quân tiền mua đồ buôn bán hàng ngày khoảng 2 triệu đồng. Tôi đẩy xe bán lòng vòng theo lộ lớn và một vài ấp lân cận cũng lời khoảng 200.000 đồng/ngày. Với số tiền kiếm được, mỗi ngày tôi dành dụm ra một ít, để đến hạn thì mình trả tiền lại cho hội chữ thập đỏ”, bà Oanh bộc bạch.

Để đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, hội chữ thập đỏ địa phương đã đến khảo sát, tư vấn, hướng dẫn mô hình làm ăn để người dân có thể tăng thu nhập. Đặc biệt, thông qua hình thức mượn vốn đã góp phần nâng cao khả năng tự vươn lên của người hưởng lợi, từ đó, mọi người tránh được tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà chủ động phát triển kinh tế. Theo ông Nguyễn Chí Nghề, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, việc cho hội viên chữ thập đỏ mượn vốn được triển khai từ nhiều năm qua. Qua thời gian thực hiện, hình thức này đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống.

Để công tác chăm sóc, giúp đỡ hội viên chữ thập đỏ có hoàn cảnh khó khăn đạt hiệu quả và thiết thực hơn, ngoài các chương trình, dự án nhân đạo được triển khai, trong thời gian tới hội chữ thập đỏ các cấp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, để cùng giúp đỡ, hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội, để mọi người có cuộc sống tốt hơn…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>