Israel đối mặt với nhiều thách thức

20/09/2024 | 09:34 GMT+7

Cuộc chiến lan rộng và kéo dài ở Dải Gaza khiến Israel đối mặt với nhiều khó khăn không có đường lui.

Tên lửa Houthi trong một vụ phóng từ Yemen. Ảnh: IRNA/TTXVN

Thách thức lớn nhất mà Israel hiện phải đối mặt là cùng lúc đối đầu với các nhóm vũ trang thân Iran, bao gồm Hamas, Hezbollah, Houthi và các lực lượng dân quân khác tại Iraq. Các nhóm này liên tục tiến hành các cuộc tấn công vào Israel mà không lo sợ hậu quả. Sự răn đe mà Israel từng duy trì với các nhóm này đã bị suy giảm kể từ khi Hamas phát động tấn công vào Israel vào ngày 7-10 năm ngoái.

Hezbollah, từng bị kiềm chế kể từ cuộc xung đột năm 2006, nay đã quay lại tấn công Israel với hàng chục tên lửa mỗi ngày. Houthi tại Yemen, từng tập trung vào cuộc chiến với Saudi Arabia, giờ đây cũng tham gia vào các cuộc tấn công nhằm vào Israel mà không phải chịu phản ứng mạnh mẽ. Điều này cho thấy các lực lượng này có khả năng lựa chọn thời điểm và địa điểm tấn công mà không e ngại hậu quả nghiêm trọng từ phía Israel.

Israel hiện đang đối diện với nhiều mặt trận cùng lúc, đặc biệt là ở Gaza, Bờ Tây và biên giới phía Bắc với Lebanon. Tuy nhiên, trong khi tập trung vào cuộc chiến chống Hamas ở Gaza, Israel đã phải áp dụng chính sách phản ứng tương xứng ở các mặt trận khác. Điều này tạo ra một vấn đề chiến lược khi Israel bị cuốn vào cuộc chiến mang tính chiến thuật, thay vì một chiến lược dài hạn để dứt điểm các mối đe dọa.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã thực hiện nhiều chiến dịch nhằm tiêu diệt các đơn vị của Hamas tại Gaza, nhưng ở các mặt trận khác, các cuộc không kích và phản công chỉ mang tính chất đối phó tạm thời. Điều này có thể dẫn đến tình trạng kéo dài cuộc xung đột mà không đạt được giải pháp dứt điểm cho các thách thức từ Hezbollah và Houthi.

Lâu nay, Israel tự hào với hệ thống phòng không nhiều lớp “bất khả xâm phạm” như Iron Dome, David’s Sling, Arrow 2 và Arrow 3, đã chứng tỏ hiệu quả trong việc bảo vệ nước này trước các cuộc tấn công từ tên lửa của Hamas, Hezbollah và Houthi. Tuy nhiên, phòng không chỉ là một công cụ, không phải là chiến lược dài hạn để đối phó với mối đe dọa ngày càng phức tạp từ các đối thủ.

Các lực lượng đối đầu với Israel đã thích nghi và nâng cao khả năng tấn công bằng cách sử dụng không chỉ tên lửa mà cả thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình. Houthi đã nhắm vào các tàu ở Biển Đỏ và các khu vực khác của Israel, cho thấy khả năng đe dọa từ nhiều hướng khác nhau. Israel cần phải xây dựng một chiến lược bao quát, thay vì chỉ dựa vào các hệ thống phòng không để phòng thủ.

Đáng quan ngại, cuộc chiến kéo dài ở Gaza và tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu đã khiến nguồn lực Israel bị phân tán. Cuộc chiến với Hamas tại Gaza đã kéo dài suốt hơn 11 tháng kể từ khi cuộc tấn công ngày 7-10 năm ngoái diễn ra, Israel đã tiêu tốn không ít trang thiết bị đặc biệt là vũ khí tấn công. Trong khi đó, Hamas dường như có chiến lược kéo Israel vào một cuộc xung đột lâu dài tại Gaza, khiến Israel mất tập trung khỏi các mối đe dọa khác. Mặc dù Israel đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tiêu diệt các thành viên của Hamas nhưng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc và tiếp tục làm tiêu hao nguồn lực của Tel Aviv.

Việc phải triển khai binh lính và tài nguyên lớn để đối phó với Hamas ở Gaza đồng nghĩa với việc Israel khó tập trung toàn lực vào các mặt trận khác như miền Bắc, nơi Hezbollah liên tục tiến hành các cuộc tấn công.

Cuối cùng là áp lực từ các tổ chức quốc tế và những quốc gia phản đối chiến tranh luôn lên án cuộc chiến đẫm máu của Israel tại Gaza, với những động thái gây bất lợi cho quốc gia này. Mới đây, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ Palestine trong vòng 12 tháng, động thái này khiến Tel Aviv càng gặp khó khăn hơn.

Bộ Y tế Gaza cho biết ít nhất 41.252 người đã thiệt mạng, chiếm gần 2% trong số 2,3 triệu dân số của Dải Gaza và hơn 95.497 người bị thương trong chiến dịch tấn công quân sự của Israel vào Dải Gaza do Hamas cầm quyền. Gần 60% tòa nhà ở Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Tỷ lệ thất nghiệp ở Bờ Tây đã tăng từ mức 12,9% lên 32%, đẩy hơn 300.000 người rơi vào tình cảnh mất việc làm kể từ khi xung đột bùng phát.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>