Nạn đói ở Sudan khủng hoảng trầm trọng

04/07/2024 | 05:21 GMT+7

Sudan đang đối mặt với khủng hoảng nạn đói tồi tệ nhất chưa từng có, khiến một số người phải ăn lá cây và đất để tồn tại.

Tình hình xung đột ở Sudan đang khiến tình trạng mất an ninh lương thực thêm trầm trọng.

Giám đốc chương trình khẩn cấp của Chương trình Lương thực thế giới Samer Abdel Jaber mới đây cho biết: “Hơn một nửa dân số, tương đương hơn 25 triệu người Sudan hiện đang phải đối mặt với nạn đói ở mức độ khủng hoảng và không thể nuôi sống bản thân và gia đình. Nhiều ca tử vong liên quan đến nạn đói đã được ghi nhận. Chúng ta có thể thấy sự tuyệt vọng của người dân Sudan ngày càng gia tăng. Họ đang kiệt sức. Chúng ta phải đáp ứng nhu cầu của người dân ngay từ bây giờ kể cả về quy mô và tốc độ. Để làm được điều này, chúng ta cần có sự hỗ trợ quốc tế mới có thể ngăn chặn thảm họa nhân đạo”.

Trong cuộc khủng hoảng nạn đói này, trẻ em là đối tượng bị tác động nghiêm trọng nhất. Ước tính, khoảng 3,7 triệu trẻ em sẽ bị suy dinh dưỡng cấp tính trong năm nay, với hơn 730.000 trẻ em phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng và có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị. LHQ kêu gọi các bên tại Sudan ngừng bắn.

Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), sau 14 tháng diễn ra xung đột giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng và hơn 9 triệu người khác phải di dời, dẫn tới cuộc khủng hoảng di tản và tình hình nhân đạo cũng như nạn đói nghiêm trọng ở Sudan trong bối cảnh cộng đồng quốc tế liên tục kêu gọi ngừng bắn.

Cơ quan phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) của LHQ, cho biết tình hình an ninh lương thực ngày càng xấu đi nhanh chóng và nghiêm trọng hơn so với số liệu công bố hồi tháng 12-2023, với số người phải đối mặt với “tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính” ở mức độ cao tăng 45%.

IPC cho rằng xung đột không chỉ gây ra tình trạng di cư hàng loạt và làm gián đoạn các tuyến đường tiếp tế, mà còn cản trở khả năng tiếp cận hỗ trợ nhân đạo thiết yếu, làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã nghiêm trọng ở Sudan. Các dịch vụ y tế hoạt động kém hiệu quả, trong khi điều kiện sống của người dân ngày càng tồi tệ hơn, với tình trạng ô nhiễm nước nghiêm trọng và điều kiện vệ sinh kém.

Trước đó, Hội đồng Bảo an LHQ hôm 13-6 đã thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt tình trạng bao vây thành phố Al-Fasher, tiếp cận nhân đạo không bị cản trở và tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí đối với Sudan. Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã yêu cầu các bên tham chiến ở Sudan ngừng bắn trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, song không thành công.

Hồi cuối tháng 3, Văn phòng phụ trách các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) công bố Sách trắng về tình trạng mất an ninh lương thực tại Sudan trong bối cảnh cuộc xung đột đẫm máu tại quốc gia châu Phi này bước sang tháng thứ 11. Quan chức cấp cao OCHA Edem Wosornu đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng tuyệt vọng mà nhiều người dân đang phải đối mặt ở Sudan.

Theo Phó Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) Maurizio Martina, chiến sự đã làm đứt gãy sản xuất nông nghiệp, phá hoại hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu, đẩy giá lương thực tăng cao và làm gián đoạn hoạt động thương mại tại Sudan.

 Còn Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas - Greenfield khẳng định, người dân Sudan “cần được tiếp cận nhân đạo đầy đủ, không bị cản trở ngay lập tức”, nếu không, họ sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực thảm khốc nhất trong những tháng tới.

Đúng như dự báo, nạn đói đang lan rộng ở Sudan đến mức khủng hoảng chưa từng có tiền lệ. Nếu không kịp thời cứu trợ nhân đạo thì viễn cảnh tiếp sau sẽ là cái chết bao trùm. Đây là điều không ai mong muốn nhưng sẽ trở thành hiện thực nếu nội chiến ở Sudan tiếp tục kéo dài.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>