Nguy cơ thiếu điện trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo

24/05/2024 | 08:46 GMT+7

Thiếu nguồn cung điện đang là vấn đề lớn trong kỷ nguyên cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang là nỗi lo của các quốc gia có nền công nghiệp phát triển.

Hệ thống pin mặt trời ở Jakarta, Indonesia, ngày 3-5. Ảnh: AFP

Các ngành công nghiệp tiên tiến như xe điện, trung tâm dữ liệu, AI, chất bán dẫn AI, pin thứ cấp... mà các quốc gia trên thế giới và các công ty công nghệ lớn đang cạnh tranh khốc liệt để chiếm lĩnh thị phần, đều có một điểm chung là cần nguồn điện rất lớn.

Tình trạng thiếu điện trong những thời điểm nhất định đang diễn ra ở các nước tiên tiến có nền công nghiệp phát triển, nơi người dân vốn không cần phải lo lắng về điện trong nhiều thập kỷ qua.

Điển hình tại Mỹ, nơi tập trung không chỉ các công ty công nghệ lớn mà còn cả các ngành sản xuất công nghệ cao, nguy cơ thiếu điện đang diễn ra sớm hơn các quốc gia khác. Tại Arizona, hiện có lo ngại rằng lưới điện hiện tại sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu trong vòng 10 năm tới và kéo theo cả vấn đề an toàn lưới điện.

Tại bang Georgia, nơi tập trung các nhà máy của các công ty Hàn Quốc như SK, Hyundai Motors, Hanwha, dự đoán lượng điện tiêu thụ có thể tăng gấp 17 lần so với mức hiện tại trong 10 năm tới.

Hiện có 2.562 trung tâm dữ liệu đặt ở Mỹ, chiếm hơn 38% tổng số trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới. Theo Tập đoàn tư vấn Boston, lượng điện tiêu thụ của các trung tâm dữ liệu ở Mỹ dự kiến sẽ tăng nhanh từ 130 TWh (Terawatt giờ) vào năm 2022 lên 390 TWh vào năm 2030. Mức này tương đương với nhu cầu điện của 1/3 số hộ gia đình ở Mỹ.

Mỹ và các nước phát triển khác đã nhanh chóng có giải pháp đối phó với việc các trung tâm dữ liệu mọc lên và ngốn điện. Ngay từ tháng 1-2023, cơ quan lập pháp bang Virginia (Mỹ) đã đề xuất luật hạn chế xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu trong khi Virginia được gọi là “Trung tâm dữ liệu toàn cầu” khi có tới gần 5% số trung tâm dữ liệu của thế giới.

Còn tại Thành phố London (Anh) đã thành lập “Lực lượng đặc nhiệm về trung tâm dữ liệu” vào năm 2022 và bắt đầu xem xét kỹ lưỡng việc cấp phép xây dựng mới các trung tâm dữ liệu ở nước này.

Trong khi đó, Singapore và thành phố Amsterdam (Hà Lan) tạm thời dừng việc xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu.

Để đối phó với tình trạng thiếu điện, trước mắt các quốc gia đã đẩy nhanh thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo tự nhiên như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió... Dữ liệu mới cho thấy, năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục, chiếm tới 30% lượng điện năng của thế giới vào năm 2023. Con số trên làm lóe lên hy vọng rằng mức phát thải khí nhà kính toàn cầu sắp đạt đến đỉnh điểm.

“Cột mốc” năng lượng tái tạo vào năm 2023 được thúc đẩy bởi một năm bùng nổ về năng lượng gió và đặc biệt là năng lượng mặt trời, trong đó Trung Quốc, Brazil và Hà Lan dẫn đầu về việc triển khai nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 51% sản lượng điện mặt trời mới và 60% sản lượng gió mới, ngay cả khi nước này đang tiếp tục xây dựng một lượng lớn năng lượng than mới.

Bà Christiana Figueres, Cựu giám đốc Cơ quan biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc,  cho biết nhiên liệu hóa thạch “lỗi thời” hiện không thể cạnh tranh với “những đổi mới theo cấp số nhân và đường cong chi phí ngày càng giảm trong năng lượng tái tạo và lưu trữ”.

Trong hai thập kỷ qua, việc sử dụng năng lượng mặt trời và gió đã vượt qua kỳ vọng và phát triển nhanh hơn nhiều so với dự kiến, tăng từ mức chỉ 0,2% sản lượng điện toàn cầu trong năm 2000 lên 13,4% vào năm 2023.

Cuộc đua phát triển AI ở các quốc gia có nền công nghiệp phát triển hiện nay đang tăng tốc, với mục tiêu đẩy nhanh trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển trên các lĩnh vực. Điều này đồng nghĩa với thiếu nguồn điện phục vụ ngày càng gay gắt hơn. Từ đó, kéo theo cuộc đua phát triển năng lượng theo hướng tái tạo, hạn chế năng lượng hóa thạch ngày càng nhanh hơn. Tuy nhiên, hệ lụy của pin điện mặt trời, thiết bị năng lượng gió khi hết hạn sử dụng cũng đang là vấn đề cần quan tâm trong tương lai.

AI là viết tắt của Artificial Intelligence có nghĩa là trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo. Đây là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer science). Là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>