Nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân

27/09/2024 | 06:03 GMT+7

Chiến tranh hạt nhân đang là nỗi lo của toàn nhân loại nhưng cuộc đua phát triển vũ khí này đã đang và sẽ tiếp diễn chưa có hồi kết.

Hình ảnh một vụ nổ hạt nhân. Ảnh: 19FORTYFIVE

Giới quan sát cho rằng, khả năng chiến tranh hạt nhân do xung đột Nga - Ukraine đã lên nấc nguy hiểm. Điều này hoàn toàn có cơ sở với nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan.

Hơn 2 năm (bắt đầu vào tháng 2-2022) xảy ra xung đột Nga - Ukraine, điện Kremlin đã nhiều lần vạch ra “lằn ranh đỏ” - ám chỉ kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga có thể được kích hoạt nếu đối phương vi phạm các giới hạn của Nga. Tuy nhiên, Ukraine và các đồng minh phương Tây đã nhiều lần vượt qua các lằn ranh đó mà chưa có chuyện nghiêm trọng nào xảy ra.

Đầu tiên, Ukraine có được các vũ khí mới và mạnh do phương Tây viện trợ. Sau đó, Kiev sử dụng máy bay không người lái (UAV) của riêng họ để đánh thẳng vào sân bay trong lãnh thổ Nga và thậm chí cả chính điện Kremlin. Gần đây nhất, lực lượng quân sự Ukraine đột kích thẳng vào lãnh thổ Nga (tại Kursk) và cố gắng giữ lãnh thổ vừa chiếm được trong thời gian dài. Thế nhưng, vũ khí hạt nhân của Nga vẫn chưa được sử dụng. Điều này khiến Ukraine và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nghĩ rằng Tổng thống Nga Putin và trợ thủ Medvedev chỉ đơn thuần đang hù dọa phương Tây về tấn công hạt nhân.

Tuy nhiên, ngày 12-9-2024 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, Matxcơva sẽ coi NATO trực tiếp tham chiến chống Nga nếu tên lửa tầm xa do Mỹ, Anh và Pháp sản xuất được Ukraine sử dụng để đánh sâu vào lãnh thổ Nga. Ông Putin nhấn mạnh: “Việc Mỹ và phương Tây cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga có nghĩa là các nước này đang trong tình trạng chiến tranh với Nga. Với sự thay đổi bản chất của xung đột, chúng tôi sẽ thực hiện các quyết định phù hợp đáp trả các mối đe dọa tạo ra cho chúng tôi”. Điện Kremlin cũng coi đây như ngưỡng cuối cùng dẫn đến cuộc tấn công hạt nhân nếu tình huống xấu hơn tiếp tục diễn ra.

Nhiều chuyên gia Nga đồng ý với tuyên bố của ông Putin. Sergei Strokan, Nhà báo chuyên về mảng thế giới của nhật báo Kommersant tại Matxcơva cho rằng: “Nga ngày càng bực bội về việc phương Tây có vẻ đã đánh mất hết nỗi sợ chiến tranh hạt nhân. Sự răn đe đã không còn nữa”. Ông Strokan so sánh tình trạng này với thời Chiến tranh Lạnh, khi nỗi sợ này thúc đẩy cả hai phe ngồi vào bàn đàm phán để giới hạn xung đột và kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Hiện tại, Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp nước này bị đối phương tấn công bằng vũ khí hạt nhân, hoặc sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa trong một cuộc xung đột quy ước.

Còn nhớ, vũ khí hạt nhân lần đầu tiên được sử dụng vào giai đoạn cuối Thế chiến II khi Mỹ thả quả bom nguyên tử có biệt danh là “Little Boy” xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản ngày 6-8-1945. Ba ngày sau, Không quân Mỹ tiếp tục thả quả bom nguyên tử “Fat Man” xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản. Hai thảm họa này khiến hơn 200.000 người thiệt mạng ngay thời điểm đó, từng ấy người nhiễm phóng xạ và còn rất nhiều người chịu hậu quả bệnh tật sau này.

Ngày 6-8-1955, Hội nghị quốc tế đầu tiên về cấm vũ khí nguyên tử chọn ngày 6-8 hàng năm là Ngày thế giới phòng chống vũ khí hạt nhân vừa là ngày kỷ niệm về sự tàn khốc mà vũ khí hạt nhân gây ra cho con người cũng như hạn chế và tiến tới cấm sản xuất, thử nghiệm và sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong một động thái liên quan, mới đây Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi các nước trên thế giới cần cấm vĩnh viễn hoạt động thử hạt nhân. Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông Guterres dường như đang bị phớt lờ khi nhiều lần Nga nhắc đến vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột với Ukraine.

Giải pháp nào để không xảy ra cuộc chiến hạt nhân đang là bài toán khó đối với LHQ và cộng đồng quốc tế hiện nay.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>