ICC khó thực thi lệnh bắt Thủ tướng Israel

23/05/2024 | 07:24 GMT+7

Việc Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đề nghị bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các thủ lĩnh hàng đầu Phong trào Hồi giáo Hamas chẳng những khó thực thi mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant (bên phải). (Ảnh: Flash90)

Mới đây, Trưởng công tố của ICC Karim Khan cho biết đã đề nghị ICC bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant cũng như các thủ lĩnh hàng đầu của Phong trào Hồi giáo Hamas là Yehia Sinwar, Mohammed Deif và Ismail Haniyeh vì các hành động của họ trong cuộc xung đột kéo dài hơn 7 tháng qua tại Gaza.

Theo quy trình, công tố viên Khan phải được chấp thuận bởi một hội đồng gồm ba thẩm phán để ban hành lệnh bắt trên. Hội đồng trên có thể đưa ra quyết định sau vài tuần nữa.

Tuy nhiên, theo đánh giá nếu thực thi lệnh bắt này ICC có thể tự đưa mình vào thế đối đầu với Mỹ và mất đi hoàn toàn động lực ủng hộ từ Washington. Mối quan hệ giữa Mỹ với ICC hơn 25 năm qua đã vài lần chuyển từ ủng hộ lý tưởng sang đối địch hoàn toàn và hai thái cực này chỉ cách nhau trong gang tấc.

Giờ đây, với việc công tố viên trưởng ICC Karim Khan tuyên bố đang xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vì chiến dịch tại Dải Gaza, một năm sau khi phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cuộc xung đột ở Ukraine, ICC dường như đang muốn khẳng định tính độc lập của mình. Nhưng cái giá phải trả là mất đi động lực hỗ trợ và vị thế ngoại giao mà chỉ các siêu cường như Mỹ mới có thể mang lại cho họ.

Mỹ không phải là thành viên ICC nhưng chỉ vài tuần trước, ICC được Washington coi là một phần trong nỗ lực quốc tế nhằm buộc Matxcơva phải chịu trách nhiệm về chiến dịch tại Ukraine. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham và thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons đã bắt tay nhau để bảo đảm nguồn tài trợ của Mỹ cho ICC. Đây là điều khó có thể tưởng tượng được khi vào năm 2020, chính quyền tổng thống Donald Trump đã áp đặt trừng phạt với công tố viên lúc bấy giờ của ICC vì xem xét các cáo buộc về tội ác chiến tranh chống lại lực lượng Mỹ ở Afghanistan.

Mới đây, trong một động thái liên quan, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích việc công tố viên trưởng ICC xin lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Netanyahu và thủ lĩnh Hamas với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người, gọi đây là “một sự xúc phạm”. Ông Biden nhấn mạnh, Israel là bên bị khiêu khích trong vụ tấn công bất ngờ ngày 7-10-2023. Cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng ICC không đủ thẩm quyền về vấn đề này, và không nên đánh đồng Israel với Hamas dưới bất kỳ hình thức nào.

Cả Chính phủ Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas đều chỉ trích và phản đối yêu cầu của Trưởng công tố ICC. Thủ tướng Netanyahu lên án mạnh mẽ động thái của công tố viên trưởng ICC, khẳng định những hành động kiểu này không thể ngăn cản chiến dịch quân sự của Tel Aviv. Ông Netanyahu cáo buộc Công tố viên trưởng ICC Karim Khan “bài Do Thái”. Israel khẳng định họ vẫn tuân thủ luật giao tranh và tìm cách giảm thiểu thương vong cho dân thường trong khi theo đuổi các mục tiêu quân sự chính đáng.

Hamas cũng ra tuyên bố lên án mạnh mẽ việc công tố viên ICC xin lệnh bắt các thủ lĩnh của lực lượng này. Hamas gọi động thái của ông Khan là “đánh đồng nạn nhân với kẻ giết người”.

Mary Ellen O’Connell, Giáo sư luật quốc tế tại Đại học Notre Dame, Mỹ nhận xét động thái từ công tố viên Khan vừa làm tổn hại uy tín của ICC với Mỹ, vừa làm suy yếu triển vọng kết thúc xung đột nhanh hơn, trong khi cơ hội để bắt Thủ tướng Netanyahu hay các thủ lĩnh Hamas gần như bằng 0.

ICC có 124 quốc gia thành viên, gồm 33 nước châu Phi, 19 nước châu Á - Thái Bình Dương, 28 nước Mỹ Latinh và Caribe, 19 nước Đông Âu, 25 nước Tây Âu và các nước khác. Họ cung cấp ngân sách khoảng 200 triệu USD cho ICC và nhiều quốc gia trong số này muốn chứng kiến hành động chống lại các lãnh đạo Israel.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>