Lo ngại nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh

23/09/2024 | 08:27 GMT+7

Nếu không thúc đẩy hành động vì khí hậu, có đến 70% khả năng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 3°C so với mức trước thời kỳ tiền công nghiệp trước khi kết thúc thế kỷ này.

Biến đổi khí hậu được xem là nguyên nhân khiến tần suất, cường độ và thời gian của các đợt nắng nóng diễn ra khắc nghiệt ở nhiều quốc gia. Ảnh: THE GUARDIAN

Cảnh báo trên do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đưa ra hôm 18-9.

Biến đổi khí hậu do đốt nhiên liệu hóa thạch cùng với sự xuất hiện của mô hình khí hậu El Nino tự nhiên đã đẩy thế giới liên tiếp lập các kỷ lục về nhiệt độ trong năm 2023 và năm nay. Dữ liệu cho thấy 8 tháng đầu tiên của năm 2024 là thời kỳ ấm nhất được ghi nhận.

WMO cho biết có 80% khả năng ít nhất 1 trong 5 năm tới sẽ đánh dấu năm dương lịch đầu tiên có nhiệt độ trung bình toàn cầu tạm thời vượt quá 1,5°C so với mức trước thời kỳ công nghiệp.

Trước đó, WMO đã phát đi báo động đỏ trên toàn thế giới. Báo cáo thường niên mới về tình hình khí hậu toàn cầu được công bố vào ngày 19-3 năm nay một lần nữa khẳng định năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong 174 năm (thời kỳ bắt đầu thống kê về tình hình thời tiết).

Nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đất đã tăng lên 1,45°C so với mức trước thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900.

Báo cáo nhấn mạnh rằng “tình trạng nóng lên toàn cầu dự kiến ​​sẽ tiếp tục diễn ra - một sự thay đổi không thể đảo ngược ở quy mô hàng trăm đến hàng ngàn năm”.

Mực nước biển dâng nhanh gấp đôi từ năm 2014-2023 so với thập kỷ 1993-2002. Vào tháng 2-2023, diện tích băng Nam Cực bao phủ là thấp nhất từng được ghi nhận kể từ khi bắt đầu quan sát vệ tinh vào năm 1979, ít hơn 1 triệu km2 so với kỷ lục trước đó. Băng tan chưa từng có kể từ năm 1950. Ở Thụy Sĩ, các sông băng đã mất 10% thể tích còn lại của chúng trong 2 năm qua.

Sóng nhiệt, lũ lụt, hạn hán, hỏa hoạn và xoáy thuận nhiệt đới là những sự kiện cực đoan cản trở sự phát triển. Từ năm 2019 đến năm 2023, số người phải hứng chịu tình trạng mất an ninh lương thực ở 78 quốc gia do Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) giám sát đã tăng gấp đôi, từ 149 triệu lên 333 triệu người.

Theo Đài Euro News, dù có sức tàn phá dữ dội, siêu bão Yagi mới chỉ là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai trong năm 2024. Xếp thứ nhất là siêu bão Beryl - cơn bão càn quét khắp châu Mỹ hồi đầu tháng 7.

Hai cơn bão trên, cùng loạt siêu bão có sức tàn phá cao trên toàn thế giới hồi năm 2023, cho thấy các hình thái thời tiết cực đoan đang ngày càng khắc nghiệt hơn.

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhận định thực chất số lượng bão nhiệt đới trên thế giới khó có thể tăng trong tương lai. Tuy nhiên, cường độ của chúng sẽ tăng lên mức cao nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>