Bạo loạn ở Bangladesh vẫn chưa yên

08/08/2024 | 08:35 GMT+7

Biểu tình bạo lực đòi Thủ tướng Bangladesh từ chức đã đạt được kết quả như mong đợi, tuy nhiên bất ổn chính trị ở quốc gia này vẫn chưa kết thúc.

Người biểu tình tràn xuống đường tại khu vực Bangla Motor ở thủ đô Dhaka, Bangladesh, ngày 4-8 (Reuters) .

Theo BBC, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã từ chức hôm 5-8 sau khi hàng chục ngàn người biểu tình đổ xuống các đường phố ở thủ đô Dhaka, một ngày sau khi các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình làm gần 100 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Trong số đó có ít nhất 13 cảnh sát thiệt mạng.

Bà Hasina đã tới Ấn Độ bằng máy bay. Vài giờ sau khi bà Hasina từ chức Thủ tướng, Tổng thống Mohammed Shahabuddin đã ra lệnh thả cựu Thủ tướng Khaleda Zia và tất cả các sinh viên bị bắt giam trong cuộc biểu tình chống hệ thống hạn ngạch việc làm của chính phủ.

Trước đó, Đài truyền hình Bangladeshi, Bengali phát đi hình ảnh người biểu tình xông vào dinh Thủ tướng, trèo lên nóc nhà và cố gắng kéo đổ bức tượng của cha bà Hasina là Sheikh Mujibur Rahman.

Những người biểu tình đã chặn các tuyến đường giao thông chính của đất nước và phát động một phong trào bất hợp tác để gây sức ép đòi chính phủ từ chức. Các đồn cảnh sát và Văn phòng của Đảng Liên đoàn Awami cầm quyền tiếp tục trở thành mục tiêu tấn công của những người biểu tình.

Trong khi đó, Thủ tướng Hasina cáo buộc những kẻ đang thực hiện bạo lực không phải là sinh viên mà là những kẻ khủng bố đang tìm cách gây bất ổn cho đất nước. Bà Hasina kêu gọi: “Người dân của chúng ta hãy đàn áp những kẻ khủng bố này bằng những biện pháp mạnh”.

Tình hình an ninh ngày càng xấu đi buộc Chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina phải ban bố tình trạng giới nghiêm trên toàn quốc vô thời hạn bắt đầu từ 6 giờ chiều ngày chủ nhật 4-8. Bangladesh cũng tuyên bố nghỉ lễ trên toàn quốc kéo dài ba ngày bắt đầu từ ngày 5-8.

Thực tế, các cuộc biểu tình đã bắt đầu vào tháng 7 do những bất đồng liên quan đến hạn ngạch việc làm của công chức. Điều này đã leo thang thành phong trào phản đối chính phủ rộng lớn, khi hàng trăm ngàn người đã yêu cầu Thủ tướng Sheikh Hasina phải từ chức.

Các vụ biểu tình và bạo loạn diễn ra gần đây được cho là thử thách lớn nhất với Thủ tướng Sheikh Hasina sau 20 năm cầm quyền. Bà Hasina được tuyên bố giành chiến thắng thứ 4 liên tiếp trong cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 1-2024. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này đã bị Đảng Dân tộc Chủ nghĩa Bangladesh - đảng đối lập chính tại nước này tẩy chay.

Những người chỉ trích Thủ tướng Hasina đã cáo buộc chính quyền đã sử dụng vũ lực quá mức cho phép đối với những người biểu tình, một cáo buộc mà bà và các bộ trưởng trong Chính phủ đều phủ nhận. Hệ lụy của những cuộc biểu tình này đã làm hơn 400 người đã thiệt mạng.

Tình hình an ninh phức tạp tại Bangladesh buộc nước láng giềng Ấn Độ phải ra cảnh báo an ninh, thúc giục công dân nước này không nên tới Bangladesh cho tới khi nào tình hình lắng dịu.

Trong một động thái liên quan, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) Volker Turk đã bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực gần đây ở Bangladesh, đồng thời kêu gọi đối thoại giữa chính phủ và những người biểu tình.

Mỹ đã lên tiếng về việc lập chính phủ lâm thời ở Bangladesh sau khi Thủ tướng Hasina chạy trốn. Đồng thời, Washington cũng kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh và kiềm chế, không tiếp tục các hành vi bạo lực.

Hiện Bangladesh đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm toàn quốc, tuy nhiên an ninh trật tự vẫn còn phức tạp. Giới quan sát cho rằng, khi nào quốc gia này thành lập được chính phủ mới thuận lòng dân thì an ninh chính trị nước này mới hy vọng ổn định.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>