Cơ hội hòa đàm Nga - Ukraine ?

02/10/2024 | 07:20 GMT+7

Nhiều quốc gia phương Tây ủng hộ và kêu gọi Ukraine tham gia đàm phán với Nga để tìm phương án ngừng bắn tiến tới hòa bình.

Bộ binh Ukraine ở khu vực Donetsk. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông đã có “kế hoạch chiến thắng” để giải quyết xung đột với Nga dựa trên nền tảng sự ủng hộ của Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các quốc gia phương Tây. Tuy nhiên, một số quan chức phương Tây đang hoài nghi về kế hoạch này của ông Zelensky. Một quan chức mô tả kế hoạch này giống với “danh sách mong muốn” hơn là một kế hoạch hành động thực chất.

Còn giới chức Ukraine tuyên bố bằng cách leo thang xung đột, họ có thể buộc Matxcơva phải chấp thuận giải pháp hòa bình theo các điều khoản của Kiev. Chính phủ Ukraine muốn được phép sử dụng vũ khí do phương Tây tài trợ để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga để uy hiếp và buộc Nga rút quân.

Ngoài ra, Ukraine cũng muốn nhận được sự đảm bảo an ninh theo kiểu NATO và con đường ngắn hơn để gia nhập vào khối quân sự do Mỹ dẫn đầu này, cùng đảm bảo hỗ trợ tài chính dài hạn mà chính quyền tương lai của Washington không thể thu hồi.

Matxcơva coi cuộc xung đột ở Ukraine là cuộc chiến ủy nhiệm do Mỹ dẫn đầu chống lại Nga, mà phương Tây sẵn sàng tiến hành “cho đến người Ukraine cuối cùng”. Giới chức Nga cho biết, việc Ukraine gia nhập NATO sẽ gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với nước này và phải ngăn chặn bằng mọi biện pháp cần thiết.

Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo, Matxcơva sẽ coi động thái Ukraine dùng vũ khí của Mỹ, NATO tấn công vào lãnh thổ Nga là hành động chiến tranh trực tiếp của NATO và sẽ đáp trả tương ứng.

Theo hãng tin này, các cuộc đàm phán Nga - Ukraine có thể diễn ra trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo G20 tại Brazil vào giữa tháng 11 và sẽ do Tổng thống Ukraine Zelensky, hoặc các bên khác tiến hành.

Giới quan sát cho rằng, sở dĩ Ukraine giữ vững trận địa trong suốt thời gian qua là nhờ sự giúp sức của Mỹ và phương Tây. Trong 31 tháng của cuộc xung đột Nga - Ukraine, cả hai bên đều chứng kiến ​​những lúc thăng trầm của mình. Vào những tháng đầu năm 2022, quân Nga tiến về Kiev, nhưng lại vượt quá tầm với các tuyến tiếp tế của họ và bị đẩy lùi về phía Nam và phía Đông. Quân Ukraine đã phản công thành công ở miền Đông vào mùa thu năm đó. Nhưng một cuộc phản công thứ hai của Ukraine ở phía Nam vào mùa hè năm 2023 đã bị sa lầy trong các bãi mìn dày đặc của Nga.

Vài tháng sau, quân đội Nga phát động một cuộc tấn công mới, và đạt được những tiến triển ổn định mặc dù chịu tổn thất. Tiếp đó, quân Ukraine bất ngờ phát động cuộc tấn công đường bộ xuyên biên giới vào tỉnh Kursk của Nga, với hy vọng thay đổi tình thế trên chiến trường và tạo sức nặng đàm phán trong tương lai.

Trong suốt quá trình đó, ít nhất đã có một “hằng số địa lý”. Bất kể ai đang giành chiến thắng tại một thời điểm nào, “Pháo đài Vuhledar” (mà Nga gọi là Ugledar) vẫn đứng vững. Thực chất Vuhledar chỉ là một thị trấn khai thác mỏ với dân số trước chiến tranh là 14.000 người, ở tỉnh Donestk, miền Đông Ukraine, Vuhledar nhanh chóng trở thành một pháo đài cho một đơn vị Ukraine thường trú, Lữ đoàn cơ giới số 72. Nhưng giờ đây pháo đài đó đang bên bờ vực sụp đổ vì sức tiến công mạnh mẽ của Nga.

Đúng như nhận định trên, Vuhledar từng dễ phòng thủ, nó nằm trên vùng đất cao nhưng với sự xuất hiện tích cực của bom dẫn đường trên không ở mặt trận, quân đội Nga đã phá hủy được nó và di chuyển sang sườn, khiến “pháo đài” đang thất thủ.

Xét trên bình diện tổng thể, thời gian gần đây, Ukraine đang yếu thế so với Nga trong cuộc xung đột. Do vậy, nếu không có sự thay đổi về mặt hỗ trợ của Mỹ và các nước phương Tây thì khó tránh khỏi thất bại. Do vậy, đàm phán hòa bình Ukraine - Nga sẽ là một giải pháp tối ưu của Kiev hiện nay. Tuy nhiên, để hiện thực hóa hòa đàm vẫn còn lệ thuộc nhiều phía trong đó có Nga.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>