Hệ lụy từ các vụ cháy rừng ở Hy Lạp

03/10/2024 | 18:10 GMT+7

Liên tục nhiều đám cháy rừng xảy ra gây thiệt hại nặng khiến Hy Lạp lâm vào cảnh khó khăn.

Mới đây, một đám cháy rừng đã xảy ra gần thị trấn ven biển Xylokastro trên bán đảo Peloponnese, cách Athens khoảng 120km về phía Tây. Đám cháy rừng đã làm hai người thiệt mạng và buộc cư dân của một số ngôi làng phải đi sơ tán.

Người phát ngôn của cảnh sát Hy Lạp Constantina Dimoglidou cho biết, các thi thể được tìm thấy đã bị cháy nặng và cần phải xét nghiệm để nhận dạng. Bộ Bảo vệ Công dân Hy Lạp thông tin đội cứu hỏa đã mở cuộc điều tra về vụ cháy rừng cũng như hai trường hợp thiệt mạng này.

Nhà chức trách Hy Lạp cho biết, cháy rừng đã bùng phát dữ dội, không thể kiểm soát do gió thổi mạnh ở vùng Corinth. Nhà chức trách đã huy động 350 lính cứu hỏa cùng 18 máy bay nhằm kiểm soát đám cháy. Hiện vẫn còn vài đám cháy nhỏ, song đám cháy lớn ban đầu đã được khống chế.

Khoảng 6 ngôi làng đã được lệnh sơ tán trong đêm để đề phòng, sau khi đám cháy bùng phát. Cháy rừng không đe dọa tới khu nghỉ mát bên bờ biển Xylokastro.

Cùng ngày, lực lượng chức năng cũng đã kiểm soát được 1 đám cháy khác gần Andravida, phía Tây Peloponnese, song lính cứu hỏa vẫn cảnh giác trước nguy cơ đám cháy bùng phát trở lại.

Hồi giữa tháng 8, trận cháy rừng tồi tệ nhất trong năm nay tại Hy Lạp đã khiến 1 người tử vong và tiếp tục hoành hành ở ngoại ô thủ đô Athens. Hàng trăm lính cứu hỏa được hỗ trợ bởi xe chữa cháy và máy bay thả bom nước đã chiến đấu với đám cháy rừng bùng phát vào ngày 11-8 gần ngôi làng Varnavas, cách thủ đô Athens 35km về phía Bắc. Trận cháy rừng đã thiêu rụi nhiều nhà cửa, xe cộ và những cánh rừng khô cằn phải nhiều năm sau mới mong phục hồi.

Do gió mạnh, cháy rừng đã lan từ một khu vực đồi núi có nhiều cây cối tới vùng ngoại ô thủ đô Athens, khiến thành phố bị khói cháy rừng và tro bụi bao phủ, gây ra sự hoảng loạn ở những khu phố chưa từng chứng kiến ​​một đám cháy nào như vậy gần trung tâm thành phố trong nhiều thập kỷ qua.

Bộ trưởng Bộ Khủng hoảng Khí hậu và Bảo vệ Dân sự Hy Lạp Vassilis Kikilias cho biết, ông đã kêu gọi các biện pháp khẩn cấp liên quan đến quân đội, cảnh sát và tình nguyện viên để đối phó với các vụ cháy rừng gần đây.

Hy Lạp đã kích hoạt Cơ chế Bảo vệ dân sự châu Âu và kêu gọi sự trợ giúp từ Pháp, Italia, Cộng hòa Czech với máy bay chữa cháy và lính cứu hỏa. Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ cũng giúp đỡ Hy Lạp chống cháy rừng mới dập tắt được đám cháy.

Sở dĩ, quốc gia Nam Âu này xảy ra nhiều đám cháy rừng lớn từ đầu năm đến nay là vì Hy Lạp đã trải qua mùa đông ấm nhất lịch sử trong năm nay và mùa Hè nóng nhất với lượng mưa thấp ở nhiều khu vực trong nhiều tháng qua. Tình hình thời tiết ngày càng tồi tệ đã được ghi nhận trên khắp khu vực Nam Âu, bao gồm cả Tây Ban Nha và Balkan.

Giống như các nước Nam Âu khác, Hy Lạp thường hứng chịu các vụ cháy rừng vào mùa hè. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn là do biến đổi khí hậu, khiến nhiệt độ Trái đất ấm lên. Chính những yếu tố trên đã làm cho cháy rừng ở Hy Lạp ngày càng trầm trọng hơn. Trong vài tháng qua, chính quyền phải đối phó với hơn 4.500 vụ cháy rừng. Đây là đợt bùng phát cháy rừng nguy hiểm nhất trong 2 thập niên qua.

Cháy rừng không chỉ gây thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng mà còn dẫn đến nguy cơ thay đổi hệ sinh thái ở Hy Lạp. Trước mắt, cháy rừng sẽ thúc đẩy biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn, làm khí hậu nóng lên. Về lâu dài, rừng cây mất đi sẽ dẫn đến hệ lụy về thiên tai như lũ lụt, sạt lỡ… gây tác động không nhỏ đến cuộc sống của con người và các sinh vật liên quan.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>